Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009

Đọc văn bản, đọc ngôn ngữ




Ảnh: người Việt ngày trước



Có 1 ý liên quan đến việc đọc những cuốn sách "cổ xưa". Nếu đọc chơi thì không vấn đề gì lắm nhưng nếu định đọc để biết nó thực sự nói gì thì thiên nan vạn nan. Tôi nghĩ không thể đọc một tác phẩm như Kinh Thánh chẳng hạn mà có thể tách rời khỏi các vấn đề về văn bản học, ngôn ngữ học (*) rồi phải kể đến một sự am tường về lịch sử, văn hoá, địa lý...của bối cảnh cuốn sách nếu chưa tính các vấn đề về dịch thuật. Than ôi, việc này nói thì ai chả biết nhưng làm được lại là một việc khó như lên trời. Ví như trên blog của Cao Tự Thanh, hay Đông A thỉnh thoảng đề cập các sai nhầm của việc đọc, hiểu, thì thấy rõ.

Suy tư triết lý thì không ai cấm, nhưng định phổ biến với người khác thì phải tự biết coi chừng.
Coi chừng cái gì?
Coi chừng bị mắng cho là "Tao nhã kiểu nhà quê!" như mấy bạn trên Thivien.
Đấy mới là mấy bài thơ thôi nhé.

-------------
(*) Nhớ là chỉ hai chục năm nay ngôn ngữ của chúng ta đã biến đổi rất nhiều đừng nói chuyện nghìn năm. Có thể xem bài về Kiêng huý học trên blog Cao Tự Thanh.

Nhân tiện lại nhớ "nghĩa mới" của từ "tinh vi-vi tính" là do bà béo Minh Vượng nói đầu tiên trong GNCT. Nhưng có lẽ nghĩa này không sống lâu được. Ngôn ngữ tuy võ đoán nhưng cũng không phải là quá tuỳ tiện.

Ngôn ngữ bị lãng quên-Erich Fromm

Nhân comment của bạn Đạn, tôi có đọc qua bài viết của Nguyễn Hoà Vân về Sáng Thế Ký và nhớ đến cuốn sách này của E.F do nó có đề cập đến cách đọc Kinh Thánh, thần thoại và đồng dao cũng như là việc đọc những giấc mơ.

Cách đọc của NHV có được cái bình tĩnh, tò mò, lật lên lật xuống vô tư của người "ngoại đạo". Cũng phải nói ngay rằng bảo người "có đạo" bình tĩnh và đừng đọc như tác giả nhắn nhủ cũng...khó. Có khác gì việc người khác bảo ta coi tổ tiên ta như một nhân vật văn học rồi phê bình tùy hứng :P

Càng đọc thì lại cũng dễ nhận thấy NHV đứng từ hệ quy chiếu Phật học để cảm nhận và giải thích.

Nếu quả thực chúng ta có ý định tìm hiểu các phân tích về Kinh Thánh nói chung, Cựu ước nói riêng-mà có lẽ sẽ rất thú vị vì nó là xuất phát của các Tôn giáo lớn, sẽ có nhiều cách giải thích khác nhau; cộng thêm với những hệ phái anti-thì sẽ có cả một lịch sử 2 ngàn năm châu Âu để tham khảo. Nhưng nếu có mục đích sưu cầu sự suy tư chân chính thì quan điểm của tôi là chúng ta trước hết phải biết từ bỏ giấc mộng tập đại thành "vạn sự thông" hoang đường đi. Tâm trí phải rộng mở nhưng cần thiết bắt đầu trong một mạch nhỏ nào đó mà trải nghiệm và lý trí của mình được đào luyện tinh thuần rồi con đường sẽ mở ra dần dà. Hãy đọc thật sâu một tác gia nào đó mà mình tín nhiệm-do duyên là chính-đối chiếu với trải nghiệm của bản thân để rồi nỗ lực tự mình suy tư đối chiếu. Khi nào dọ được vết tiến thoái của họ thì ta có thể mở rộng phạm vi tìm hiểu ra. Theo nghĩa đó, một tác gia trung bình cũng có thể giúp ta được nhiều. Erich Fromm đối với tôi là một tác gia như vậy, nhưng tầm mức của ông thì ở trên bậc trung nhiều-trung nhân dĩ thượng.

Trong những tác phẩm của E.F mà tôi biết (*) thì cuốn "Ngôn ngữ bị lãng quên" là cuốn sách có vai trò mấu chốt đối với những kiến thức mà tôi thu lượm được về lĩnh vực Phân tâm học-một lĩnh vực hàm hồ đến nỗi hình ảnh quen thuộc của các nhà PTH là kiểu người có thể đắp lên cả quả núi từ số đất moi ra trong hang chuột :D

Trong tác phẩm này E.F trình bày những quan điểm mấu chốt nền tảng về phương pháp phân tích của ông-vốn được xếp chung vào dòng các nhà PTH kết hợp xã hội học-trên cơ sở phê phán những luận điểm của Freud và đối chiếu với C.Jung. Phê bình những luận điểm của ông trong một bài viết ngắn thì tôi không khỏi quá phận nên ở đây xin tập trung tóm tắt vài luận điểm quan trọng của cuốn sách mà tôi thấy thú vị nhất.

