Vừa đi xa về, đang bận lại mệt nên chưa trả lời comment được. Nhân vừa nhận được hồi âm của 1 người lang thang nên post lại entry này các bạn đọc chơi :)
Ảnh từ: http://g8.no/images/20060722135001_walking-alone-in-the-dark.jpg
------------------
Entry for June 15, 2007
Đểu thật! Mình từ lâu rồi mất ý thức về thời gian. Không ngày tháng, không giờ giấc. Chỉ còn lại là những việc gì đã làm và nhớ được. Vấn đề là ở chỗ: đó là thời gian của riêng mình. Mất hết tương quan với xung quanh. Như hôm trước, đang định viết là hôm qua mới sực nhớ đó là hôm kia đã có một kinh nghiệm trở lại với mình. Làm kẻ lang thang vật vờ vô định. (Mà thực sự ở giai đoạn này khi mà không bạn bè, không đồng nghiệp, không thân thích - không một mối liên hệ thân tình đơn giản nào cả thì chẳng đích thị là thằng lang thang à?)
Gửi xe ở Bưu điện Bờ Hồ rồi bước qua đường tìm một cái ghế đá để ngồi. Thực ra thì thích ngồi bên kia hơn vì view nhìn xa vắng hơn, lại tránh được nắng hướng Tây nhưng rốt cuộc ngại đi xa quá mà vẫn ở bên này. Khó mà kiếm một cái ghế nào trong bóng râm lại chưa có ai ngồi. Giải pháp trung hoà: một chỗ có nửa phần ghế dưới bóng liễu lưa thưa. Như vậy hơi nắng nhưng có cái mũ bán kem với lại đeo cái kính mát nửa mùa vào là trời đất nom rất tuyệt. Như vậy cũng sẽ không có ai mon men lại gần xung quanh nữa - trời nắng mà. Huống hồ hẳn mình nom rất giống một thành phần khó tả, đại loại không nên dây vào.
Giờ phải lùi lại chút nữa, tức là vào khoảng gần 1g trưa hôm đó. Phố Tôn Thất Thiệp có lẽ là cái phố có tên phố ngắn nhất mà mình biết (ngoại trừ Hoả Lò xem ra không nên gọi là phố nữa). Có cả thảy 6 số nhà là hết một dãy phố. Nó nằm kẹp ở gọng kéo Điện Biên Phủ với Trần Phú. Mình tò mò phi xe thẳng về phía cuối đường, vắt ngang qua Trần Phú thì nó thành một cái ngõ. Chợt nhớ ra có lần bác Dung dẫn mình đến chơi nhà ông anh trai của bác ở bên Viện Lịch sử Quân đội, trong một cái chung cư trong ngõ này. Đi tiếp vào một khu có vẻ là phía sau của khối cơ quan quân đội hay Đảng Đoàn gì đấy. Thích cái sự vắng vẻ giữa trưa của nó. Đi nữa hình như đâm ra Lý Nam Đế. Thế là hết bí mật rồi nên quay lại. Đi xuôi Điện Biên Phủ về phía đường Hùng Vương. Hôm đấy là một hôm trời rất đẹp, trong xanh, mát mẻ dù đang giữa trưa. Lòng mình thì thảnh thơi vô hạn vì đã ghép mình vào một công việc rồi nên không bận tâm những việc khác nữa. Giờ đấy lại là khoảng thời gian hoàn toàn tự do của mình. Làm gì với nó bây giờ nhỉ? Xe trôi lãng đãng trong bóng cây xanh rì và đường thênh thang. Đi qua chỗ Cột Cờ, thấy quán Cafe HighLand yên tĩnh bên dưới chân tường rêu đổ là trong đầu thoáng nhen lên tưởng tượng ngồi một mình trong đó nhâm nhi Capuchino nghe tiếng trưa yên tĩnh. Nhưng vẫn không dừng lại được. Ngày hình như còn gì đó phía kia. Thoáng nhớ lại cuộc tranh luận về nên-không nên có kiểu khai thác di tích lịch sử như cái quán kia. Nên đấy chứ. Đừng cứng nhắc và đơn giản hoá cuộc sống như thế chứ? Chỉ miễn là cái chỗ đấy phải giữ cho người ta cái cảm giác đang ngồi dưới bóng và bên cạnh chân tường của quá khứ. Khoảng cách và độ vênh sẽ tạo ra thế năng để người ta sẽ thêm vào phần suy tư về quá khứ bên cạnh suy tư về chính mình...
