Thứ Năm, 26 tháng 7, 2007

Chính Trị-Tôn Giáo-Triết Lý




Giật tít to cho nó kêu :D
(Anh mượn cái ảnh của em Chiaki nhé :)

Không muốn viết gì nhưng lại muốn comment. Định comment xong lại thôi-nói đi nói lại vẫn là không cẩn thận. Không nói lại buồn tay. Nên lại viết 1 tý. Các bạn nể tình nhìn nhận những thiện chí mà đừng ném đá những thiển cận nha-chỉ khe khẽ thì được :) Nhất là đừng nghĩ mình phê phán hay tỏ vẻ gì-mình chỉ bận tâm phê phán chính mình thôi :((






Chính trị. Hôm trước nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa là do đọc báo thấy có tín hiệu lạ chứ cũng chưa biết vụ bắn súng giết người trên biển. Có điều lúc đó đã nghĩ đến cái sự vụ rất tồi tàn là ở bình diện quốc gia nhiều khi người ta cho phép xử sự với nhau man rợ, bất chấp mọi quy tắc đạo đức dù là tương đối nhất. Vấn đề ở đây là hễ người ta bắt đầu tìm cách lý luận về thì nó càng lúc càng tỏ ra có lý. Xác lập cơ sở cho đạo đức lại là một chủ đề còn dang dở. Bạn nào quan tâm nên xem tham khảo cuốn đó của Francois Jullien. Một ý rẽ ngang là: tựu trung có vẻ cái đáng giá nhất là cái kinh nghiệm trước tiên, tức thì của tình liên đới. Mình thiên về một nền triết lý gắn với những tiêu chuẩn kinh nghiệm như vậy nên gặp những điều này thường lập tức khởi lên cái cảm giác buồn nản về sự khó khăn khủng khiếp vốn đòi hỏi một nỗ lực kinh hồn, một ý chí sắt đá để tuân thủ theo cái tức thời này. Nó góp phần giải thích tại sao người ta chấp nhận được sự vô lý của thế giới hiện thực.

Đồng thời người ta cũng thường bị cuốn ngay vào những tư tưởng vốn bị ngầm mặc định về những ý niệm dân tộc, quốc gia...Nên chuyện sẽ chẳng có gì mới mẻ. Nếu cứ vậy mà ùa đi thì câu chuyện chính trị sẽ trở nên rất hấp dẫn với những bàn ngang đoán dọc về từ những chiến lược quyết sách đến thủ đoạn hành xử ngoại giao. Bàn chuyện chính trị thì tất nhiên là rất hấp dẫn rồi. Đàn ông càng khoái bàn những chuyện này. Tuy nhiên kết quả chung cho những dư luận như vậy trong đa số trường hợp là vô hại và kết thúc trong hỗn loạn. Nguyên nhân rất đơn giản: thiếu dữ kiện. Bài toán chính trị là bài toàn có rất nhiều tham số. Thiếu tham số thì sẽ chả có kết quả gì chính xác cả. Ai cũng đúng vì chẳng ai có kết quả cuối cùng. Tham số chính trị thì lại càng không bao giờ có 1 cá nhân nào dám cả quyết là có đủ - bạn có thông tin tình báo chiến lược được không khi mà ngay cả bản chất những thông tin này luôn là ước định. Chính trị trước hết là thuộc lĩnh vực của hoạt động thực tiễn.

Giải pháp trung hoà cho nhu cầu giải toả một cảm giác là những nhận định phù hợp với những gì mình biết mình có. Nhiều người cũng dừng lại ở việc điểm tin. Vậy cũng tiện. Mình cũng chả biết thế nào là phải.

Tuy nhiên, đối với 1 vấn đề xã hội, một khi vấn đề đã được xác định thì không có hành động gì cũng đã là một hành động. Mưu toan che giấu nó bằng những tranh biện giả triết học hay những vấn đề thực tế đều là sự đánh lừa mà thôi.
-------

Định comment bên blog bác Linh nhưng bạn Le cũng hỏi rồi nên thôi. Chuyện này là mình nhớ đến một chuyện buồn cười khác ở lớp học năm rồi. Ông thầy triết Mác-Lê hỏi về phân loại các trường phái triết học chủ yếu. Mình kề cà 1 lúc xong giả vờ tâm huyết "Thực ra theo em chỉ có đúng và sai mà thôi-nên chỉ nên phân loại thành chủ nghĩa duy vật biện chứng và các chủ nghĩa khác". Thầy gật gù ngay tắp lự mới vui chứ...