Ngay từ đầu, Freud đã từng nhấn mạnh tính phiêu lưu chủ quan đầy bấp bênh của ngành PTH khi mà đối tượng của khoa này là những hoang tưởng vô hình 2 lần chủ quan (người bệnh, nhà PTH). E.F tiếp tục truyền thống nhấn mạnh điều mấu chốt là mối quan hệ giữa nhà PTH và người được trị liệu-từ bệnh nhân không đúng lắm theo cách hiểu thông thường-đối với các nhà phân tâm học thì đa số người bình thường chúng ta mới là bệnh nhân-là lâu dài và mật thiết. Thậm chí như những mô tả của ông thì ta có thể liên tưởng đến quan hệ Thầy-trò trong Thiền tông. Một mặt người bệnh cần có sự tín nhiệm và tương thông với nhà PTH, một mặt nhà PTH phải vượt qua cái thách thức 2 lần chủ quan để đủ thẩm quyền trong mối liên hệ tinh thần nghiêm mật này. Nói đơn giản khi mà theo quan điểm PTH hầu như cả nhân loại đều có tâm bệnh thì ông ta phải khá hơn! Đọc những tự bạch của Freud cũng như của E.F đủ thấy đời sống tinh thần của các vị khốc liệt dường nào.

Nhà PTH dựa vào điều gì để thông liên với người được phân tích? E.F nhấn mạnh đến khái niệm nguyên khởi của ngôn ngữ: những tượng trưng đến từ những kinh nghiệm nguyên thuỷ-ngôn ngữ của cơ thể. "Con người khác nhau theo một lối giống nhau". Ví dụ những trải nghiệm về "lửa" với đa số nhân loại đều có thể tìm được mẫu số chung là: từ kinh nghiệm trực tiếp về sức nóng đến những ý niệm trừu tượng hơn về sự an toàn, hy vọng, sự đe doạ....đến những trừu tượng bội như "sự thanh tẩy"...Tất nhiên phải xem xét trong bối cảnh địa lý, lịch sử, nhân trắc...để phân biệt sự sai khác vùng miền.

Kế thừa các luận điểm của Freud về vô thức, mặc cảm, chuyển di, liên tưởng tự do...khi quan sát các giấc mơ E.F nhận thấy rằng nó được biểu đạt bằng ngôn ngữ của trải nghiệm và nó giống với ngôn ngữ của Thần thoại, Kinh thánh, đồng dao. Khi mơ, chúng ta không bị ràng buộc bởi các quy luật của không gian và thời gian. Đơn giản là logic của trải nghiệm. Nó khác với sự tưởng tượng lúc thức: chúng ta tưởng tượng là đang bay nhưng ta biết là không phải. Trong giấc mơ đơn giản là ta thấy ta đang bay. Ngôn ngữ của kinh nghiệm là những ấn tượng trực tiếp và không lý giải. Đời sống tinh thần của chúng ta tràn đầy những thứ trừu tượng không thể diễn tả bằng lời: bạn có rất nhiều từ để mô tả 1 chiếc xe nhưng sẽ lúng túng ra trò để mô tả tình yêu của mình. Chúng ta chỉ có thể mô tả một kinh nghiệm bằng một kinh nghiệm từ ký ức vô tận của mình. Giấc mơ, thần thoại, đồng dao do vậy là những mô tả trải nghiệm nên cần được đọc theo ngữ pháp của ngôn ngữ tượng trưng chứ không phải theo những phân tích biểu tượng thông thường.

Trong cuốn sách E.F có trích phân tích một ví dụ về Kinh Thánh trong chuyện Jacob. Những hình ảnh và chi tiết trong câu chuyện là những tượng trưng cho trình tự tăng tiến của sức ép của nội tâm cô độc mà cao trào là việc bị nuốt vào bụng cá voi: bị cách ly hoàn toàn với ngoại giới. Chỉ khi Jacob đối diện với vấn đề của mình thì tình trạng mới được giải quyết (**). Và như vậy nếu ta nhìn bằng logic ngôn ngữ thông thường ta thấy những hoang đường, nếu ta nhìn bằng logic trải nghiệm ta thấy một sự liên tục.

Về những giấc mơ, luận điểm của E.F là: những hình ảnh tượng trưng cho những ấn tượng nội tâm. Nguyên nhân trực tiếp có thể từ một sự kiện nào đó ban ngày và giấc mơ tái tạo ấn tượng đó từ kho ký ức tương đồng vô tận của mình. Nhưng chúng ta chỉ mơ thấy những gì thực sự rất quan trọng (trong vô thức) nên tại sao lại là những hình ảnh ấy mới là điều đáng kể. Có một chìa khoá chung là sự tương đồng về kiểu trải nghiệm: có thể là nỗi sợ, sự lo lắng...nhưng cái ẩn chứa được chuyển di mới là cái cần được phơi mở. Ở đây phải vận dụng những kỹ thuật như liên tưởng tự do, những luận đề về ẩn ức, mặc cảm, chuyển di...để có thể tìm hiểu sâu về cơ chế của mỗi giấc mơ.