...Rồi rẽ đi ra đường Hùng Vương. Không gian lồng lộng cây xanh và trời cao. Vang vang tiếng trưa hè. Làm mình tưởng như đang đi giữa tuổi thơ. Không có ký ức cụ thể nào được gợi lại, nhưng chắc bởi vì ngày bé thì bao giờ mùa hè chả là lúc mình ở HN với mấy cuốn sách thiếu nhi và một cái gác xép nhỏ? Bấy nhiêu đủ để biến thành vĩnh viễn rồi.
Đi qua đền Quán Thánh, dọc đường Cổ Ngư. Mấy cái quán bánh ngọt chòi ra ven hồ lại chen vào mắt mình. Nhớ lại ý định hồi lâu lắc muốn viết báo nhắc nhở về chuyện này lại thôi. Sau đấy khoảng nửa năm hình như cũng có người làm rồi. Nhớ sang chuyện mấy cái công viên của Hà Nội giao cho tư nhân làm. Người ta phải phân biệt rõ ràng mọi chuyện chứ? Phải biết đứng từ chỗ nào mà lựa chọn chứ? Những điểm cây xanh mặt nước như thế này của thành phố HN phải nhìn từ góc độ lợi ích của cả thành phố và phải quy chiếu về những 50 năm sau. Không gian thảng đãng còn lại hiếm hoi của HN nằm trên con đường này có nên để so sánh với cái lợi ích và trách nhiệm nhân danh công ty khai thác Hồ Tây? Mấy cái công viên của HN cũng vậy, bảo là chưa hiệu quả trong khai thác nhưng cái cách người ta làm tăng hiệu quả mới thật đáng ngờ. Thô thiển. Mình gặp quá nhiều những dự án kiểu ấy rồi. Chẳng thằng điên nào chịu nghĩ cho cộng đồng trước khi tính xong bài toán cấu véo yên thân của nó đã. Luôn luôn có kiểu lý luận đa dạng hoá chức năng, xã hội hoá hoạt động đầu tư...bala..bala..5-10% đất công viên làm đất văn phòng chẳng hạn, có chết ai đâu...Mịa, ngày thằng Vincom làm dự án toà nhà VC chắc nó cũng đâu có nói nó sẽ chặt mấy cái cây cổ thụ để nhét vào mấy cái cây cau vua quê mùa dơ dáy ấy? Bản thân cau vua thì đẹp, tý nữa đi qua dốc Bác Cổ mình sẽ xác nhận việc đấy, nhưng chúng nó không biết rằng đẹp hay sang trọng gì nữa - nó là do tương quan và bối cảnh. Nếu chỉ vì cái chỉ tiêu mấy m2 cây xanh một đầu người thì chẳng ai cần đến khoảng không gian công viên làm gì! Thay nhau ra gốc cây bên đường mà đứng là được rồi! Con người ta cần một ảo tưởng về sự đơn độc nhỏ bé giữa sự vô tận của thiên nhiên chứ không phải vài gốc cây được sơn tỉa. Thế mới nói cái quy hoạch quận Tây Hồ và vùng ven đê sông Hồng là một sự thiển cận và lãng phí rất lớn. Lãng phí cái hồn vía của một nơi chốn mà cái giá phải trả là sự ngợm hoá của người đô thị. Chuyện trên còn một vấn đề nữa - đó là có những phạm vi không thể thoả hiệp, những nguyên tắc quản lý một đô thị không bao giờ được vi phạm.