Tôn giáo là gì? Bản thân việc sa vào định nghĩa nó sẽ chắc chắn làm tiêu tan đi rất nhiều những giả vấn đề mà ta dự định đưa ra trước đó. Hình như có 1 điểm này mà ngay cả những người tự nhận là đứng trong kinh nghiệm tôn giáo cũng dè dặt khi nói về nó - đó là một dạng kinh nghiệm về cái gì đó toàn thể. Một khát vọng, bức bách, xao xuyến nào đó...Nếu chú mục vào đây thì mọi thứ lại bắt đầu tiêu tán đi đâu hết trọi luôn. Nhưng nó vẫn là thứ dễ dàng nhất để phân biệt người có tôn giáo thực sự với những tình cảm đại trà khác. Chỉ dẫn 1 truyện nhỏ trong Thiền tông - người ta phải 1 mình đối diện với CÁI ĐÓ, vừa đồng thời ở trong 1 dòng chảy vừa đồng thời phủ nhận tất cả những bấu víu đồng đảng. Vậy chớ việc gom họ vào 1 rọ có đem lại ích lợi gì cho họ không??? Huống hồ, một khái niệm hay định nghĩa luôn xuất phát từ một ngầm định có tính mục đích.

Cách chia có ích lợi nhất mà mình biết là cách chia tôn giáo thành 2 loại của Erich Fromm trong "Phân tâm học và tôn giáo". Một đàng, là sự chia cắt giữa con người và những phẩm tính cao quý; đàng kia, con người theo đuổi kỳ cùng cái tiềm tàng nhân tính của chính mình, có trong chính mình. Trong entry
này mình có phớt qua (và dang dở) 1 chút về điều trên.

---------

Triết lý. Đọc cuốn "Triết học nhập môn" của Karl Jasper mình lượm được điều này: có lẽ cũng như các triết gia hiện sinh khác nhưng ông đã nói khá giản dị (cho 1 cuốn nhập môn) về cái gọi là "suy tư từ khởi nguồn/nguồn suối". Triết lý không phải là 1 thứ học công truyền, càng không có cái gọi là
thần đồng triết học-cho dù quả nhiên người ta phải chịu 1 tư lự có thiên hướng. Tách rời cái nguồn suối đó thì người ta chỉ còn là chơi chữ, lặn ngụp trong tứ cú mà thôi!

Nietzsche là 1 triết gia hấp dẫn và tiện dụng mặc dù hơi lỗi mốt cho nhiều người Việt nam. Vì ông viết như thơ mà thơ thì vietnam ta thành thần. Hơn nữa ông lại viết theo điệu cách ngôn-như từ một thẩm quyền. Được đóng bảo hiểm bằng sự điên loạn kỳ vĩ nên những tăm tối u uẩn thành ra rất mực sang trọng. Cho dù hậu hiện đại chưa lên ngôi thì bản thân cái cảm giác ta, chỉ ta hiêu hiểu ông và ông, chỉ ông hiêu hiểu ta, biện minh cho những dúm dó bợt bạt phóng túng của ta. Bây giờ tình thế có vài thay đổi nhỏ theo chiều hướng tiện dụng hơn - chỉ cần vài nhà văn đương đại u uẩn là đủ.

Đọc cuốn "Schopenhauer-nhà giáo dục" của Nít xong thấy 2 điều.

1. Buồn nản. Sự học thăm thẳm, nếu như những gì mình thấy được từ đây (sẽ nói 1 chút ở mục 2) giúp mình sáng tỏ được đôi điều về cách đọc ông thì nó cũng chỉ ra khối lượng khổng lồ bắt buộc của cái học công truyền, nếu muốn thực sự biết được điều ông nói là nói với ai, lúc nào, ở đâu... Và với triết gia nào cũng vậy cả. Trừ phi là thiên tài, mọi huênh hoang từ dăm ba đoạn sách này nọ đều khiến chúng ta thành kẻ phét lác mà thôi :(

2. Ba nỗi hiểm nguy của nhà triết học/người triết lý:
- Sự hiểm nguy cô độc. "Đó là một kẻ cô đơn về mọi mặt, họ không có đến một người bạn thân thực sự hiểu họ, an ủi họ, và giữa chỉ một kẻ không thôi và không ai cả, cũng như giữa một cái gì với không có gì cả có một vực thẳm hun hút, khi ta có những người bạn đích thực, ta không hiểu được thế nào là thực sự cô đơn, thế nào là toàn thể cuộc đời chống lại mình"

- Cái thứ hai là đã toan tuyệt vọng về chân lý. "Việc khảo sát về những triết gia một nửa hay triết gia một phần ba không có cái thích thú nào hơn là chứng tỏ rằng họ là những kẻ mà, trong dinh thự đồ sộ của triết học, điểm quan trọng là được do dự theo lối mô phạm rởm giữa cái theo và cái chống, cái lý luận phù phiếm, cái hoài nghi, cái mâu thuẫn, tức là những cái ban cho họ quyền lẩn tránh sự đòi hỏi chính đáng của mọi nền triết học lớn lao, mà ý nghĩa của nó là thế này: "Này đây là hình ảnh mọi cuộc đời, hãy suy ra từ đó ý nghĩa cuộc sống riêng tư của anh. Và đổi lại, hãy phá giải ý nghĩa đời anh, anh sẽ khám phá ở đó những chữ mật của cuộc đời toàn thể"

- Cái nguy hiểm thứ ba-cái nguy hiểm lạ lùng nhất: sự kết hợp vô đạo giữa sự chống đối kiên cường (phú bẩm của những kẻ cảm thấy thoả mãn và đầy đủ, chắc chắn về sức mạnh của mình, không ao ước gì hơn nữa...) với nỗi niềm tiếc thương hoài vọng (tái sinh trong con người 1 vị thánh hay 1 thiên tài)


Thích nhất câu này của nhà bác Mai Sơn kia:

Tự do



Là thoát khỏi mọi sự trói buộc

Nhưng tự do còn là thoát khỏi sự phóng đãng của lý trí




Nó hợp với mình lúc này-thoát khỏi sự phóng đãng không bằng cách: cảm và tóm tắt sự đời theo ý mình :D

Mình kính mộ những tâm cảnh giản phác thế này:

Tiếng chuông lòng

Tiếng chuông lòng dội buổi tan sương.

Đính lễ quy y trước Phật đường…

Soi tỏ tâm linh nhờ đuốc tuệ

Rưới tan tục luỵ, sẵn cành dương

Giữ niềm bác ái không sai chậy

Thời bệnh sân si khỏi vấn vương

Tôi cũng như ai phường đạo hữu

Mong vào cửa Phật đến Tây Phương.


(Bài thơ cuối cùng của Ưng Bình Thúc Giạ thị).

6 nhận xét:

  1. Tra em tien ban quyen anh de^...Mau mau...!!!

    Trả lờiXóa
  2. Suỵt!!! Cái tít to đùng kia cốt để quảng cáo cho cô gái quàng khăn đỏ đấy :)
    Hôm trước đứa nào nhờ anh giới thiệu cho mấy chàng ấy nhỉ?
    :D

    Trả lờiXóa
  3. - Cái nguy hiểm thứ ba-cái nguy hiểm lạ lùng nhất: sự kết hợp vô đạo giữa sự chống đối kiên cường (phú bẩm của những kẻ cảm thấy thoả mãn và đầy đủ, chắc chắn về sức mạnh của mình, không ao ước gì hơn nữa...) với nỗi niềm tiếc thương hoài vọng (tái sinh trong con người 1 vị thánh hay 1 thiên tài)
    Vì sao cái này nguy hiểm, lại còn nguy hiểm nhất nữa?

    Trả lờiXóa
  4. Cái này hơi khó hiểu vì:
    - Tớ chỉ trích nguyên văn (từ 1 bản dịch có phần hơi phóng bút)
    - Nó được viết trong giai đoạn đầu của F.N, nằm trong ngữ cảnh đặc thù của thời đại của ông. Và F.N sử dụng ý niệm về "thiên tài" từ triết học của Schopenhauer-trong khi F.N viết với văn phong "cho chính mình", 1 điểm quan trọng khi đọc ông! Nên nếu không đọc 1 chút cả tác phẩm thì cũng khó biết rõ nghĩa các từ kia (thiên tài, hoài vọng, sự chống đối kiên cường...)
    Thực ra mình hiểu điều này cũng giống như điều mà có lần bạn Le nói về thái độ sống đứng giữa mâu thuẫn sóng đôi mà thôi. Nó nguy hiểm nhất vì nó có ranh giới rất mong manh với TÂM PHÓNG DẬT.

    Trả lờiXóa
  5. Gioi thieu ma lay anh nay thi cac anh chay mat dep het a...Anh phai lay cai anh nao dep dep chu?

    Trả lờiXóa
  6. Bat dau phai lancer thui..hihi...

    Trả lờiXóa