Một cách thận trọng và để ngỏ, E.F cho rằng có những giấc mơ phản ánh và có những giấc mơ dự báo-trên một cơ chế cảm nhận tinh vi hơn những quan sát hữu thức thông thường. Từ những gì tôi trải nghiệm, tôi không quan tâm đến tính chất dự báo của giấc mơ mà nhận thấy rằng: tất cả các giấc mơ khi đi đến cuối đường đều là quay về đối diện với những điều mình đã lảng tránh một cách vô thức. Có thể hơi chua chát nhưng quả là chúng ta không cần đắm chìm trong những giấc mơ để khám phá bí mật của con người: hãy sống chú tâm, tỉnh thức và chân thực với chính mình.
------------

(*) Tôi liệt kê danh sách những tác phẩm tôi đã đọc, và có thể mua được bản tiếng Việt ở VN cho các bạn nào quan tâm:
- Ngôn ngữ bị lãng quên
- Phân tâm học và tôn giáo
- Phân tâm học và tình yêu
- Trốn thoát khỏi tự do
- và một vài tiểu luận khác

(**) Bài này viết theo trí nhớ nên những nội dung chi tiết sẽ để dịp khác.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

Ngoại đạo

Dạo này nhân việc xử phúc thẩm vụ Thái Hà, trên các diễn đàn lại thấy rộ lên những tranh luận liên quan đến tôn giáo. Và như thông lệ, những tranh luận thường rất nhanh chóng rơi vào cảm tính và định kiến. Ngay cả những người có ý định tranh luận nghiêm túc cũng nhanh chóng mất bình tĩnh. Một lần nữa cho thấy những tranh luận trên diễn đàn thường là chẳng đi đến đâu. Vì sao vậy? Tôi nghĩ có mấy ý sau:


- Bản chất của những hình thức forum-diễn đàn phổ biến (trừ một số ít rất chuyên sâu trong những lĩnh vực dễ định lượng đúng sai kiểu như về vấn đề toán học hay kỹ thuật) là 1 loại sân chơi để "nhàn đàm"-như Lâm Ngữ Đường từng mô tả trong cuốn "Sống đẹp" (NHL dịch). Tức là nó không nặng về đúng sai bằng việc chia sẻ, khơi gợi và dựa trên sự thông cảm nhau ít nhiều. Không thông cảm được thì sẽ có thành viên ra đi. Nên nói chung rồi một ngày các forum cũng sẽ chìm lắng xuống trong một không khí "cộng thông" nhàn nhạt bạn bầy.

Hiện tượng này theo tôi xuất phát từ đặc điểm của internet: nó hình thành quá nhanh và trước hết là để giao tiếp, chia sẻ thông tin. Nếu người ta thực sự nghiên cứu và tranh luận học thuật thì sản phẩm sẽ là những cuốn sách hay những bài báo trên tạp chí chuyên sâu. Nên lẽ tự nhiên đến với các forum người ta chủ yếu chỉ dừng lại ở hành trang là những ý tưởng cùng những cảm xúc-thường mang đậm tính thất thường của đời sống từng ngày. Hệ quả tự nhiên những người "chơi 4rum" đều đồng ý rằng "để thư giãn"-để lại sau vô số ví dụ về những rắc rối do đồng nhất net với life. Một số ít đủ tự tin thì lui về làm hot blogger. Hot 1 thời gian rồi khăn đóng áo the lên báo lên sách :P

- Một điểm cũng phải nhắc tới nữa là khía cạnh tâm lí của các "công dân mạng"-từ trỏ những người thường xuyên lang thang trên net, tất nhiên là có làm việc :D Người ta đã nhận thấy ở nhóm đối tượng này những biểu hiện vấn đề tâm lí của chứng nghiện: bồn chồn, mất khả năng tập trung, khó kiểm soát cảm xúc...Trong một bối cảnh người ta mặc định phải "cộng thông" mà lại muốn kèm thêm ý định tranh luận-thường lại là những vấn đề to tát vĩ mô (chính trị-tôn giáo-triết lý)-gay gắt nhưng gói gọn trong vài dòng, vài trang thì việc không đi đến đâu là dễ hiểu. Nhất là khi hành trang chỉ là những ý tưởng, luận chứng rời rạc nặng cảm tính.


Quay trở lại với chủ đề tôn giáo. Muốn minh bạch thì phải có một sự rõ ràng về định nghĩa từ đầu. Nếu lấy cơ sở là đức tin (hiển nhiên tôn giáo gắn với đức tin-cho dù nó mang sắc thái và được đưa đến bằng con đường nào) thì thậm chí người ta có thể nói về một tôn giáo mà ở đó người ta "không tin gì". Cho rằng mình không tin gì thì cũng chỉ là một niềm tin mà thôi! Nhưng từ "đức tin", "xác tín"...đến "mê tín" là cả một phổ rất dài. Cơ hồ định nghĩa như trên cái được cũng ngang với những cái mất nếu chẳng may nổ ra 1 cuộc tranh luận giữa các giáo dân.