...
Có một con đường mà nếu kể ra chả ai dễ đồng ý với mình là nó hay. Nhưng mình lại thấy nó rất hay. Mình thích :) Nó là đường Yên Phụ, không phải hình như cuối đường Thanh Niên rẽ trái thì đã gọi là đường Trần Quang Khải rồi hay sao ấy. Không quan trọng. Ý mình là đoạn đường đi từ khách sạn Sofitel đi qua nhà máy nước Yên Phụ ấy. Nó là đường vành đai, mọi thứ lôm nhôm-nhất là phía bên ngoài đê. Nhưng với mình chỉ cần đoạn ngắn quãng nhà máy nước, trường Mạc Đĩnh Chi...tức là phía bên phải đường theo chiều đi về cầu Long Biên là đủ. Có cái nhà gì cũ từ thời Pháp có đế tầng trệt rất to ấy, bên cạnh người ta bán bia hơi. Nó làm cho mình có cảm giác đang đi qua 1 chỗ không bao giờ thay đổi. Thấy mình đang đi trong thời gian. Thế thôi thì chưa hết ý. Nó còn liên quan đến nhịp điệu và tương quan cảm xúc của mình trên toàn chặng nữa.
Quay lại đoạn trên 1 tý. Thực ra những ý nghĩ có phần gay gắt kia chỉ thoáng qua như gió thổi. Vì chỉ là nhớ lại. Nhìn sang phía hồ Tây, thấy phục những bạn trẻ đang đạp thuyền Thiên Nga giữa nắng buổi trưa thế kia. Có những thứ mãi mãi chỉ xảy ra 1 lần, không bao giờ lặp lại. Mình vẫn thích bơi thuyền trên Hồ Tây, để cảm nhận sự lãng đãng vô biên trong một chiều sương bảng lảng nào đó ngày xưa. Cũng như lúc nhìn quán cafe Highland bên hồ kia, thoáng muốn lên cao ngồi nhâm nhi buổi trưa với nắng lấp loá và nước lóng lánh. Lại nhớ buổi chiều vô sự năm nào cùng với anh Phát phóng xe vào khách sạn Thắng Lợi để ra bar sát mép hồ ngồi khám phá ra 1 hồ Tây khác như cổ tích. Nắng 9g sáng xiên xiên trong trẻo hắt lấp loá những vẩy bạc. Chiếc thuyền đi cào ốc ngược sáng xa xa như là thuỷ mặc. Hà Nội nhìn phía này không thấy nhà cửa, chỉ xanh rì một dải xa xăm. Vắng lặng đến nghe rõ tiếng nước vỗ bờ oàm oạp.
Đến cuối đường Cổ Ngư có 2 lựa chọn. Rẽ trái là đi về quá khứ một thuở. Thuở yêu đương da diết, thuở mơ mộng trong sáng mà khao khát run rẩy của tuổi trẻ. Ngày xưa mình thường hay một mình lang thang về phía đó. Ra phủ Tây Hồ, hay chỉ vào chùa Linh Ẩn có khi chỉ là đi dọc con đường thông. Đường Xuân Diệu có cái quán T&C mà dịch ra là Thanh Cảnh cạnh đại sứ quán Argentina ngày trước thường ra đó buổi tối uống bia Ken với thử món mì spagheti lạ lẫm. Ở đó trốn được những bạn bè đã quá nhẵn mặt các quán xá HN. Ngày đó bên cạnh còn là vườn cây chứ không phải là quán lá loi choi như bây giờ.
