Thứ Ba, 3 tháng 7, 2007

Câu chuyện "Hô lai bất thượng thuyền"...




Hôm nay theo lý thì là một ngày cũng đặc biệt gì đấy với mình - nghé hôm qua đi thi, hôm nay nghé nghỉ hè - nhưng chắc là do quán tính nên nghé chả thấy gì đặc biệt cả. Thôi hôm nay mưa to nên nghé sẽ xoay xở với những cơn mưa vậy.


Ngày bé nhà nghé ở gần biển nên năm nào cũng thưởng thức đủ mấy cơn bão mạnh. Mà cũng như bao trẻ con khác nghé lại thích bão mới chết chứ lị. Sẽ nghỉ học, đương nhiên rồi. Người lớn sẽ tíu tít đi dọn dẹp, chằng buộc để phòng bão. Cả khu tập thể gồm 10 gian nhà cấp 4 sẽ xôn xao hơn mọi hôm. Cũng chả có gì nhiều, chủ yếu là ra vườn xem quả gì ăn được thì vặt mang vào nhà không thì hỏng mất. Chằng lại mấy tấm phên chắn gió ở cửa. Đôi khi có nhà còn đem tấm nilon ra đóng vào cho kín gió. Phạt bớt cành lá cây cối và thu dọn những đồ lặt vặt. Cuối cùng là các bà các mẹ chạy ra chợ mua cái gì về để ăn mấy ngày. Trẻ con thì thỉnh thoảng được sai vặt, không thì lại chạy từ nhà này sang nhà kia để hóng chuyện. Xong việc thể nào cũng có đám tụ tập ở nhà ai đó nghe người lớn kể chuyện bão mạnh thổi bay cối đá ngày xửa ngày xưa. Tối mùa hè thường có tụ tập đánh tú lơ khơ ở nhà nào đông con và dễ tính nhất. Bão thường sẽ đến vào lúc nửa đêm nên trẻ con đi ngủ cứ hồi hộp xem không biết lúc nào thì bắt đầu. Thường lúc gió đã vần vụ ngoài kia và mưa hắt ràn rạt vào mái ngói, bố mẹ lục tục dậy đi hứng dột thì nghé đã ngủ say rồi, chỉ lơ mơ biết là đang có bão ngoài kia. Sáng thì chính ra thường nghé lại là người dậy sớm nhất. Trong nhà tối thui, chả có đèn đóm gì. Người lớn cứ ngủ hoặc ở trong nhà nhưng nghé thì lại thích hé cửa chui ra ngoài đi lang thang dọc hàng hiên. Người lớn sẽ càu nhàu 1 chút nhưng cũng không sao. Mọi nhà đều đóng cửa im ỉm nhưng hình như sau mỗi cánh cửa là mỗi gia đình đang rúc rích chuyện trò hay chơi 1 trò chơi gì đấy. Riêng tư quá khác hẳn mọi ngày cửa để toang và nhà này chạy sang nhà kia suốt thành ra chả định chui vào nhà ai cả. Sẽ rất bất ngờ nếu phát hiện ra giàn mướp nhà hàng xóm đã bị sập. Nước mưa dâng ngập ao và lênh láng ngoài sân. Cả khu nhà thành 1 ốc đảo, ngoài kia vườn điền thanh rạp xuống trong gió. Nước oàm oạp trên cánh đồng bây giờ trắng xoá. Một cảm giác thú vị và se se ngọt. Nếu ngớt mưa thì có thể lội xuống sân, biết đâu lại thấy 1 con cá nào đấy. Nhưng chủ yếu là cua thôi và thường thì cũng không dám lội lâu vì sợ đỉa.

Chạy vào nhà kể cho người lớn nghe chuyện giàn mướp nhà hàng xóm bị sập thì lại bị nhắc không được ra ngoài không cành cây nó văng vào đầu cho. Nhưng phần hấp dẫn nhất lại là lúc bão bắt đầu đi qua: mưa giã bão. Những cơn mưa bất tận, miên man và ào ạt. Các nhà bắt đầu mở hé cửa ra và trẻ con ra ngoài hiên để bàn tán về cơn bão hoặc chỉ đơn giản là ngó mưa lạnh. Xoè tay hứng những dòng nước xối từ trên mái ngói cho nước bắn li ti hay tung toé là 1 thú vui dễ dàng. Chỉ mong trời mưa mãi, còn bé quá chưa dám tự tiện lấy áo mưa để phi ra ngoài lội nước-nước nhập đến đầu gối rồi, vui cực. Khi những trận mưa giã bão đã ngàn đi là cứ thấy tiêng tiếc. Tiếc cái cảm giác một mình hoà với mưa gió vần vũ bạo liệt, nghe cái lạnh lẳng lặng thấm vào sâu thẳm ký ức đến không ngờ...

Mạnh mẽ xiết bao. Mưa. Mưa rộn rã của mùa hè trong những khu phố nhỏ. Nước mưa tung toé trên mặt đất, chảy thành rãnh. Tiếng nước đập rào rào trên mái tôn, tiếng giọt gianh lanh canh xuống xô, xuống chậu. Chạy. Lũ trẻ chạy trong những cơn mưa và reo hò. Chúng chẳng cần những bản thiết kế và làm ra những con thuyền. Những chiếc thuyền giấy chở những điều thần kỳ. Chúng trôi trên mặt nước. Phải té thì chúng mới ra xa được. Cẩn thận nhé kẻo nước làm chìm thuyền mất! Rồi thì chúng cũng chìm trong mưa. Chúng xẹp xuống, ướt đẫm và lấm bùn - ngập dưới làn nước. Nhưng bọn trẻ đã chạy đi tự lâu rồi. Chúng không bao giờ chịu chờ đợi cả. Không bao giờ chúng chờ đợi kết thúc. Không có kết thúc trong tim non ấy. Trong sạch và khát khao. Chiếc thuyền vẫn chìm trong nước mưa. Và mưa sắp tạnh rồi. Sẽ có vô khối cá rô nếu bây giờ là ở quê. Những con cá rô khoẻ mạnh, ram ráp quẫy mình theo lạch nước. Phải be bờ thôi. Hay thật! Cứ như là làm ao ấy. Bọn trẻ đã hoàn toàn quên những chiếc thuyền. Những chiếc thuyền ấy đã đi xa tít tắp. Xa tới tận những Đảo giấu vàng. Và thỉnh thoảng chúng ghé lại những hải cảng. Thuyền trưởng sẽ gặp những thống đốc hay ký kết một món gì đấy. Thuỷ thủ sẽ tới quán rượu Buốc-bin. Cũng có cái giờ là thuyền cướp biển. Vào bờ chúng sẽ hạ lá cờ đầu lâu xuống, nhưng rất dễ để nhận ra những gã cướp biển. Những tay can trường và bặm trợn ấy, chúng uống rượu Rom và hát be bét. Những bài hát về những con vẹt, thuốc súng, ống nhòm và cả những thằng cụt chân. Nếu nhiều quá những thằng cụt ấy thì sẽ quẳng bớt xuống biển – cho cá ăn. Cả bọn cười hô hố và ghẹo cô hầu bàn. Chúng chửi rủa ầm ĩ và tục tĩu. Chỉ có thuyền trưởng mới buộc chúng về tàu được. Chúng lại ra khơi. Những tàu cướp biển không bao giờ biến mất cả. Chúng cũng không chìm. Nếu cả bọn chết thì nó sẽ là một con tàu ma. Con tàu lầm lũi đi trong sương mù và bóng đêm. Bất chợt một ngày tạt sát những con tàu khác và mất hút - đột ngột. Lại có một con thuyền có cánh buồm màu đỏ thắm. Nó đi khơi đã rất lâu, rất lâu rồi. Chỉ nhớ, có một lần, nó xuôi theo một dòng sông. Đứng xa bờ sông một chút thì không thể thấy được thân tàu. Chỉ có màu đỏ thắm là thấp thoáng sau những lùm cây. Rồi nó lại ra khơi và bắt đầu một chuyến đi mới. Những chuyến đi không bao giờ là cuối cùng cả. Rồi mờ nhạt. Tất cả mờ nhạt đi.




--------------

Hồi trước đọc tập thơ đầu tiên là tập thơ Nguyễn Bính. Huế với mình là một xứ lạ, xa xôi. Biết là xứ Huế mưa dai dẳng trắng trời qua những câu thơ "Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày..." Bắt đầu thích cái cảm giác lữ thứ, thú thương đau của phiêu bạt giang hồ. Thích những câu thơ trong bài "Hành phương Nam", tưởng tượng như đâu đó trong một quán nhỏ giữa chợ vắng trong buổi chiều mưa trắng trời

Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên khắp bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi !

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại
Hát rằng phương Nam ta với ngươi
Ngươi ơi ! Ngươi ơi ! Hề ngươi ơi !
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi !

...

Có lẽ vì vậy mà những năm tháng sau này đến Huế làm mình thấy có gì hẫng hụt, nao nao. Vài ngày xô bồ chả bao giờ cho mình cảm giác đấy cả. Không phải Huế của năm tháng kia, không cả như "Tuổi thơ dữ dội" nữa. Biết là phải trong những ngày dài nào đó, nhạt nhoà, đơn bạc nơi góc phố cuối thôn, phải nhạt nhoà nữa nữa..mới gặp được những hư hao 1 thuở. Thuở ngầm ngậm buồn với cái xóm nhỏ xa xôi nào đó ngoài kia, mai này...

Xóm Ngự Viên

Lâu nay có một người du khách
Gió bụi mang về xóm Ngự Viên
Giậu để dây leo suồng sã quá
Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng

Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá
Xóm vắng rêu xanh những lối hèn
Khách du lần giở trang hoài cổ
Mơ lại thời xa xóm Ngự Viên

Có phải ngày xưa vườn ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Sớm đào, trưa lí, đêm hồng phấn
Tuyết hạnh, sương quỳnh, máu đỗ quyên

Đức vua một sớm đầu xuân ấy
Lòng đẹp theo giời, dạo Ngự Viên
Cung tần mĩ nữ ngời son phấn
Theo gót nhà vua nở gót sen

Hương đưa bát ngát ngoài trăm dặm
Cung nữ đa tình vua thiếu niên
Một đôi công chúa đều hay chữ
Hoàng hậu nhu mì không biết ghen

Đất rộng can chi mà đổi chác
Thời bình đâu dụng chước hoà Phiên
Mẫu đơn nở đỏ nhà vua nhớ
Câu chuyện: "Hô lai bất thượng thuyền". (1)
Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Gót sen bước nhẹ lầu tôn nữ
Ngựa bạch buông chùng áo trạng nguyên
Mười năm vay mượn vào kinh sử
Đã giả xong rồi nợ bút nghiên
Quan trạng tân khoa tàn tiệc yến
Đi xem hoa nở mấy hôm liền
Đường hoa, má phấn tranh nhau ngỏ
Nhạc ngựa vang lừng khắp bốn bên
Thắp hương tôn nữ xin trời phật
"Phù hộ cho con được phỉ nguyền"
Lòng trạng lâng lâng màu phú quí
Quả cầu nho nhỏ bói lương duyên
Tay ai ấy nhỉ gieo cầu đấy?
Nghiêng cả mùa xuân trạng ngước nhìn
Trạng bắt sai rồi lầu rủ sáo
Có người đêm ấy khóc giọng lên
Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc
Chẳng Tống Trân ư, cũng Nguyễn Hiền!
Khách du buồn mối buồn sông núi
Núi lở sông bồi cảnh biến thiên
Ngự viên ngày trước không còn nữa
Giời chỉ còn tên xóm Ngự Viên

Khoa cử bỏ rồi, thời hết trạng!
Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên
Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo
Dân thường qua lại lối đi quen
Nhà cửa xúm nhau thành một xóm
Cay nồng hơi thuốc lẫn hơn men
Mụ vợ Bắc Nam người tứ xứ
Anh chồng tay trắng lẫn tay đen
Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa
Khúc "hậu đình hoa" hát tự nhiên
Nhọc nhằn tiếng cú trong canh vắng
Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn...
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên.

Huế, tháng 9-1941
(1) Vua gọi tới những người đẹp (e thẹn) không chịu lên thuyền (Thơ cổ).

.........

Năm tháng qua đi, nhớ lại câu chuyện hồi 15 tuổi, cũng trong một ngày mưa gió nằm bó gối trong căn nhà trọ tận ngõ hẻm của thành phố xa lạ cũ kỹ, đã cãi một cách cả quyết và tin tưởng về những dự định tương lai sau này. Mình đã kể ước mơ của mình là đi-suốt đời làm một chuyến đi vô định, phiêu bạt chân trời góc bể. Một thằng bạn, một ông anh ngoài 20, họ đã cười lăn cười lóc vì cho là mình viển vông mơ hồ. 'Mày ăn bằng gì? Đi bằng gì?" Thì sẽ đi bộ chứ sao. Thiên mã hành không, độc vãng độc lai. "Mày có thấy ai không có tiền mà sống được không?". Rất ấm ức. Ấm ức không phải vì chứng cớ hay lý luận - họ đã phải công nhận là có thể như thế được khi mình dẫn ra (1 cách yếu ớt) 1 anh chàng người Pháp đi khắp 5 châu, viết sách rồi lại đi - mà là họ đã không thể chia sẻ niềm tin quyết liệt trong mình là mình có thể dành toàn bộ cuộc sống để theo đuổi 1 điều gì đó xa xôi, sâu thẳm. Đi là biểu hiện của sự kiện hoán đổi rằng sống không phải để làm duyên làm dáng mà sống là tận lực máu xương, là lựa chọn và chấp nhận.

Chiều hôm ấy, trong ánh sáng lờ mờ của ô cửa sổ dưới gác xép kia mình cũng lờ mờ nhận ra 1 sự thực rằng đôi khi chúng ta sẽ rất lẻ loi trong cuộc sống này như một thứ dị dạng, chập chập...chỉ để pha trò cho cuộc chơi khác. 1 thoáng se mình khép lòng lại. Như đứng trước cơn mưa giã bão đang ràn rạt ngoài kia. Lạnh lặng lẽ thấm vào thăm thẳm.


Ngày thứ 8 Chúa đã làm gì hả Jack? Là TV phải không nhỉ...
-----------

Viết cho bạn và tôi - tuổi trẻ.

3 nhận xét:

  1. Cám ơn bác đã chỉ. Em copy nguyên cái ghi chú từ một link khác. Cũng ngờ ngợ cái điển tích này, nay mới rõ là như thế :)

    Trả lờiXóa
  2. Theo tôi, "hô lai bất thướng thuyền" là lấy từ câu thơ "Thiên tử hô lai bất thướng thuyền" của Đỗ Phủ trong bài "Ẩm trung bát tiên ca". Đây là câu thơ nói về Lý Bạch. Đường Minh Hoàng ngồi trên thuyền cùng với Dương Quý Phi và Dương Quý Phi muốn Lý Bạch đến làm thơ nên Đường Minh Hoàng cho gọi Lý Bạch đến thuyền. Nhưng Lý Bạch say rượu và không chịu lên thuyền. Vẻ đẹp của Dương Quý Phi thường được ví như hoa mẫu đơn. Nhìn hoa mẫu đơn nở mà nhớ tới câu chuyện Dương Quý Phi và chuyện không lên thuyền của Lý Bạch.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi thích thơ Nguyễn Bính lắm, từ năm 20 tuổi tôi đã thuộc khá nhiều thơ của ông, và giờ đã ngoài 60 tuổi tôi vãn đọc thơ ông.

    Trả lờiXóa