Nói về đặc điểm tâm lí của những người "có tôn giáo thực sự" Karl Jasper có đề cập đến một đặc điểm-chính ông cũng né tránh cái bẫy logic luẩn quẩn của việc 1 định nghĩa (như trên) không loại trừ cái gì này bằng cách nói "dường như"-là sự phổ biến và tương đồng trong các mô tả về những "trải nghiệm tâm linh" của họ. Một cảm giác "đồng nhất", "hiệp thông", "tràn ngập", "thấu thoát"...vượt qua khỏi giới hạn của nhân ngã nhỏ nhoi (*). (Mô tả tốt nhất cho điều này có lẽ xin giới thiệu cuốn sách của Eckhart Tolle "The power of Now-Sức mạnh của hiện tại"). Bất chấp việc những từ như từ "thẩm quyền" đã bị ô nhiễm khỏi ngữ cảnh tâm linh đến thế nào thì cũng có thể tạm dùng nó ở đây như thế này: Chỉ khi xuất phát từ những thẩm quyền tâm linh như thế, những bàn luận tâm linh-hay tôn giáo, một khái niệm cũng đã bị suy thoái trầm trọng-mới có thực chất và ích lợi. Và những bậc Thầy như Eckhart cũng luôn thống nhất ở một điểm: luôn phủ nhận việc thông điệp chỉ đơn giản nằm trong lời nói hay ngữ pháp của chữ viết. Ngón tay trỏ mặt trăng không phải là mặt trăng. Lĩnh vực tâm linh là lĩnh vực của trải nghiệm. Và việc hoằng đạo là việc khơi mở những trải nghiệm tâm linh tự thân chứ không phải là "rao giảng".


Có điều oái oăm là: một khi đã tự tách mình ra khỏi lĩnh vực cứng nhắc của logic thì sẽ rơi vào cái cảnh huống trớ trêu: mở miệng đã là sai rồi. Bạn sẽ dễ dàng phản công tôi bằng chỉ một câu ngắn ngủi: nói nhiều thế làm gì? Hình như với những người có cùng trải nghiệm họ có thể nhận biết được nhau nên không cần nói. Ví dụ như những mô tả trong cuốn "Thiền trong nghệ thuật bắn cung" (NTB dịch)-một bậc Thầy sẽ nhận ra khả năng của người khác qua động tác giương cung của anh ta. Nhưng những mức độ phân biệt vi tế nông sâu, nghi ngờ, khảo nghiệm, ấn chứng...trong vấn đề trải nghiệm tâm linh này thì Thiền sử cũng tràn ngập các câu chuyện ví dụ.


Đến đây mới nhận thấy cách phân chia định vị khái niệm "Tôn giáo" như của Erich Fromm trong cuốn "Phân tâm học và Tôn giáo" là có ích lợi nhất-cho những người có ý định tìm hiểu nội tâm mình: mình có tôn giáo không? Tôn giáo nào?

E.F phân biệt tôn giáo thành 2 loại: Tôn giáo chối bỏ tiềm năng nhân bản cuả con người để thừa nhận những thẩm quyền phi lí và thứ Tôn giáo tin vào thứ thẩm quyền duy nhất là thẩm quyền của chính bản thân con người tiềm tàng bên trong mỗi cá nhân. Và như vậy, con đường đúng đắn là con đường tự soi vào chính nội tâm mình, không tìm kiếm đâu xa ngoài chính bản tâm mình.

Ở VN người ta hay dùng từ "ngoại đạo" để chỉ kẻ không trong lĩnh vực, tôn giáo với mình. Tuỳ từng tôn giáo mà có thể là những kẻ từ bàng quan đáng thương hay thậm chí là "phải đoạ địa ngục". May mà chúng ta chưa gặp mấy bạn Hồi giáo kiểu Thái Lan cho mình cái quyền chặt đầu người khác! Một lần tôi đọc 1 tài liệu cố gò cái nghĩa "ngoại đạo" thành ra là "đạo tìm kiếm ở bên ngoài" để đối lập với con đường của Phật giáo "đạo tìm ở trong chính mình"-Đạo nội. Tôi không am tường Hán văn nhưng cảm thấy việc gán ghép này không theo ngữ pháp thông thường. Vả lại nói rốt ráo, chân tâm linh nào chẳng phát xuất từ bên trong? Nhưng khi theo dõi những tranh luận về tôn giáo, tôi thường nhớ đến từ "ngoại đạo" như là một phản nghĩa của cái cảm giác thiếu vắng những trải nghiệm tâm linh đích thực. Sinh ra trong một tôn giáo đâu có nghĩa là sẽ sống tâm linh trong tôn giáo đó? Chẳng phải Phật, Jesu, Mohamed...đều như thế sao. Và con đường nội tâm là con đường bấp bênh gian nan khắc khoải sinh tử quan đầu chứ có phải thứ quà tặng dễ dãi được ban phát trưởng giả, phách lối đâu.

Đời sống nội tâm và ngoại cảnh bồng bềnh

Đều như cây cầu khỉ đối với người mù

Mà kẻ dẫn đường tốt nhất là tinh thần quyết vượt

(Bạch Ẩn Huệ Hạc)
---------------

(*) Thực ra cái nhu cầu hiệp nhất, cảm thông, đồng nhất hoá, trở về với bản lai...vốn là xuất phát điểm chân thực, suối nguồn duy nhất của đời sống tinh thần và không phải độc quyền của riêng Tôn giáo. Mọi Triết lý nói chung đều xuất phát từ đấy. Bởi "Khổ", "Bất An", "cảm thức chia cắt", "những câu hỏi về vô hạn, toàn thể", "mong muốn dự đoán được, kiểm soát được"...là cái SỰ THẬT thứ nhất, căn bản và hiển nhiên của mọi thân phận con người trong mọi thời đại.

Thường xã hội quy ước cứ 18 tuổi thì có quyền công dân, 30 tuổi ở phương Đông là lập thân, lập chí. Nhưng không đơn giản như vậy: người ta có quyền không đồng nghĩa với có khả năng. Các nhà Phân tâm học nhận thấy một cách có phần chua chát rằng về mặt tâm lí, đại đa số nhân sinh mắc kẹt lại ở khoảng tuổi 16 mà không lớn thêm được bao nhiêu suốt chặng đời còn lại. Nhưng cũng phải thôi, làm bất cứ việc nhỏ nhoi nào cũng phải học nhưng có đại sự nhân sinh lớn nhất thì tuyệt đại đa số lại học không được bài bản lắm.

Một cách hình ảnh, nếu mỗi một chu trình hoài thai của một sinh linh đều lặp lại hình ảnh tiến hoá của loài thì sau khi sinh ra cũng vậy: người ta bắt buộc phải đi lại bằng đấy đoạn trường để trưởng thành. Để trở thành "người_thật_là_người" như cách Nhượng Tống dịch chữ "chân nhân" của Trang Tử. Và trên con đường này, một cách cá nhân, tôi cho rằng bản sắc là thứ tầm phào, không cần phải cố.

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

Scenes from the recession




As new home sales and housing starts hit record lows, empty lots, partially constructed homes and abandoned ones are seen in a subdivision on January 30, 2009 near Homestead, Florida. Prices in November of 2008 declined 8.7 percent from a year earlier, the biggest drop in records going back to 1991, the Federal Housing Finance Agency reported. (Joe Raedle/Getty Images)

Link lấy từ tathy.

http://www.boston.com/bigpicture/2009/03/scenes_from_the_recession.html


Công nhận trông bão táp thật.

Mười phút trước nửa đêm

Phiêu bồng


Phiêu bồng như thể thệ như phiêu

Lạc diệp tòng thu thuỷ thuận triều

Anh giận bà trời sương bách bội

Em thù mặt đất mộng nguyên tiêu

Cái gì như thể xuân đi mất

Ký ức xuân đầu đất nướng thiêu

Quay quắt có chừng em chóng mặt

Bình minh tan rã giữa sương chiều.

(BG)

Hôm trước tự nhiên muốn đọc lại "Những bài thơ không bình một mình". Có một cái gì đó đang ngày càng khô cạn đi. Có phải là tình thương không? Tình thương của tuổi trẻ cao vọng. Những bài viết từ thuở ban đầu. Dè dặt, thân mến và trang trọng. Những lỗi font cũng lấm tấm như bụi trên trang giấy, phải lần giở và ngó coi.

Có những bài thơ không phải lúc nào cũng cảm được. Nhưng bỗng đâu, có thể một chốc lát nào đấy ta đột nhiên đứng giữa nó-một khu vườn yên lặng. Như lúc nọ, tôi thấy mình có thể cảm được bài thơ "Mời trầu" của Hồ Xuân Hương, theo một cách của riêng mình. Một điều gì đó như là nội lực, là cái hoài vọng còn mãi trong lòng người ta từ khi còn trẻ; không chịu để ba đào làm xao xác. Tuổi ba mươi nhìn cuộc đời vừa rộng vừa hẹp. Đôi khi buồn, ngồi ngó quanh trơ trọi. Tất thảy đều như thế sao? Thấy thương mình thương người ngày càng xơ xác chua chát. Thấy mến phục những nghị lực và sức sống lặng lẽ đầy tình thương tiềm tàng trong những trải nghiệm trơ đáy đời thường.

Khung cảnh thật hẹp, thật tối thiểu. Những lời tưởng như không còn có gì hàm chứa được nữa. Làm sao để không chao chát, khinh mạn? Làm sao đi quá sa mạc hư vô? Đấy có lẽ là khi ta chân thực và lặng lẽ đi quả quyết qua những xao xác, để lại đó khu vườn nhỏ - Không hoài niệm, không hối tiếc những chân thành đã trao?


“...Brice Parain thường cho rằng tập sách nhỏ này đựng trọn hết mọi điều tốt đẹp nhất tôi đã viết ra. Parain lầm. Biết rõ lòng chính trực của ông, tôi không bảo vậy do sự áy náy của người nghệ sỹ đứng trước những kẻ đã cả gan chuộng dĩ vãng hơn là hiện tại của mình. Không, ông lầm là bởi ở tuổi hai mươi hai, trừ phi là thiên tài xuất chúng, người ta chỉ biết bập bẹ viết văn.

Nhưng tôi hiểu rõ Parain muốn nói gì. Ông vừa là kẻ thù uyên bác của nghệ thuật, vừa là nhà triết học nghiên cứu lòng trắc ẩn. Ông muốn nói rằng, và như vậy là chí lý, trong mấy trang sách vụng về này, có hun đúc nhiều tình thương hơn là trong những trang sách kế tiếp về sau của tôi.”.




Albert Camus - Tiểu luận: Giao cảm - Bề trái bề mặt. Tựa.


Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh




Tạm dừng dự án "Trung tâm thương mại" sân Con Voi.

http://vietnamnet.vn/xahoi/2009/03/838042/

1- Lần này phải đồng tình và bày tỏ ủng hộ với ông chủ tịch mới được. Câu hay nhất chứng tỏ ông Thảo là người dân trong ngành cùng tổ tò vò với giới đầu tư dự án là yêu cầu lấy ý kiến bằng "phương pháp khoa học". Việc này trước đây tôi cũng định phản ánh khi đọc nội dung lấy ý kiến của dự án "Thành phố bên sông Hồng" của Hàn Quốc. Lấy ý kiến bằng phiếu điều tra là một phương pháp thu thập thông tin của ngành xã hội học. Chỉ cần phân tích 1 chút là sẽ cho thấy rõ việc chọn mẫu điều tra và cấu trúc bảng hỏi có thực sự nghiêm túc theo tinh thần khoa học khách quan không hay chỉ là 1 cách thao túng dư luận. Việc này những bạn nào đã từng chạm với những bài phỏng vấn của các phóng viên chắc rõ nhất.

2- Chi tiết ông chủ tịch bình luận "tổ trưởng tổ dân phố thì vẫn là ta; Chủ tịch Mặt trận, Trưởng ban dân vận vẫn là ta; bộ tứ ở địa phương vẫn là ta, chứ không phải là dân - phải có đại biểu của nhân dân mới được" thật thú vị. Nhưng nó cũngthể hiện sự nhạy cảm chính trị của đồng chí chủ tịch còn chưa tinh tế lắm. Đây là lần đầu tiên thấy một Uỷ viên TW Đảng, một quan chức của CQ thừa nhận rằng "bộ tứ kia vẫn là ta"! Không khéo bài báo này lại sắp bị sửa.

3- Việc chính quyền Quận Đống Đa báo cáo lý do là "thiếu chợ dân sinh, dân phải sang bên kia đường Phạm Ngọc Thạch" là nguỵ biện và chứng tỏ thực chất của cái gọi là "lấy ý kiến nhân dân" của chính quyền địa phương này. Ngay gần khu Trung Tự còn có 1 chợ dân sinh khác không những đông đúc mà giá cả cũng rất phải chăng là chợ trong khu Nam Đồng. Nhiều người dân ở bên khu Kim Liên thậm chí vẫn "phải sang đường Phạm Ngọc Thạch" để đi chợ này là đằng khác.

4- Lý luận QH đô thị gần đây cho thấy tuy càng ngày càng thể hiện tính thiếu chính xác của những dự báo ở quy mô đô thị thì cũng ngược lại cho thấy rằng thứ duy nhất ổn định và ngày càng rút ra được những bài học kinh nghiệm cụ thể cho tổ chức dân cư đô thị chính là các "đơn vị ở bền vững"-những hạt nhân của quá trình QH đô thị nói chung. Khu Trung Tự là một trong các khu ở được QH theo lý luận của LX trước đây, lấy các hạ tầng công cộng phục vụ nhu cầu thường ngày của dân cư làm lõi trung tâm như trường học, chợ...lấy bán kính đi bộ làm cơ sở xác định quy mô cho tới ngày nay tuy có vài điều chỉnh nhưng vẫn chứng tỏ tính hợp lý của nó. Những việc cơi nới, chất thêm tải vào khu vực này đã là vấn đề lịch sử nhưng nếu những người quản lý hiện nay lại tiếp tục coi như không biết để tiếp tục tham lam chất thêm tải vào khu vực thì thực là ấu trĩ và vô trách nhiệm.

Vấn đề này cũng chính là vấn đề để phản biện các dự án cải tạo chung cư cũ hiện nay. Nếu chấp nhận việc tăng tầng cao thì đồng nghĩa với sự quá tải của không gian và hạ tầng kỹ thuật khu vực này. Nếu không chấp thuận thì dự án sẽ thiếu khả thi về kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Nhưng các nhà đầu tư và chính quyền cơ sở thì cũng có cách để lách luật và một loạt các dự án "thí điểm" ra đời. Chỗ nào mặt đường lớn sẽ được thí điểm trước. Việc khác để đời sau lo.

5- Có thơ rằng:

Hoan hô ông kiến trúc sư
Kiêm chủ tịch tỉnh về từ Bắc Ninh
Ông về dẹp đống thối inh
Con Voi mai lại chình ình giữa sân...


hehe :P

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

Bài học lịch sử

Những năm gần đây có thể thấy phong trào "khôi phục văn hoá truyền thống, trở về nguồn cội" ngày càng phát triển mạnh. Khắp nơi xây chùa dựng tượng. Thảy đều muốn to nhất, nhiều nhất, đắt tiền nhất. Làng quê gầy dựng, tạo mới những lễ hội; những phong trào mới lồng vào tập tục cũ. Xu thế này có thể cho thấy vấn đề của xã hội VN một thời đã/đang qua đi.

Tỉnh giấc mê thường hoang mang, sau cơn say là hối tiếc. Việc tìm cách định vị mình trong 1 bản sắc (cho dù là ảo ảnh) nối dài với một nguồn cội là cách tự nhiên và cần thiết cho từng cá nhân cũng như với 1 xã hội, nhất là trong thời khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng giá trị hiện nay. Nhưng trên cái bình diện rộng lớn về quy mô, phong phú về kiểu loại hoạt động "về nguồn" lại thấy cồm cộm lên một cảm giác: tất cả lại giông giống nhau về cách thức-vá víu và làm lấy được.

Khi thực hiện các dự án có liên quan đến yếu tố văn hoá thường thì khâu khó nhất chính là thông qua hội đồng phản biện. Văn hoá có cái oái oăm là ai cũng cảm thấy mình có quan niệm, có quyền và có khả năng trình bày về nó, dầu ít dầu nhiều. Không vượt qua được thì sẽ thành đẽo cày giữa đường. Một cách tự nhiên các dự án về đề tài này đều bộc lộ rất hiển nhiên và mạnh mẽ cái nhu cầu khẩn thiết (một cách thầm kín) về một sự "xác tín có tính chất quyết định luận về văn hoá".

Nhu cầu về một viễn tượng văn hoá huy hoàng, có trước có sau, lớp lang, tầng bậc này càng khẩn thiết hơn nữa khi cần phải triển khai các luận điểm văn hoá thành các chủ thể vật chất không gian như trong các dự án du lịch văn hoá. Cách dễ dàng và thuận tiện nhất chính là một kiểu chiết trung thập cẩm. Bất cứ cái gì thuận tiện cho mục đích khai thác mà lại mang màu sắc văn hoá đều sẽ được huy động.

Có thể điểm ra 3 đại dự án đại diện cho 3 miền: phía Nam có "Lạc cảnh Đại Nam văn hiến", ở miền Trung có "Trung tâm du lịch tâm linh Quán Thế Âm", ngoài Bắc thì phải kể đến "Khu văn hoá tâm linh núi chùa Bái Đính". Một đặc điểm chung dễ thấy của các dự án này là: lấy to lớn, duy nhất để trấn áp, tập đại thành để hấp dẫn đại chúng và đồng nhất với vai trò đại diện quy mô quốc gia.

Will Durant đã đúng khi nhận rằng cần có tôn giáo để đạo đức là một nghĩa vụ chứ không phải một toan tính hơn thiệt. Việc chọn mẫu ví dụ chỉ là ngẫu nhiên nhưng cũng phải nhận rằng cả nhà nước và nhân dân đều đang về nguồn; bằng cách đó nhân dân thấy được an ủi và nhà nước được lợi từ việc lồng ghép sự tuân phục của quần chúng với sức mạnh nhiếp dẫn từ những tục lệ văn hoá xa xưa. Nói cách khác, có thể là vô tình, cảm thức bầy đàn đang được khơi dậy theo một cách mới. Nó khiến mọi người vô thức đều hướng tới và lựa chọn những tập đại thành về văn hoá, phong phú và cổ xưa bất kể nó có vá víu hay không: cái cần là làm phải (lấy) được.

Vậy có thể bỏ qua tiểu tiết để ước lượng một viễn cảnh xa hơn mà thử đặt câu hỏi: nói cho cùng, một cách thực dụng, cách mà xã hội đang vận động như thế có đem lại một hệ quả nào "hấp dẫn" không?
Có thể "cùng tắc phản", sẽ lại xuất hiện những xu thế phản tỉnh mà có thể kể một bài báo về "Thiều Chửu-nhân vật Phật giáo xuất chúng" là một ví dụ cho tinh thần tương phản với các ví dụ tôn giáo kể trên kia.
Có thể khối đại đoàn kết được củng cố-một ngày nào đó tất cả các sắc dân thấy việc xây dựng hàng loạt các Đền thờ Hùng Vương là bình thường. (Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Ai thành công? Thành công cái gì?)

Nhưng có qủa thật là một khối mê sảng được dẫn dắt khôn khéo là tốt hơn một đám đông tranh cãi liên miên? Có điều gì cố kết được đám đông kia thành "một khối" bền vững không? Tôi nghĩ là có. Nếu mỗi cá nhân đều thức tỉnh, được giáo dục và cùng nhau nuôi dưỡng cái tinh thần đã sáng tạo nên văn hoá nhân loại. Theo Will Durant thì tinh thần sáng tạo ấy cần có những điều kiện này: Khi sự sợ hãi được khuất phục, lòng hiếu kỳ và tính xây dựng được tự do, và con người bước qua khỏi xung lực tự nhiên để tiến tới sự hiểu biết và và tô điểm đời sống.(1) Cái chúng ta thiếu và cần hướng tới trong câu chuyện "về nguồn" này chính là những tâm thế biết hoài nghi phản tỉnh, ngay cả sau những nỗ lực tìm kiếm chân thành và hùng vĩ nhất chứ không phải một ảo tưởng về nguồn cội huy hoàng, thiêng liêng và cổ xưa-"tận mấy nghìn năm".


Khi bàn về sử gia Will Durant học giả Nguyễn Hiến Lê đã có lần nhận xét đại ý "Một người đã dành cả đời để soạn lịch sử nhân loại thì dù muốn hay không cũng đã có cái nhìn của triết nhân". Để kết thúc, không gì tốt hơn là nghe chính sử gia có tinh thần triết nhân này bày tỏ về tâm trạng hồ nghi của mình khi nhìn lại toàn cảnh lịch sử nhân loại:

Sử gia, khi làm xong một công việc nghiên cứu nào rồi, thường tự hỏi câu này: công lao khó nhọc của mình có cống hiến được chút gì không? Hay là mình chỉ tìm thấy được cái thú kể lại những thăng trầm của các dân tộc, các tư tưởng, chép lại những “truyện buồn về cái chết của các vua chúa”? Mình đã hiểu bản tính con người hơn những người thường chưa bao giờ đọc một trang sách nào không? Lịch sử có giúp mình hiểu thêm được thân phận con người không, có hướng dẫn mình trong sự phán đoán và hành động không, có chỉ cho mình cách đối phó với những sự bất ngờ trong đời sống hoặc những nỗi phù trầm của thời đại không? Trong sự liên tục của các biến cố, mình có tìm được những nhịp điệu đều đều giúp mình tiên đoán được những hành động sau này của nhân loại hay vận mạng của các Quốc gia không? Hay là rất có thể, rốt cuộc, “lịch sử chẳng có ý nghĩa gì cả”. Chẳng dạy cho ta được gì cả, mà thời dĩ vãng mênh mông chỉ là một chuỗi dài chán ngắt gồm những lỗi lầm sau này sẽ tái hiện nữa một cách đại qui mô hơn?

Đôi khi chúng tôi có cảm tưởng đó mà đâm ra hoài nghi. Trước hết, chúng ta có biết thực sự dĩ vãng ra sao không, cái gì đã thực sự xảy ra không, hay là lịch sử chỉ như “một ngụ ngôn” không hẳn ai cũng “chấp nhận”. Bất kì là về biến cố nào, sự hiểu biết của chúng ta về dĩ vãng luôn luôn thiếu sót và có phần chắc là sai lầm nữa: Nó dựa trên những chứng cứ hàm hồ, khả nghi của những sử gia thiên kiến, và có lẽ nó còn chịu ảnh hưởng những ý kiến chính trị hay tôn giáo của chính ta nữa. “Phần lớn lịch sử là những điều phỏng đoán, phần còn lại là những thành kiến”. Ngay một sử gia tự cho rằng mình đã vượt được những thiên kiến về xứ sở, chủng tộc, tín ngưỡng hoặc giai cấp, cũng để lộ những thiên ái thầm kín của mình trong cách lựa chọn tài liệu và dùng hình dung từ. “Sử gia luôn luôn đơn giản hoá quá mức (các biến cố) và trong các đám đông tâm hồn và biến cố phức tạp mênh mông không làm sao bao quát được, ông ta đành phải vội vàng lựa chọn một số nhỏ sự kiện và nhân vật dễ sử dụng, trình bày”. (2)


---------
(1)-W.D, "Văn minh là gì?"
(2)-W.D, "Bài học lịch sử"

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

Entry for March 18, 2009

Thấy bảo nó lỗi, xem nó có lỗi thật không :D

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009

Entry for March 06, 2009

Hào sảng.

Từ điển Tiếng Việt 2005 giảng là "thanh thoát, không gò bó" có vẻ không sát nghĩa-nhất là nghĩa thanh thoát trong ngữ cảnh tiếng Việt. Tra trong từ điển Thiều Chửu có chữ Hào trong bộ Thỷ có vẻ hợp nghĩa. Hào trỏ người có năng lực, ý khí hơn người. Cũng trỏ tính khoát đạt rộng rãi. Cũng có 1 chữ Sảng có nghĩa khoát đạt rộng rãi. Trong tiếng Việt từ lâu tôi cũng hiểu chữ "hào sảng" theo nghĩa là "tính tình hành động khoát đạt, rộng rãi, hàm ẩn tố chất có điểm hơn người, đáng trọng".

Kết bạn chỉ mong gặp người hào sảng. Có điều thực có cốt cách hào sảng thường cần phải tự biết mình và tự trọng mình. Rồi ra là biết người trọng người. Nếu không thì chỉ là bắt chước vẻ ngoài phóng túng rông càn. Vấp phải sự đời là ngơ ngáo đến tệ.

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2009

Từ: Niệm Nô Kiều-Tô Đông Pha

Ðại giang đông khứ,
Lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật.
Cố lũy tây biên,
Nhân đạo thị Tam Quốc Chu Lang Xích Bích.
Loạn thạch băng vân,
Kinh đào liệt ngạn,
Quyền khởi thiên đôi tuyết.
Giang sơn như họa,
Nhất thời đa thiểu hào kiệt.
Dao tưởng Công Cẩn đương niên,
Tiểu Kiều sơ giá liễu,
Hùng tư anh phát,
Vũ phiến cân luân.
Ðàm tiếu gian,
Cường lỗ hôi phi yên diệt,
Cố quốc thần du,
Ða tình ưng tiếu ngã tảo sinh hoa phát.
Nhân sinh như mộng,
Nhất tôn hoàn lỗi giang nguyệt.


Sông dài băng chảy,
Sóng cuốn hết thiên cổ phong lưu nhân vật.
Lũy cũ phía tây,
Người bảo là Xích Bích thời Chu Du Tam Quốc.
Ðá loạn sụt mây,
Sóng gầm vỗ bến,
Cuốn lôi ngàn đống tuyết.
Núi sông như vẽ,
Một thời ít nhiều hào kiệt.
Nhớ Công Cẩn thời đó,
Tiểu Kiều khi mới cưới,
Anh hùng tư cách,
Quạt lông khăn là.
Lúc cười nói,
Giặc mạnh * tro bay khói hết.
Cố quốc hồn về,
Ða tình chắc cười ta tóc đà sớm bạc.
Ðời người như mộng,
Chén này để tạ trăng nước.

Dịch thuật Nguyễn Hiến Lê

Chú thích:

* Trỏ Tào Tháo.