Nếu đi ngoài đường Lạc Long Quân thì lại nhớ những chiều cuối năm mưa rét đạp xe lang thang xem đầu sông cuối bãi. Ngóng gió ngàn và thơ thẩn tìm lại dĩ vãng mù xưa. Làng nhỏ ven đê lô xô mái ngói như đường về quê nào từ tiền kiếp. Nhớ lần đầu ra tận bãi cát ngoài đê, uống chén rượu nồng trong cái chòi cheo leo sát mép nước ì oặp trong gió lạnh căm căm và mưa lất phất. Quán nhỏ bán mấy thứ lăng nhăng cho những người bốc vác ngoài đê. Chủ yếu là làm cát. Nhớ những chiều cuối năm ra thăm cánh đồng hoa đào. Đi như là Liêu Trai. Nhớ nếu cứ đi thẳng mãi, qua cả gầm cầu Thăng Long là sẽ đi lên Chèm. Tên cổ như nhắc lại một dĩ vãng cổ kính, cái gì đó bị quên lãng và ít thay đổi. Sẽ đi qua một cái đình nhỏ nằm sát mép sông Hồng ven bờ đê bên tay phải. Đẹp và xa vắng. Cũng sẽ không dừng lại. Đi mãi đến một khúc quanh để qua một cây cầu sắt nhỏ, rẽ về phía sông, ra bờ đê để ngó ngã sông nước mênh mang. Có căn nhà bé tý sơ sài bên ngoài đê giữa những luống màu. Ôm em thật chặt và hẹn nhau hay là về đây cuốc đất trồng rau cho yên tĩnh :)) Đứng từ đây lại nhớ cứ ngược theo dòng sông mãi nữa là sẽ qua đoạn Kẻ Gỗ năm nào khi mình đạp xe lên thăm mấy người thợ hồ đã cùng dựng cái quán Khoảnh Khắc năm xưa. Trong nhà mình, trên vùng đất của mình, mời bạn chén rượu họ lại thấy tự tin và sảng khoái như từ muôn thuở...
...Bây giờ chỉ rẽ phải. Đèn xanh chỉ hướng nhấp nháy, không biết có được rẽ luôn không. Kệ cứ đi ào đi. Qua chỗ đường thấp ngang trường Mạc Đĩnh Chi lại nhớ năm nào hay lang thang theo xe buýt đi đến tận bến cuối, rồi lại đi bộ dặt dẹo ở khu này. Có cái lần ngồi uống nước chè ở phố gì văng vắng phía sau cái trường này. Hình như không phải Hoè Nhai. Cũng chả tìm. Đi ngang qua đầu phố Hàng Thùng rồi. Nhớ phố này có quán cafe Tùng Hậu có tranh mà đã có lần cùng bạn Thuỵ Vũ nhắc đến. Nhớ cơn mưa bất chợt phải ghé vào tránh mưa. Có bạn, có em. Ngoài ra chưa rủ ai vào đấy nữa thì phải. Bây giờ thì cũng đến 3-4 năm không uống cafe rồi. Tệ nhỉ?
Dốc Bác Cổ. Cái miếng đất tam giác trước bảo tàng Lịch Sử thật đẹp. Gửi xe vào chỗ Bưu Điện Bờ Hồ xong vốn định tìm bà bán nước chè ngồi ngay trên bậc tam cấp nhưng không thấy. Chắc là bị đuổi rồi. Sang đường. Ngồi vào cái ghế đá. Hơi khó nhìn thấy cái tháp Rùa.
Buồn cười thật. Họ cắm những cái đèn hắt ngược vào thân tháp tua tủa bốn xung quanh, cao hơn cả cỏ. Biết là buổi tối nhìn hiệu quả nhưng có nhất thiết phải thô lỗ thế không. Cái Tháp Rùa này, thậm chí còn không được như cái cầu Long Biên nữa, vốn không đẹp để phân tích, không có ý nghĩa lịch sử để kể lại. Nó chỉ đơn giản là cũ kỹ, ở đó, một mình một thế giới, làm chứng nhân cho đổi thay của Hà Nội. Ai không có tâm trạng với thời gian, dĩ vãng của thành phố này thì sẽ bật cười cho cái thái độ hâm mộ của người Hà Nội với nó. Nó ở đó. Dường như bị quên lãng nhưng không thể thiếu được. Một ngày, nếu một ngày ai đó đi qua và thấy không có nó ở đấy nữa hẳn người ta sẽ đau lòng lắm. Và hơn thế, với nhiều người nó là một thế giới cận kề đấy mà không với tới được. Cũ kỹ, hoang phế như cất giấu giấc mơ tuổi thơ. Chứ không phải hòn ngọc lấp lánh trong đêm đâu Hà Nội ạ! Giá như chỉ là một ánh đèn vàng vọt từ trên cao chiếu xuống trong đêm. Nó sẽ có bóng. Bóng hắt xuống một khoảng tối cho lịch sử và huyền thoại toả phủ. Cũng đừng đếm xem có bao nhiêu Rùa Già trong Hồ thì hơn chứ Hà Nội nhỉ? Phải bí mật chứ. Chỉ cần giữ cho nước lại trong xanh là tốt nhất rồi. Dưới đấy, dưới đáy hồ, bên dưới rong rêu có cả hơn 1000 năm sự tích đấy. Từ hồi Hồ còn ở ven rìa Kinh Kỳ, soi bóng chùa cổ xưa cơ.
Mây trắng thỉnh thoảng giãn ra như tơ. Li ti. Trời xanh biếc. Mùa này lá cây xanh ngăn ngắt. Bóng loáng, sức sống xôn xao rướn mình lên trong nắng. Có vẻ hơi ồn ào Lá ạ. Thường nếu không kể các cụ hưu ra ngồi chờ hết ngày thì Hoàn Kiếm chỉ đơn giản dành cho các bạn tỉnh lẻ đến thăm thú. Lang thang và chụp ảnh. Các bạn Tây ghé qua. Ngồi 1 chút. Cười cười hơi bỡ ngỡ với Hồ rồi đi mất. Thế là cũng có lần mình thức trắng đêm ở đây rồi đấy. Bạn tỉnh lẻ thứ hai kia giờ đang lãng đãng tận Điện Biên cơ. Tết lại một mình một xe phi về thăm quê. Một trai hỏi mình cái gì đấy. Quay lại hoá ra bạn mời mình ký hoạ lấy ngay. Có một cái bảng vẽ A3 với mấy tờ giấy Việt Trì. Trông bạn không trẻ nữa lại ít dáng nghệ. Buột miệng từ chối theo phản xạ. Bạn có vẻ gì hơi rụt rè. Không biết bạn có phải sinh viên không nữa. Nếu là hồi năm nhất năm hai chắc hẳn mình cũng sẽ rất tự hào nếu như đấy là một việc làm thêm. Nhưng bây giờ thì...bạn làm mình nhớ đến câu chuyện mấy ngày nay ám mình mãi. "Bên lề xã hội" - thuật ngữ dành riêng cho nước Pháp, có lẽ cho những vùng ngoại ô. Không cùng khổ, nhưng ở bên lề của xã hội. Ở bên lề.
Bất giác mệt quá, mình muốn nằm xuống. Ờ nhỉ, tại sao không? Ôi chà, mắt không bị chắn tầm nhìn nữa thoải mái quá! Như đang nằm trong vườn xưa yên ắng. Lâu lắm rồi mới thanh thản chờ xem được những đám mây biến hình. Ô ngày xưa. Ngày xưa lít nhít chục đứa trèo cành xoan đầu hồi thi xem ai tìm được hình con gì giống nhất...
Toét! Toét! Thổi ai thì phải? Hoá ra chính là mình. Không được nằm trên ghế đá. Phải ngồi. Đây là trung tâm thành phố. Phải có quy tắc nào đó thôi. Thì thôi vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét