Thứ Năm, 26 tháng 7, 2007

Mơ mặt trời




Đã hoàn thành :D
----------------
@
Daisy's blog:



Đêm qua mơ mình nhìn thấy hai mặt trời một lúc. Chắc là do mấy hôm nay trên mạng có thông tin ngày 27-8 tới sẽ được ngắm 2 mặt trăng (chẳng biết thật giả ra sao). Nhưng ít ra trong mơ tôi cũng gặp mấy lần rồi, lúc thì là mặt trăng, lúc là mặt trời, mà giấc mơ đêm qua không hiểu sao vô cùng giống một giấc mơ nào đó từ rất lâu. Mọi chi tiết hết sức rõ ràng. Trời về chiều và tối dần, mặt trời thấp xuống, mây màu tím kéo tới, tôi thì cố chờ đợi vì không biết lúc nào điều đó xảy ra. Đột nhiên mặt trời sáng loà thành một hình tròn to, rực rỡ, bao bọc bởi những vòng tròn khác, và phía đối diện trên bầu trời, cũng ở thấp chân trời, là mặt-trời-thứ-hai, sáng hơn mặt trăng nhưng có thể nhìn vào nó mà không bị chói mắt, không tròn, giống như một đường cong trĩu nặng, lung lay muốn sa xuống. Tôi nằm xuống để có thể cùng lúc nhìn thấy hai mặt trời ấy, và cảm thấy rất rõ hơi ấm từ mặt trời thật ở một bên, còn bên mặt trời thứ hai thì lạnh lẽo, như một cái bóng. Và chỉ trong phút chốc thôi, cả hai mặt trời đều biến mất, chân trời chỉ còn lại những vầng mây đen đến kỳ lạ nổi bật trên nền trời vẫn còn rơi rớt ánh sáng.



-----------------

Dạo này mất khả năng viết lưu loát 1 mạch nên đi theo phong cách gạch đầu dòng vậy.

- Mình hứng thú với giấc mơ này vì nó đẹp, tiêu biểu và nhiều cảm xúc. Nhưng "giải thích" chỉ là 1 cái cớ thôi, mục đích vẫn là thử nghiệm tính hiệu quả của cách đọc theo 1 quan niệm khác về ngôn ngữ tượng trưng. Em Daisy không nên đánh giá cao quá nhiệt tình phá hoại của mình :)

- Mình tóm lược qua 1 chút về cơ chế diễn dịch của tâm trí. Qua đó chỉ ra cái gì có thể "diễn giải" được, cái gì là "riêng tư" và riêng tư vẫn là của bạn thôi!

- Cuối cùng, mình chỉ là người nghiên cứu nghiệp dư mà thôi. Các ý tưởng là gợi mở và mình cũng biết đến những rắc rối tinh vi của các học thuyết và những vấn đề mâu thuẫn của nó 1 ít. Bạn nào hứng thú thì chỉ nên coi để rộng đường tìm kiếm chứ mình vốn không có lập trường kiên quyết nào đâu :)



A. Thuyết cử chỉ. Từ kinh nghiệm đến kinh nghiệm. "Phương pháp in chồng hình".






1. Bản năng sinh tồn: - luôn chú ý đến những dấu hiệu của sự hiện diện của các sinh vật và các sự vật xung quanh-thông qua giác quan.

- Giác quan trực tiếp: mù quáng, đa trị ít chọn lọc

- Gián tiếp: thông tin ngoài tầm tay.

->2. Trí tuệ: chúng ta hiểu bằng việc liên tưởng tới ký ức.

- Như "in chồng hình" - nhiều layer - hình ảnh mới tác động mới nhưng đồng thời làm sống lại cảm nhận cũ.

->3. Phản xạ-đáp kích:

- Diễn đạt bằng cử chỉ = thể hiện trải nghiệm trước tiên của xúc giác ->diễn giải có hiệu quả những thông tin thị giác và thính giác.

- Nhịp độ/sự lặp lại/sự cùng trải nghiệm-cùng hiểu cử chỉ/thông tin.


->4. Dấu hiệu => thông tin cử chỉ => trải nghiệm xúc giác.

Thông tin thị giác, thính giác <->trải nghiệm xúc giác


=>5. Chúng ta không thể hiểu được bất cứ điều gì nếu điều đó không làm liên tưởng tới 1 trong những ký ức của chúng ta.




Mọi cảm giác đều làm nổi lên trên bề mặt của ý thức 1 cấu trúc tâm thức đã bị lãng quên, 1 dấu hiệu trùng hợp với 1 ấn tượng đã có.

- Đấy, đại loại cơ chế của giấc mơ theo mình nghĩ nó là như vậy.

i. Một cảm giác mới đây làm gợi lại những cấu trúc xưa cũ trong tâm tưởng.
ii. Giấc mơ chỉ tái tạo những tình cảm mãnh liệt.
iii. Nó hoạt động theo cơ chế của liên tưởng tự do và chịu sự chi phối của luật chuyển di - tức là ẩn ức/cái ko muốn bày tỏ/cái bị kiểm duyệt/vô thức sẽ xuất hiện dưới hình thức tương đương trá hình của 1 tượng trưng hợp pháp khác.

Nghĩa là, 1 sự kiện ban ngày khích động tâm trí khiến ta mơ. Giấc mơ sử dụng những hình ảnh và kinh nghiệm cũ nào đó cùng 1 cấu trúc cảm giác để diễn đạt cái ẩn ức giấu mặt.

Nghĩa là, hiểu được sự đồng nhất cảm giác của 2 layer trên ta sẽ có manh mối tìm ra layer dưới cùng!!!

Nghĩa là, vì chúng ta có thể xác con người khác nhau theo 1 lối giống nhau nên chúng ta có thể hiểu được 1 số tượng trưng chung nhất-nên giấc mơ có thể chia sẻ chút ít.





B. Giấc mơ mặt trời.





Những điểm chú ý:


- 2 mặt trời
- Sự chờ đợi/không biết-điều đó
- Khoảnh khắc chuyển giao/cuối ngày/đi xuống
- Ánh sáng/chuyển động/hơi ấm><lạnh lẽo/cái bóng
- Mây tím-sáng loá, vòng tròn...
- Mây đen/ánh sáng rơi rớt
- Nằm xuống-nhìn-cảm thấy



Những ý nghĩ về biểu trưng, (nó tạt qua):


- Mặt trời: những ngày tươi đẹp/trung tâm
- Mặt trăng: do toả sáng từ nguồn gián tiếp, là biểu tượng của sự phụ thuộc, và do xuất hiện theo chu kỳ, nó còn tượng trưng cho sự đổi mới/biểu trưng cho sự hiểu biết gián tiếp, suy lý logic, lý tính/mặt trăng khuyết cũng gắn với sự phục sinh...
- Số 2: 1 trong số 2 nửa của đơn vị. Tính tự do của mỗi yếu tố giảm đi theo tỷ lệ yếu tố tham gia. Số 2 thể hiện tính 2 mặt, phân cực, giới tính, chia số đơn vị thành 2 phần nam và nữ, chủ động và thụ động, âm và dương.
- Chiều ngang: tất cả các hướng của cá tính
- Ánh sáng: Mặt trời-nhận thức trực tiếp/mặt trăng: gián tiếp, lý tính..
- Màu trắng: gắn với mặt trời, tổng hợp giới hạn
- Màu đen: cái chết/thụ động/chấp nhận/tang tóc
- Màu vàng:cao thượng; đó là biểu tượng của tuổi trẻ và sức mạnh/nhưng màu vàng của mặt trăng, thứ vàng xỉn, lại tượng trưng cho tính hay thay đổi, ghen tuông, ngoại tình và phản bội.



Những nhặt nhạnh (nhặt ra từ kỳ công đọc 1 lèo 75 entry mới kinh chứ!):

- Màu vàng-khó nắm bắt, đứng giữa, sáng, day dứt
- Chung thuỷ?
- Ngồi dưới thác hoa, ngẩng lên trời chói mắt
- Nắng/gió
- Nằm trên cỏ
- Con số
- Lên trời hái sao
- Các thứ óng ánh long lanh
- Không khí, bụi sáng
- Màu đen: bí ẩn, không biết, mạnh mẽ không sôi sục, tĩnh mịch cho tâm hồn/sợ
- Thật nhiều màu xanh
- Cảm giác mình là trung tâm của bầu trời và biển này, có bầu trời xoay quanh mình và có biển nhẫn nại vỗ về, lại vừa nhỏ bé hơn hạt cát
- Cánh đồng hoa vàng


Vậy đấy, bởi vì biên bản về giấc mơ của Daisy không hoàn chỉnh là 1 biên bản để phân tích (mình cũng không định đi sâu vào chi tiết) nên mình thông qua hệ thống các hình ảnh bạn biểu hiện để tái tạo và nhận định type cảm xúc của giấc mơ. Từ tất cả những điều trên, mình cho rằng đây là 1 giấc mơ biểu tượng cho những xúc cảm nội tâm của bạn (này). Để diễn đạt ra mạch lạc cái layer thứ 2 của bạn thì chính ra tốt nhất hãy dùng entry này của chính Daisy:

Turn our golden faces into the sun



Tuổi xuân bất diệt (Forever Young - Alphaville)


Hãy khiêu vũ

Hãy khiêu vũ lúc này

Thiên đường có thể chờ đợi,

Chúng ta chỉ ngắm nhìn mặt trời thôi

Hy vọng vào điều tốt đẹp nhất

Nhưng sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất

Bạn sẽ khổ đau hoặc là không?


Chúng ta sẽ chết trẻ hoặc chúng ta sẽ sống mãi mãi

Chúng ta không có quyền lực nhưng chúng ta không bao giờ nói “Không thể”

Ngồi sâu trong hố cát này

Cuộc sống thật ngắn ngủi


Bạn có thể tưởng tượng đến lúc cuộc đua này chiến thắng

Hãy hướng những gương mặt sáng ngời của chúng ta về phía mặt trời

Cùng hoà nhịp bên nhau

Và âm nhạc cất lên bởi con người cuồng nhiệt


Tôi muốn tuổi xuân kéo dài bất diệt

Bạn có thật sự muốn như vậy không?

Chỉ khi chúng ta trẻ

Khi tuổi xuân là bất diệt


Có những người trầm tĩnh như dòng nước

Và có những người sục sôi như sức nóng

Có những người dịu dàng như một khúc nhạc và có những người thô kệch

Sớm hay muộn, họ cũng ra đi

Tại sao họ không trẻ mãi


Thật nặng nề khi chúng ta già đi mà chẳng biết vì sao

Tôi không muốn trở nên già nua như một con ngựa kiệt sức

Tuổi xuân như những viên kim cương trên mặt trời

Và kim cương là bất diệt


Còn bao cuộc hành trình chưa diễn ra hôm nay

Còn bao khúc ca mà chúng ta quên chưa hát

Còn bao ước mơ chưa nắm trong tầm tay

Hãy biến chúng thành hiện thực


Chỉ khi chúng ta thật trẻ

Và tuổi xuân là bất diệt


---------
Thế nhé Daisy, còn lại layer 3 - riêng tư thì chỉ chính bạn mới có thể mò ra được nó là cái chi chi, cái của nợ gì đã lảng tránh mình, mình không muốn nghĩ đến nó...Ở đây, tớ chỉ phỏng đoán (và gợi ý) 1 tý đó là: một dự cảm ngày càng lớn lên do 1 sự thay đổi, 1 áp lực nào đó đang lớn lên. Những thực tế lạnh lùng đang xâm lấn vào sâu cõi lòng...Đây có lẽ là mặt trái của tấm huy chương cổ tích. Và bạn đang thực sự lảng tránh không muốn nhìn vào "nó" :)

--------

Phụ lục: 1 giấc mơ hay từ 1 bài viết hay :D

@
Esheep



1 buổi tối mùa hè, hồi ở nhà cũ. Tự nhiên trèo lên tầng thượng chơi, leo lên bể nước, ngồi dưới ngắm nhìn bầu trời đầy sao. Tự nhiên nhìn thấy có 2 mặt trăng trên trời, xung quanh là mùi hoa quả thơm chín mọng, cảm giác lúc đó hạnh phúc kinh khủng, cứ say mê ngắm mãi, và thấy.. cực kỳ hạnh phúc..

-----------


















Chính Trị-Tôn Giáo-Triết Lý




Giật tít to cho nó kêu :D
(Anh mượn cái ảnh của em Chiaki nhé :)

Không muốn viết gì nhưng lại muốn comment. Định comment xong lại thôi-nói đi nói lại vẫn là không cẩn thận. Không nói lại buồn tay. Nên lại viết 1 tý. Các bạn nể tình nhìn nhận những thiện chí mà đừng ném đá những thiển cận nha-chỉ khe khẽ thì được :) Nhất là đừng nghĩ mình phê phán hay tỏ vẻ gì-mình chỉ bận tâm phê phán chính mình thôi :((






Chính trị. Hôm trước nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa là do đọc báo thấy có tín hiệu lạ chứ cũng chưa biết vụ bắn súng giết người trên biển. Có điều lúc đó đã nghĩ đến cái sự vụ rất tồi tàn là ở bình diện quốc gia nhiều khi người ta cho phép xử sự với nhau man rợ, bất chấp mọi quy tắc đạo đức dù là tương đối nhất. Vấn đề ở đây là hễ người ta bắt đầu tìm cách lý luận về thì nó càng lúc càng tỏ ra có lý. Xác lập cơ sở cho đạo đức lại là một chủ đề còn dang dở. Bạn nào quan tâm nên xem tham khảo cuốn đó của Francois Jullien. Một ý rẽ ngang là: tựu trung có vẻ cái đáng giá nhất là cái kinh nghiệm trước tiên, tức thì của tình liên đới. Mình thiên về một nền triết lý gắn với những tiêu chuẩn kinh nghiệm như vậy nên gặp những điều này thường lập tức khởi lên cái cảm giác buồn nản về sự khó khăn khủng khiếp vốn đòi hỏi một nỗ lực kinh hồn, một ý chí sắt đá để tuân thủ theo cái tức thời này. Nó góp phần giải thích tại sao người ta chấp nhận được sự vô lý của thế giới hiện thực.

Đồng thời người ta cũng thường bị cuốn ngay vào những tư tưởng vốn bị ngầm mặc định về những ý niệm dân tộc, quốc gia...Nên chuyện sẽ chẳng có gì mới mẻ. Nếu cứ vậy mà ùa đi thì câu chuyện chính trị sẽ trở nên rất hấp dẫn với những bàn ngang đoán dọc về từ những chiến lược quyết sách đến thủ đoạn hành xử ngoại giao. Bàn chuyện chính trị thì tất nhiên là rất hấp dẫn rồi. Đàn ông càng khoái bàn những chuyện này. Tuy nhiên kết quả chung cho những dư luận như vậy trong đa số trường hợp là vô hại và kết thúc trong hỗn loạn. Nguyên nhân rất đơn giản: thiếu dữ kiện. Bài toán chính trị là bài toàn có rất nhiều tham số. Thiếu tham số thì sẽ chả có kết quả gì chính xác cả. Ai cũng đúng vì chẳng ai có kết quả cuối cùng. Tham số chính trị thì lại càng không bao giờ có 1 cá nhân nào dám cả quyết là có đủ - bạn có thông tin tình báo chiến lược được không khi mà ngay cả bản chất những thông tin này luôn là ước định. Chính trị trước hết là thuộc lĩnh vực của hoạt động thực tiễn.

Giải pháp trung hoà cho nhu cầu giải toả một cảm giác là những nhận định phù hợp với những gì mình biết mình có. Nhiều người cũng dừng lại ở việc điểm tin. Vậy cũng tiện. Mình cũng chả biết thế nào là phải.

Tuy nhiên, đối với 1 vấn đề xã hội, một khi vấn đề đã được xác định thì không có hành động gì cũng đã là một hành động. Mưu toan che giấu nó bằng những tranh biện giả triết học hay những vấn đề thực tế đều là sự đánh lừa mà thôi.
-------

Định comment bên blog bác Linh nhưng bạn Le cũng hỏi rồi nên thôi. Chuyện này là mình nhớ đến một chuyện buồn cười khác ở lớp học năm rồi. Ông thầy triết Mác-Lê hỏi về phân loại các trường phái triết học chủ yếu. Mình kề cà 1 lúc xong giả vờ tâm huyết "Thực ra theo em chỉ có đúng và sai mà thôi-nên chỉ nên phân loại thành chủ nghĩa duy vật biện chứng và các chủ nghĩa khác". Thầy gật gù ngay tắp lự mới vui chứ...

Tôn giáo là gì? Bản thân việc sa vào định nghĩa nó sẽ chắc chắn làm tiêu tan đi rất nhiều những giả vấn đề mà ta dự định đưa ra trước đó. Hình như có 1 điểm này mà ngay cả những người tự nhận là đứng trong kinh nghiệm tôn giáo cũng dè dặt khi nói về nó - đó là một dạng kinh nghiệm về cái gì đó toàn thể. Một khát vọng, bức bách, xao xuyến nào đó...Nếu chú mục vào đây thì mọi thứ lại bắt đầu tiêu tán đi đâu hết trọi luôn. Nhưng nó vẫn là thứ dễ dàng nhất để phân biệt người có tôn giáo thực sự với những tình cảm đại trà khác. Chỉ dẫn 1 truyện nhỏ trong Thiền tông - người ta phải 1 mình đối diện với CÁI ĐÓ, vừa đồng thời ở trong 1 dòng chảy vừa đồng thời phủ nhận tất cả những bấu víu đồng đảng. Vậy chớ việc gom họ vào 1 rọ có đem lại ích lợi gì cho họ không??? Huống hồ, một khái niệm hay định nghĩa luôn xuất phát từ một ngầm định có tính mục đích.

Cách chia có ích lợi nhất mà mình biết là cách chia tôn giáo thành 2 loại của Erich Fromm trong "Phân tâm học và tôn giáo". Một đàng, là sự chia cắt giữa con người và những phẩm tính cao quý; đàng kia, con người theo đuổi kỳ cùng cái tiềm tàng nhân tính của chính mình, có trong chính mình. Trong entry
này mình có phớt qua (và dang dở) 1 chút về điều trên.

---------

Triết lý. Đọc cuốn "Triết học nhập môn" của Karl Jasper mình lượm được điều này: có lẽ cũng như các triết gia hiện sinh khác nhưng ông đã nói khá giản dị (cho 1 cuốn nhập môn) về cái gọi là "suy tư từ khởi nguồn/nguồn suối". Triết lý không phải là 1 thứ học công truyền, càng không có cái gọi là
thần đồng triết học-cho dù quả nhiên người ta phải chịu 1 tư lự có thiên hướng. Tách rời cái nguồn suối đó thì người ta chỉ còn là chơi chữ, lặn ngụp trong tứ cú mà thôi!

Nietzsche là 1 triết gia hấp dẫn và tiện dụng mặc dù hơi lỗi mốt cho nhiều người Việt nam. Vì ông viết như thơ mà thơ thì vietnam ta thành thần. Hơn nữa ông lại viết theo điệu cách ngôn-như từ một thẩm quyền. Được đóng bảo hiểm bằng sự điên loạn kỳ vĩ nên những tăm tối u uẩn thành ra rất mực sang trọng. Cho dù hậu hiện đại chưa lên ngôi thì bản thân cái cảm giác ta, chỉ ta hiêu hiểu ông và ông, chỉ ông hiêu hiểu ta, biện minh cho những dúm dó bợt bạt phóng túng của ta. Bây giờ tình thế có vài thay đổi nhỏ theo chiều hướng tiện dụng hơn - chỉ cần vài nhà văn đương đại u uẩn là đủ.

Đọc cuốn "Schopenhauer-nhà giáo dục" của Nít xong thấy 2 điều.

1. Buồn nản. Sự học thăm thẳm, nếu như những gì mình thấy được từ đây (sẽ nói 1 chút ở mục 2) giúp mình sáng tỏ được đôi điều về cách đọc ông thì nó cũng chỉ ra khối lượng khổng lồ bắt buộc của cái học công truyền, nếu muốn thực sự biết được điều ông nói là nói với ai, lúc nào, ở đâu... Và với triết gia nào cũng vậy cả. Trừ phi là thiên tài, mọi huênh hoang từ dăm ba đoạn sách này nọ đều khiến chúng ta thành kẻ phét lác mà thôi :(

2. Ba nỗi hiểm nguy của nhà triết học/người triết lý:
- Sự hiểm nguy cô độc. "Đó là một kẻ cô đơn về mọi mặt, họ không có đến một người bạn thân thực sự hiểu họ, an ủi họ, và giữa chỉ một kẻ không thôi và không ai cả, cũng như giữa một cái gì với không có gì cả có một vực thẳm hun hút, khi ta có những người bạn đích thực, ta không hiểu được thế nào là thực sự cô đơn, thế nào là toàn thể cuộc đời chống lại mình"

- Cái thứ hai là đã toan tuyệt vọng về chân lý. "Việc khảo sát về những triết gia một nửa hay triết gia một phần ba không có cái thích thú nào hơn là chứng tỏ rằng họ là những kẻ mà, trong dinh thự đồ sộ của triết học, điểm quan trọng là được do dự theo lối mô phạm rởm giữa cái theo và cái chống, cái lý luận phù phiếm, cái hoài nghi, cái mâu thuẫn, tức là những cái ban cho họ quyền lẩn tránh sự đòi hỏi chính đáng của mọi nền triết học lớn lao, mà ý nghĩa của nó là thế này: "Này đây là hình ảnh mọi cuộc đời, hãy suy ra từ đó ý nghĩa cuộc sống riêng tư của anh. Và đổi lại, hãy phá giải ý nghĩa đời anh, anh sẽ khám phá ở đó những chữ mật của cuộc đời toàn thể"

- Cái nguy hiểm thứ ba-cái nguy hiểm lạ lùng nhất: sự kết hợp vô đạo giữa sự chống đối kiên cường (phú bẩm của những kẻ cảm thấy thoả mãn và đầy đủ, chắc chắn về sức mạnh của mình, không ao ước gì hơn nữa...) với nỗi niềm tiếc thương hoài vọng (tái sinh trong con người 1 vị thánh hay 1 thiên tài)


Thích nhất câu này của nhà bác Mai Sơn kia:

Tự do



Là thoát khỏi mọi sự trói buộc

Nhưng tự do còn là thoát khỏi sự phóng đãng của lý trí




Nó hợp với mình lúc này-thoát khỏi sự phóng đãng không bằng cách: cảm và tóm tắt sự đời theo ý mình :D

Mình kính mộ những tâm cảnh giản phác thế này:

Tiếng chuông lòng

Tiếng chuông lòng dội buổi tan sương.

Đính lễ quy y trước Phật đường…

Soi tỏ tâm linh nhờ đuốc tuệ

Rưới tan tục luỵ, sẵn cành dương

Giữ niềm bác ái không sai chậy

Thời bệnh sân si khỏi vấn vương

Tôi cũng như ai phường đạo hữu

Mong vào cửa Phật đến Tây Phương.


(Bài thơ cuối cùng của Ưng Bình Thúc Giạ thị).

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2007

Entry for July 21, 2007




Càng nói nhiều càng nghĩ mình giỏi

Làm nhiều bao nhiêu thấy mình ngu bấy nhiêu

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2007

Entry for July 19, 2007




Lại sắp lụt rồi...
-------------

Có nhiều việc phải trải qua mới may ra biết được. Đạo mà truyền riêng được thì người ta ai cũng truyền cho cha mẹ anh em mình hết trọi (@Nam Hoa lão nhân gia).



Thôi thì...



Em cứ yêu đi thực thuỷ chung
Yêu đi rồi chị tặng khăn hồng...

NB


Cả bài ở đây:
http://annonymous.online.fr/Thivien/viewauthor.php?ID=4
----------------






Ảnh của Nick Út nổi tiếng khỏi ghi nguồn nha.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2007

Entry for July 18, 2007




Hết lụt rồi...
may quá - có cái ghế

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2007

Hoàng Sa, Trường Sa





Những tư liệu lưu trữ quan trọng về Hoàng Sa và Trường Sa


Một số tư liệu quý về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa




Biểu dương tinh thần dân tộc cái. Gì thì gì, việc nào ra việc nấy chứ nhỉ?
------------

Trung Hoa




Gió bấc thổi từ phía xa
Bên kia núi cao sừng sững
Trung Hoa.

Trung Hoa của tuổi thơ
Tiếng ngựa hí đêm khuya
Đoàn xe Chiến Quốc đi trong tuyết
Não bạt thanh la xủng xoẻng
Dữ tợn mà sầu thương.

Bờ sông trắng hoa dương
Chia ly buồn đứt ruột
Dậm chân hát mà từ biệt
Đường thì vằng vặc…

Ào ạt Hoàng Hà
Quán núi đêm hàn rượu nóng
Vạt áo xanh giang hồ
Những mắt xếch Võ Tòng
Những đầm sâu Thuỷ Hử
Ngời đi như nước đông trong cỏ
Sáng suốt mà tối tăm
Uyên thâm mà nhẹ dạ
Tin ngay mọi đIều, dám làm tất cả
Cái người Tàu kỳ lạ
Ngồi dầm củ cải giữa đêm khuya…

Lòng kiên nhẫn của người
Trải ra trên mặt đất
ở bất cứ nơi nào có khói
Trung Hoa
Nét bút vờn như cánh hạc vút qua
Lóng lánh tay ngà rượu đỏ
Bể thịt rừng xương Kiệt Trụ
Những hôn quân bạo chúa
Những hoàng hậu hồ tinh
Những anh gàn và những triết nhân
Hái rau vi, mơ giấc bướm
Trung Hoa Tây Thi, Trung Hoa Lý Bạch.


Trung Hoa đói rách
Xác người chết trận trắng xương phơi
Trung Hoa tuổi thơ tôi
Đâu phải chỉ bầy ngựa dữ
Đêm lửa đuốc Chi Lăng
Gò Đống Đa vùi xác vạn quân Thanh
Nhng Mã Viện, Liễu Thăng, Sầm Nghi Đống…
Không ngăn nổi lòng tôI yêu bác Võ Tòng
Cố cung xa bao đảo lộn kinh hoàng
Như sóng xanh không ngừng một phút
Dưới liễu xanh, lũ quỉ đổi thay màu
Trong chiêng trống, tiếng loa gào thét
Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng
Trung Hoa muốn gì
Nhân dân đi về đâu?

Đêm nay
Trang sách tuổi thơ đưa tôi gặp lại
Gian nhà nhở ven thành
Vách lủng lẳng cỏ khô, lá thuốc
Một người đầu trọc
áo bông đen khuy vải cũ sờn
Một người không râu lừng lững ngồi im
Giữa hũ lọ, mực tàu, chăn rách
Chồng sách dầy, đĩa đèn dầu leo lắt
Tuyết rơi trắng xoá ngoài thềm
Ông Tư Mã Thiên
Một mình ngồi thức
Ông Tư Mã Thiên mắt nhìn sáng quắc
Hiểu đời hiểu nước hiểu dân mình
Một ông Tư Mã Thiên
Ngàn ông Tư Mã Thiên
Muôn ngòi bút uy nghiêm
Đang ghi sâu mọi việc
“Hồn bạo chúa nghiến răng trong bụi cát
Mọi ngai vàng, theo lửa hoá tro than…”

Trung Hoa khổng lồ, Trung Hoa đau thương
Mai tan hết mây mù mưa xám
Trung Hoa Võ Tòng Trung Hoa Lý Bạch
Lại là Trung Hoa từ tuổi nhỏ ta yêu…



LQV
----------
"Đọc xong đoạn sử này, độc giả sẽ thấy, cách đây ngót nghìn năm, cha ông ta đã đủ tài năng, nghị lực để gây dựng, tổ chức và giữ gìn khoảnh đất gốc cội của Tổ quốc ta ngày nay; độc giả sẽ nhận thấy huyết quản của chiến sỹ bây giờ vẫn chan hoà máu nóng tổ tiên, máu nóng mà không lẽ có người không mang một giọt. Dẫu trong nhất thời, có kẻ lỡ lầm làm hại nước, hoặc con dân một nước có ý tưởng dị đồng, trước nạn bại vong, giọt máu ấy cũng đủ gây nên chí quật cường, lòng tương ái.



Vẫn biết sống về tương lai; nhưng dĩ vãng là gương nên ngắm lại.



Vẫn biết tương lai là thế giới đại đồng; nhưng trước lúc ấy, nước mình phải là một nước thật.



Vẫn biết chớ vin vào phân tranh đời trước mà gây oán thù đời sau, nhưng biết rõ sự tranh đấu thời xưa, sẽ làm cho các nước càng kính nể nhau thêm, và mới hiểu vì sao mà phải cộng tác ngang hàng."

Hoàng Xuân Hãn - Tựa "LÝ THƯỜNG KIỆT - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều LÝ"

---------------




Nếu như theo cái tin này thì kể ra tranh chấp cũng sẽ sớm căng thẳng thôi. Độ đâu chục năm chứ mấy.

2 cuộc khủng hoảng - 0 câu trả lời


Mà không biết có liên quan gì đến cái này không mà lại có 2 bài trên. Cũng chả thấy các báo khác đả động gì cả. Không khéo 1, 2 ngày link lại biến mất ấy chứ.


http://vietnamnet.vn/chinhtri/2007/07/717472/




Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2007

linh tinh




Có nhiều thứ rất đơn giản nhưng không phải lúc nào cũng nghĩ ra. Sau khoảng hơn 1 năm online đều đặn phải nói bây giờ tớ cũng có thể tự nhận là khai thác net đã thành thói quen và khá hiệu quả - giá mà trình ngoại ngữ của mình cao tý nữa thì ngon thiệt :(





Ví dụ tớ đã có thói quen việc gì cũng hỏi google rồi. Có lần tự nhiên nghĩ ra việc search cụm từ sau "mẹo tìm kiếm trên mạng" hay cái gì đó tương tự...ra cả rổ. Thế là cái gì không biết thì cứ hỏi hehe...



Hôm qua lại tìm thấy và ghi nhớ thêm 1 việc là mỗi công cụ tìm kiếm có 1 thuật toán riêng, không tìm thấy kết quả như ý thì ngoài việc thay đổi từ khoá cũng nên thay đổi công cụ tìm kiếm - hỗ trợ tiếng Việt thì hình như có Yahoo với Google hay sao ý. Có cảm giác kết quả của yahoo thậm chí còn cho nhiều data base hơn cả Google.



Hôm nay buồn tình nghĩ ra việc gõ cụm từ này "thủ thuật mẹo vặt blog yahoo 360" - cũng ra cả rổ Đấy mới là tài liệu tiếng Việt thôi nhá - có điều tài liệu tiếng Việt thì thường là chán lắm



http://www.google.com.vn/search?hl=vi&client=firefox-a&rls=org.mozilla%3Aen-U...


Đọc báo




Ảnh:http://www.mofahcm.gov.vn/mofahcm/tintuc_sk/tulieu/nr060504090947/nong%20dan%20dung%20trau%20keo%20cay


Hôm qua vừa đọc cái tin về bầu phó chủ tịch TP Hà nội vừa nhắc đến ông GĐ Sở
này xong đang bảo nghe cũng có lý dù biết thừa bố bảo bác cũng chả dám đồng ý thì sáng nay lại đọc thấy cái này:http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/7/187454.vip May mà chưa có việc gì nhỉ...
---------

Biệt thự hay nhà cấp 3?

Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN-MT&NĐ cho rằng, theo quyết định số 1170/QĐ-UB (1998) nhà 1B Đặng Thái Thân không thuộc diện không được bán. Trong đề án bán biệt thự của UBND TP trình Thủ tướng (số 991/ĐA- UB) căn nhà này cũng không nằm trong danh mục biệt thự… Từ những căn cứ này ông Hậu “chốt” lại: Nhà 1B Đặng Thái Thân không thuộc diện nhà cổ cần được bảo vệ, tôn tạo và không thuộc diện danh mục nhà biệt thự. Đây là nhà ở thuộc diện được bán theo qui định của Nghị định 61/CP.

Về việc bán các diện tích khác theo ông Hậu được căn cứ vào QĐ số 4526/QĐ-UB 1997: “Các diện tích lối đi, đất trống còn lại, khu phụ dùng chung trong khuôn viên không tính phân bổ cho các hộ. Nếu sau này có chuyển dịch, toàn bộ nhà này được qui định về một chủ sở hữu thì chủ nhà phải nộp tiền sử dụng đất phần diện tích này, theo qui định hiện hành”…

Đại biểu Bùi Thị An đặt câu hỏi, với quan điểm, vị trí của người quản lí tài sản đất đai của thành phố, Giám đốc Sở cho biết, việc báo chí nêu đúng hay sai, nhà 1B Đặng Thái Thân có phải là nhà biệt thự hay không? Ông Hậu đáp lại rằng, với tài liệu hiện có thì đó là nhà cấp 3, nhưng nếu cần xác định chính xác là biệt thự hay nhà cấp 3 thì phải có các nhà chuyên môn của Bộ Xây dựng xác định.

---------------

Các bạn cố tình đánh tráo khái niệm mới đểu chứ! Thì nhà là nhà cấp 3, tớ bán nhà chứ còn quyền sử dụng đất với lại giá trị vô hình của vị trí của nó thì luật nào quy định chi tiết đâu mà bảo tớ làm thế này thế nọ Các bạn nhà báo cứ lanh chanh - việc chuyển nhượng 1 tài sản lớn của NN cho 1 cá nhân thì có liên quan gì đến việc chúng tớ bán cái nhà cấp 3 đâu? Có quy định rành rành đấy thây Ơ thế không phải Biệt thự là phải là nhà thế lọ thế chai à? Vậy thì chịu, để hỏi lại mấy ông BXD xem sao...


Mà nói cho cùng cũng chả trách ổng được. Thì đấy, vấn đề là tại Luật chứ chúng tớ có làm gì sai đâu??? - Thế đề án bán biệt thự kia thì ai làm? Bác này có liên quan gì không nhỉ? Chắc là không rồi. Hồi bác chủ tịch ký mức giá cho dự án Ciputra rẻ như bèo trước mấy ngày khung giá mới có hiệu lực, bác ấy cũng có liên quan gì đâu...Không biết mấy hôm nữa bác KTS lên thay có bị nhầm nhọt gì không đây? Chứ bác kia chuyên môn của bác ấy là...ở Viện C á - bộ đội quên thế là thường

--------

Rỗi việc kể các bạn nghe chơi chuyện này: Từ hồi có mấy cây cầu mới vọt sang bên kia sông Hồng lại thêm huyện lên quận thì đất ven sông bên Gia Lâm tăng vọt. Mấy thửa ruộng cằn vên đê trở lên đáng yêu lạ. Thế là rất nhiều bạn Hà nội đang đi ô tô sang xin xã ta cho được làm nông dân - nuôi trồng thuỷ sản. Tức là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đúng quá, được quá. Đúng chủ trương chính sách của huyện. Cấp đất cấp tiền hỗ trợ cho các bạn nhé. 1 năm sau: báo cáo bác, em xin được kết hợp 1 tí ti nữa để làm cái du lịch sinh thái cho nó tăng năng suất thâm canh. Được quá. Đúng chính sách. Có cần hỗ trợ gì không? Dạ thôi, các bác giúp em cái chuyển đổi là tốt lắm rồi. 1 năm nữa: dạ, Redriver resort kính chào quý khách. Làm giàu kể cũng dễ nhỉ? Kể ra làm nông dân với lại làm xã viên các HTX trong lòng thủ đô hơi bị hay của nó đấy.

Hôm nào phải xin mua mấy mét cỏ ở chỗ gần hồ Tây mới được. Chắc cũng rẻ.


Nude




(Mature content)

Hôm trước nhận máy tính trên công ty dọn máy tìm thấy bộ ảnh nude rất đẹp, thôi thỉnh thoảng post lên 1 cái cho mọi người cùng thưởng thức c(g)ái đẹp với lại câu comment cùng page view :)

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2007

Tinh tấn!




Ảnh: worldpressassociation.net

Đọc cái này trên
blog của chị 2 4 6:

http://blog.360.yahoo.com/blog-m0LmB3M1dKeAEtJqhfUj?p=548

tự nhiên mình nhớ đến một đoạn trong "Trí nhớ suy tàn" của Nguyễn Bình Phương:


"Một hàng rào găng xén phẳng men theo hè phố, vắt hờ hững trên đó một miếng giẻ lau màu cháo lòng. Ai đó vô danh vẫn ngồi hàng giờ với chiếc tủ kính nhỏ đựng thuốc lá, diêm và dăm ba gói kẹo màu sặc sỡ. Ô kính tủ in bóng người xe qua lại, như cái cửa dẫn vào cuộc sống khác run rẩy mờ ảo. Em sẽ phải đều đặn đi qua đó vào các buổi sáng, các buổi chiều. Có biết bao nhiêu những tủ kính khác nữa trên đường mà không được để ý vì Tuấn không dừng lại mua thuốc".


Nhân vật 26 tuổi. Ngày đọc nó mình cũng khoảng đó, thấy đồng cảm. Trong cuộc sống chơi vơi gặp được những điều như vậy thường khiến lòng thoảng ấm lại đôi lúc. Cũng chỉ đôi lúc mà thôi. Cái xao xuyến, cái mang mang sầu vạn cổ này muôn đời như vậy. Kết bè tụ bạ. Bá vai nheo mắt. Nghêu ngao ngẩn ngơ hay chua chát tưng tửng...Thường con người cũng có bấy nhiêu thôi. Có những người không biết tới những điều này nhưng cũng có rất nhiều người biết tới cái tâm thế ấy. Và thường là họ vừa loay hoay với nó và vừa lấy đó làm sang, làm điều...Thường là một cách kín đáo tinh vi chúng ta tự cho mình "ở trên" người khác. Bảo sao tôi thường thân thiện với một vài bạn khác - bởi tôi thấy ở họ sự thành thực và ngơ ngác tha thiết trước cơ sự của đời người. Sợ họ cũng lại lạc vào lối mòn cũ nhảm, trở lên chao chát, tưng tửng, bố đời hay u uẩn oái oăm...Chí Phèo toàn diện, AQ 1 giuộc. Sắm sanh cho mình bao nhiêu là trang sức: anh này bác nọ đại ca kia..sự khác biệt với mọi người, sự lố bịch, sự đạo mạo, sự dấn thân suồng sã, sự bơ thờ duyên dáng...Phá bỏ các rào cản ràng buộc theo quy ước xã hội như thể là đang vượt qua chính mình. Vào chùa gọi Bụt bằng anh. Ai cũng quen, mô cũng biết, chi cũng thấu...Trơ lì trước mọi cơ hội. Hoa ngôn xảo ngữ. Mặc áo Hậu Hiện Đại - thế là xong. Tóm tắt mọi sự vào cái vốc tay "giải trung tâm"...Có 1 giai thoại HHĐ về câu tỏ tình "Tôi yêu em" đâu đó trên mạng mà mình đã đọc được. Đại khái vì ai đó đã nói thế mà em và tôi đều biết thế nên để thoát ra khỏi tình cảnh này tôi sẽ nói tất cả những điều trên...bala...bala...Tầm phào hết sức. Các bạn thường quên: cái cốt yếu là kinh nghiệm toàn thể. Nó bảo chứng cho lời nói đến từ tâm điểm và đi vào tâm điểm. (Xem có 1 đoạn trong mấy entry về EF). Và như vậy "mỗi lần đưa ra 1 lần mới". Quan trọng là tâm thế và sự chú tâm thành thực.



Tôi thích những đoạn văn trên vì nó có nên gợi ra những tình thương, sự ngơ ngác, khiêm tốn và khẩn thiết của tuổi trẻ.



Nhưng có rất ít người chịu suy tư nghiêm cẩn thận trọng để thoát ra khỏi nỗi buồn đẹp kia.

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2007

Entry for July 12, 2007




Ủa, sao ít comment vậy ta?

Hình của bạn Beo.

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2007

Tái tạo tân thanh...




Ảnh từ blog của bác 7x
http://360.yahoo.com/profile-MSAoN0o_fLMd9mR.yEDzfA--?cq=1

Dạo này mình gặp vấn đề về đọc. Đành rằng cách đọc phụ thuộc vào loại sách nhưng nếu trước đây mình có thể đọc lướt rất nhanh thì hiện nay lại luôn bị cảm giác cầu toàn làm cho việc đọc tài liệu trở lên chậm chạp. Nhất là những lúc đọc những thứ chỉ vì công việc chứ không phải vì hứng thú.

Cũng nói về cách đọc, thời gian gần đây cũng có sự thay đổi trong cách đọc sách của mình. Trước đây khi đọc mình thường kết hợp việc đánh dấu những ý quan trọng và ghi những nhận xét bất chợt bên lề - những nhận xét này phần nhiều là thoáng qua và thường không liên quan chặt chẽ đến văn bản, nhưng nó là cách hay để đánh dấu cảm nghĩ lúc đọc và dễ làm tái hiện cho những lần sau - cho đến khi kết thúc trọn vẹn 1 ý nào đấy thì ghi lại những logic chính ra giấy như 1 kiểu rút gọn. Cách đọc này mình đã thử như trong phần tóm lược tiểu luận phân tâm học của EF ở 1 số entry trước. Cách căn lề theo cấu trúc logic hình cây cũng tiện cho việc theo dõi văn bản. Tuy nhiên cũng chỉ là cách làm linh động không nên máy móc quá vì xét cho cùng có phải bài viết nào cũng chặt chẽ và tuân thủ duy nhất logic hình thức như toán học đâu. Ưu điểm nữa của kiểu đọc này là có thể nhận ra được bằng cảm nhận và logic những chệch choạc sai lệch nếu là đọc 1 bản dịch ngay cả khi mình không đọc được nguyên bản (Nhất là trong khi đa số những sách mình tìm đọc đều chịu cảnh chệch choạc không thể tránh khỏi này). Bằng vào việc giữ 1 tinh thần "để mở" như những nhận xét tạt ngang kia, nương theo mạch lạc của tác giả, nương nhẹ và lưu ý những chệch choạc, độ chênh, khoảng lùi, nếp gấp của văn bản...ta có cái thú được gần như tái tạo lại, tham gia vào quá trình suy tư của tác giả, nhận ra cả chỗ khó nói của văn bản. Nhiều khi, trong lúc đọc cứ tưởng sẽ viết lại những cảm nhận suy nghĩ thật sâu sắc, đầy đủ nhưng rốt cuộc khi gấp sách, nhìn lại những gì đã qua chỉ thấy không thể diễn đạt được điều mình đã thấy. Lại thấy cứ gạch đầu dòng, viết vu vơ bên lề là đúng nhất, vừa vặn nhất những gì cần nói. Càng lúc mình càng lảng tránh cách viết những diễn từ quá hoàn chỉnh, trau chuốt - viết như từ 1 thẩm quyền/mình tưởng tượng hơi tuyệt đối về cái thẩm quyền ấy! Lời nói chỉ có xu hướng như 1 sự điều tiết. Chình vì kinh nghiệm này mà mình đánh giá rất cao những tiểu luận của Francois Jullien về lối suy tư phương Đông - nó giúp ta nhìn lại chính ta 1 cách sáng tỏ, mạch lạc có căn nguyên.

Nhưng nhược điểm lớn nhất của cách đọc trên là mất quá nhiều thời gian dẫn tới sự trễ nải và đánh mất tính bao quát hiển ngôn thay vì những chiêm niệm. Vì vậy mình càng thấy bí quyết đầu tiên của việc đọc trong 1 cuốn sách gì đã được đọc ở nhà bạn etibohk là rất chí lí "Trước tiên phải đọc hết cuốn sách". Các bạn đừng coi thường điều này. Hãy thử kiểm nghiệm lại xem, tất nhiên chúng ta ngầm hiểu là đọc ở đây đồng nghĩa với đọc được điều gì đó.

Do vậy, dạo này mình thay đổi 1 chút: cố gắng theo dõi logic lớn ngay trên trang sách và đánh dấu những chỗ quan trọng hay thú vị. Viết bên lề là cách rất hay để ghi lại dấu ấn trí óc. Phần nhiều chỉ là viết lại những từ khoá quan trọng. Về mặt logic thì ko có gì nhưng về mặt kinh nghiệm thì rất hay - nó giúp ta nhanh chóng tái tạo lại ấn tượng, suy nghĩ của lần trước mỗi khi mở sách. Cũng nhắc lại là mình thường không đánh dấu chỗ đọc dở, nếu lần sau mở ra bắt nhịp từ đâu thì tiếp tục từ đấy-không nhớ thì cố làm gì. Cuối mỗi chương thì gạch đầu dòng những nét chính và nhận định của bản thân ngay trên trang sách đang đọc. Thường thì khi kết thúc tất cả rồi nhìn lại mới thấy về mặt nghĩa thì những nhận định phần nhiều vì chưa hiểu hết ý, ngộ nhận, hời hợt hay lệch lạc; nhưng về mặt ý thì chính nó đã be bờ cho dòng chảy được tái tạo 1 lần nữa cùng tác giả. Cách đọc này đã cải thiện đáng kể thời gian và công sức viết lách của mình. Tuy nhiên lại nảy sinh vấn đề khác: thấy chuyện này là kinh nghiệm chứ không phải là kiến thức và thật khó vô cùng để chia sẽ kinh nghiệm về điều gì đó. Hậu quả là ăn nói nhiều lúc rất dấm dớ ^-^

Nhân đọc bài viết trong blog của bác Đông A.
http://360.yahoo.com/profile-Uj79afQ1dKgK_DqY5hL3Of8-?cq=1

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2007

Entry for July 09, 2007




Vừa đi xa về, đang bận lại mệt nên chưa trả lời comment được. Nhân vừa nhận được hồi âm của 1 người lang thang nên post lại entry này các bạn đọc chơi :)

Ảnh từ: http://g8.no/images/20060722135001_walking-alone-in-the-dark.jpg
------------------

Entry for June 15, 2007

Đểu thật! Mình từ lâu rồi mất ý thức về thời gian. Không ngày tháng, không giờ giấc. Chỉ còn lại là những việc gì đã làm và nhớ được. Vấn đề là ở chỗ: đó là thời gian của riêng mình. Mất hết tương quan với xung quanh. Như hôm trước, đang định viết là hôm qua mới sực nhớ đó là hôm kia đã có một kinh nghiệm trở lại với mình. Làm kẻ lang thang vật vờ vô định. (Mà thực sự ở giai đoạn này khi mà không bạn bè, không đồng nghiệp, không thân thích - không một mối liên hệ thân tình đơn giản nào cả thì chẳng đích thị là thằng lang thang à?)

Gửi xe ở Bưu điện Bờ Hồ rồi bước qua đường tìm một cái ghế đá để ngồi. Thực ra thì thích ngồi bên kia hơn vì view nhìn xa vắng hơn, lại tránh được nắng hướng Tây nhưng rốt cuộc ngại đi xa quá mà vẫn ở bên này. Khó mà kiếm một cái ghế nào trong bóng râm lại chưa có ai ngồi. Giải pháp trung hoà: một chỗ có nửa phần ghế dưới bóng liễu lưa thưa. Như vậy hơi nắng nhưng có cái mũ bán kem với lại đeo cái kính mát nửa mùa vào là trời đất nom rất tuyệt. Như vậy cũng sẽ không có ai mon men lại gần xung quanh nữa - trời nắng mà. Huống hồ hẳn mình nom rất giống một thành phần khó tả, đại loại không nên dây vào.

Giờ phải lùi lại chút nữa, tức là vào khoảng gần 1g trưa hôm đó. Phố Tôn Thất Thiệp có lẽ là cái phố có tên phố ngắn nhất mà mình biết (ngoại trừ Hoả Lò xem ra không nên gọi là phố nữa). Có cả thảy 6 số nhà là hết một dãy phố. Nó nằm kẹp ở gọng kéo Điện Biên Phủ với Trần Phú. Mình tò mò phi xe thẳng về phía cuối đường, vắt ngang qua Trần Phú thì nó thành một cái ngõ. Chợt nhớ ra có lần bác Dung dẫn mình đến chơi nhà ông anh trai của bác ở bên Viện Lịch sử Quân đội, trong một cái chung cư trong ngõ này. Đi tiếp vào một khu có vẻ là phía sau của khối cơ quan quân đội hay Đảng Đoàn gì đấy. Thích cái sự vắng vẻ giữa trưa của nó. Đi nữa hình như đâm ra Lý Nam Đế. Thế là hết bí mật rồi nên quay lại. Đi xuôi Điện Biên Phủ về phía đường Hùng Vương. Hôm đấy là một hôm trời rất đẹp, trong xanh, mát mẻ dù đang giữa trưa. Lòng mình thì thảnh thơi vô hạn vì đã ghép mình vào một công việc rồi nên không bận tâm những việc khác nữa. Giờ đấy lại là khoảng thời gian hoàn toàn tự do của mình. Làm gì với nó bây giờ nhỉ? Xe trôi lãng đãng trong bóng cây xanh rì và đường thênh thang. Đi qua chỗ Cột Cờ, thấy quán Cafe HighLand yên tĩnh bên dưới chân tường rêu đổ là trong đầu thoáng nhen lên tưởng tượng ngồi một mình trong đó nhâm nhi Capuchino nghe tiếng trưa yên tĩnh. Nhưng vẫn không dừng lại được. Ngày hình như còn gì đó phía kia. Thoáng nhớ lại cuộc tranh luận về nên-không nên có kiểu khai thác di tích lịch sử như cái quán kia. Nên đấy chứ. Đừng cứng nhắc và đơn giản hoá cuộc sống như thế chứ? Chỉ miễn là cái chỗ đấy phải giữ cho người ta cái cảm giác đang ngồi dưới bóng và bên cạnh chân tường của quá khứ. Khoảng cách và độ vênh sẽ tạo ra thế năng để người ta sẽ thêm vào phần suy tư về quá khứ bên cạnh suy tư về chính mình...

...Rồi rẽ đi ra đường Hùng Vương. Không gian lồng lộng cây xanh và trời cao. Vang vang tiếng trưa hè. Làm mình tưởng như đang đi giữa tuổi thơ. Không có ký ức cụ thể nào được gợi lại, nhưng chắc bởi vì ngày bé thì bao giờ mùa hè chả là lúc mình ở HN với mấy cuốn sách thiếu nhi và một cái gác xép nhỏ? Bấy nhiêu đủ để biến thành vĩnh viễn rồi.

Đi qua đền Quán Thánh, dọc đường Cổ Ngư. Mấy cái quán bánh ngọt chòi ra ven hồ lại chen vào mắt mình. Nhớ lại ý định hồi lâu lắc muốn viết báo nhắc nhở về chuyện này lại thôi. Sau đấy khoảng nửa năm hình như cũng có người làm rồi. Nhớ sang chuyện mấy cái công viên của Hà Nội giao cho tư nhân làm. Người ta phải phân biệt rõ ràng mọi chuyện chứ? Phải biết đứng từ chỗ nào mà lựa chọn chứ? Những điểm cây xanh mặt nước như thế này của thành phố HN phải nhìn từ góc độ lợi ích của cả thành phố và phải quy chiếu về những 50 năm sau. Không gian thảng đãng còn lại hiếm hoi của HN nằm trên con đường này có nên để so sánh với cái lợi ích và trách nhiệm nhân danh công ty khai thác Hồ Tây? Mấy cái công viên của HN cũng vậy, bảo là chưa hiệu quả trong khai thác nhưng cái cách người ta làm tăng hiệu quả mới thật đáng ngờ. Thô thiển. Mình gặp quá nhiều những dự án kiểu ấy rồi. Chẳng thằng điên nào chịu nghĩ cho cộng đồng trước khi tính xong bài toán cấu véo yên thân của nó đã. Luôn luôn có kiểu lý luận đa dạng hoá chức năng, xã hội hoá hoạt động đầu tư...bala..bala..5-10% đất công viên làm đất văn phòng chẳng hạn, có chết ai đâu...Mịa, ngày thằng Vincom làm dự án toà nhà VC chắc nó cũng đâu có nói nó sẽ chặt mấy cái cây cổ thụ để nhét vào mấy cái cây cau vua quê mùa dơ dáy ấy? Bản thân cau vua thì đẹp, tý nữa đi qua dốc Bác Cổ mình sẽ xác nhận việc đấy, nhưng chúng nó không biết rằng đẹp hay sang trọng gì nữa - nó là do tương quan và bối cảnh. Nếu chỉ vì cái chỉ tiêu mấy m2 cây xanh một đầu người thì chẳng ai cần đến khoảng không gian công viên làm gì! Thay nhau ra gốc cây bên đường mà đứng là được rồi! Con người ta cần một ảo tưởng về sự đơn độc nhỏ bé giữa sự vô tận của thiên nhiên chứ không phải vài gốc cây được sơn tỉa. Thế mới nói cái quy hoạch quận Tây Hồ và vùng ven đê sông Hồng là một sự thiển cận và lãng phí rất lớn. Lãng phí cái hồn vía của một nơi chốn mà cái giá phải trả là sự ngợm hoá của người đô thị. Chuyện trên còn một vấn đề nữa - đó là có những phạm vi không thể thoả hiệp, những nguyên tắc quản lý một đô thị không bao giờ được vi phạm.
...

Có một con đường mà nếu kể ra chả ai dễ đồng ý với mình là nó hay. Nhưng mình lại thấy nó rất hay. Mình thích :) Nó là đường Yên Phụ, không phải hình như cuối đường Thanh Niên rẽ trái thì đã gọi là đường Trần Quang Khải rồi hay sao ấy. Không quan trọng. Ý mình là đoạn đường đi từ khách sạn Sofitel đi qua nhà máy nước Yên Phụ ấy. Nó là đường vành đai, mọi thứ lôm nhôm-nhất là phía bên ngoài đê. Nhưng với mình chỉ cần đoạn ngắn quãng nhà máy nước, trường Mạc Đĩnh Chi...tức là phía bên phải đường theo chiều đi về cầu Long Biên là đủ. Có cái nhà gì cũ từ thời Pháp có đế tầng trệt rất to ấy, bên cạnh người ta bán bia hơi. Nó làm cho mình có cảm giác đang đi qua 1 chỗ không bao giờ thay đổi. Thấy mình đang đi trong thời gian. Thế thôi thì chưa hết ý. Nó còn liên quan đến nhịp điệu và tương quan cảm xúc của mình trên toàn chặng nữa.

Quay lại đoạn trên 1 tý. Thực ra những ý nghĩ có phần gay gắt kia chỉ thoáng qua như gió thổi. Vì chỉ là nhớ lại. Nhìn sang phía hồ Tây, thấy phục những bạn trẻ đang đạp thuyền Thiên Nga giữa nắng buổi trưa thế kia. Có những thứ mãi mãi chỉ xảy ra 1 lần, không bao giờ lặp lại. Mình vẫn thích bơi thuyền trên Hồ Tây, để cảm nhận sự lãng đãng vô biên trong một chiều sương bảng lảng nào đó ngày xưa. Cũng như lúc nhìn quán cafe Highland bên hồ kia, thoáng muốn lên cao ngồi nhâm nhi buổi trưa với nắng lấp loá và nước lóng lánh. Lại nhớ buổi chiều vô sự năm nào cùng với anh Phát phóng xe vào khách sạn Thắng Lợi để ra bar sát mép hồ ngồi khám phá ra 1 hồ Tây khác như cổ tích. Nắng 9g sáng xiên xiên trong trẻo hắt lấp loá những vẩy bạc. Chiếc thuyền đi cào ốc ngược sáng xa xa như là thuỷ mặc. Hà Nội nhìn phía này không thấy nhà cửa, chỉ xanh rì một dải xa xăm. Vắng lặng đến nghe rõ tiếng nước vỗ bờ oàm oạp.

Đến cuối đường Cổ Ngư có 2 lựa chọn. Rẽ trái là đi về quá khứ một thuở. Thuở yêu đương da diết, thuở mơ mộng trong sáng mà khao khát run rẩy của tuổi trẻ. Ngày xưa mình thường hay một mình lang thang về phía đó. Ra phủ Tây Hồ, hay chỉ vào chùa Linh Ẩn có khi chỉ là đi dọc con đường thông. Đường Xuân Diệu có cái quán T&C mà dịch ra là Thanh Cảnh cạnh đại sứ quán Argentina ngày trước thường ra đó buổi tối uống bia Ken với thử món mì spagheti lạ lẫm. Ở đó trốn được những bạn bè đã quá nhẵn mặt các quán xá HN. Ngày đó bên cạnh còn là vườn cây chứ không phải là quán lá loi choi như bây giờ.

Nếu đi ngoài đường Lạc Long Quân thì lại nhớ những chiều cuối năm mưa rét đạp xe lang thang xem đầu sông cuối bãi. Ngóng gió ngàn và thơ thẩn tìm lại dĩ vãng mù xưa. Làng nhỏ ven đê lô xô mái ngói như đường về quê nào từ tiền kiếp. Nhớ lần đầu ra tận bãi cát ngoài đê, uống chén rượu nồng trong cái chòi cheo leo sát mép nước ì oặp trong gió lạnh căm căm và mưa lất phất. Quán nhỏ bán mấy thứ lăng nhăng cho những người bốc vác ngoài đê. Chủ yếu là làm cát. Nhớ những chiều cuối năm ra thăm cánh đồng hoa đào. Đi như là Liêu Trai. Nhớ nếu cứ đi thẳng mãi, qua cả gầm cầu Thăng Long là sẽ đi lên Chèm. Tên cổ như nhắc lại một dĩ vãng cổ kính, cái gì đó bị quên lãng và ít thay đổi. Sẽ đi qua một cái đình nhỏ nằm sát mép sông Hồng ven bờ đê bên tay phải. Đẹp và xa vắng. Cũng sẽ không dừng lại. Đi mãi đến một khúc quanh để qua một cây cầu sắt nhỏ, rẽ về phía sông, ra bờ đê để ngó ngã sông nước mênh mang. Có căn nhà bé tý sơ sài bên ngoài đê giữa những luống màu. Ôm em thật chặt và hẹn nhau hay là về đây cuốc đất trồng rau cho yên tĩnh :)) Đứng từ đây lại nhớ cứ ngược theo dòng sông mãi nữa là sẽ qua đoạn Kẻ Gỗ năm nào khi mình đạp xe lên thăm mấy người thợ hồ đã cùng dựng cái quán Khoảnh Khắc năm xưa. Trong nhà mình, trên vùng đất của mình, mời bạn chén rượu họ lại thấy tự tin và sảng khoái như từ muôn thuở...

...Bây giờ chỉ rẽ phải. Đèn xanh chỉ hướng nhấp nháy, không biết có được rẽ luôn không. Kệ cứ đi ào đi. Qua chỗ đường thấp ngang trường Mạc Đĩnh Chi lại nhớ năm nào hay lang thang theo xe buýt đi đến tận bến cuối, rồi lại đi bộ dặt dẹo ở khu này. Có cái lần ngồi uống nước chè ở phố gì văng vắng phía sau cái trường này. Hình như không phải Hoè Nhai. Cũng chả tìm. Đi ngang qua đầu phố Hàng Thùng rồi. Nhớ phố này có quán cafe Tùng Hậu có tranh mà đã có lần cùng bạn Thuỵ Vũ nhắc đến. Nhớ cơn mưa bất chợt phải ghé vào tránh mưa. Có bạn, có em. Ngoài ra chưa rủ ai vào đấy nữa thì phải. Bây giờ thì cũng đến 3-4 năm không uống cafe rồi. Tệ nhỉ?

Dốc Bác Cổ. Cái miếng đất tam giác trước bảo tàng Lịch Sử thật đẹp. Gửi xe vào chỗ Bưu Điện Bờ Hồ xong vốn định tìm bà bán nước chè ngồi ngay trên bậc tam cấp nhưng không thấy. Chắc là bị đuổi rồi. Sang đường. Ngồi vào cái ghế đá. Hơi khó nhìn thấy cái tháp Rùa.

Buồn cười thật. Họ cắm những cái đèn hắt ngược vào thân tháp tua tủa bốn xung quanh, cao hơn cả cỏ. Biết là buổi tối nhìn hiệu quả nhưng có nhất thiết phải thô lỗ thế không. Cái Tháp Rùa này, thậm chí còn không được như cái cầu Long Biên nữa, vốn không đẹp để phân tích, không có ý nghĩa lịch sử để kể lại. Nó chỉ đơn giản là cũ kỹ, ở đó, một mình một thế giới, làm chứng nhân cho đổi thay của Hà Nội. Ai không có tâm trạng với thời gian, dĩ vãng của thành phố này thì sẽ bật cười cho cái thái độ hâm mộ của người Hà Nội với nó. Nó ở đó. Dường như bị quên lãng nhưng không thể thiếu được. Một ngày, nếu một ngày ai đó đi qua và thấy không có nó ở đấy nữa hẳn người ta sẽ đau lòng lắm. Và hơn thế, với nhiều người nó là một thế giới cận kề đấy mà không với tới được. Cũ kỹ, hoang phế như cất giấu giấc mơ tuổi thơ. Chứ không phải hòn ngọc lấp lánh trong đêm đâu Hà Nội ạ! Giá như chỉ là một ánh đèn vàng vọt từ trên cao chiếu xuống trong đêm. Nó sẽ có bóng. Bóng hắt xuống một khoảng tối cho lịch sử và huyền thoại toả phủ. Cũng đừng đếm xem có bao nhiêu Rùa Già trong Hồ thì hơn chứ Hà Nội nhỉ? Phải bí mật chứ. Chỉ cần giữ cho nước lại trong xanh là tốt nhất rồi. Dưới đấy, dưới đáy hồ, bên dưới rong rêu có cả hơn 1000 năm sự tích đấy. Từ hồi Hồ còn ở ven rìa Kinh Kỳ, soi bóng chùa cổ xưa cơ.

Mây trắng thỉnh thoảng giãn ra như tơ. Li ti. Trời xanh biếc. Mùa này lá cây xanh ngăn ngắt. Bóng loáng, sức sống xôn xao rướn mình lên trong nắng. Có vẻ hơi ồn ào Lá ạ. Thường nếu không kể các cụ hưu ra ngồi chờ hết ngày thì Hoàn Kiếm chỉ đơn giản dành cho các bạn tỉnh lẻ đến thăm thú. Lang thang và chụp ảnh. Các bạn Tây ghé qua. Ngồi 1 chút. Cười cười hơi bỡ ngỡ với Hồ rồi đi mất. Thế là cũng có lần mình thức trắng đêm ở đây rồi đấy. Bạn tỉnh lẻ thứ hai kia giờ đang lãng đãng tận Điện Biên cơ. Tết lại một mình một xe phi về thăm quê. Một trai hỏi mình cái gì đấy. Quay lại hoá ra bạn mời mình ký hoạ lấy ngay. Có một cái bảng vẽ A3 với mấy tờ giấy Việt Trì. Trông bạn không trẻ nữa lại ít dáng nghệ. Buột miệng từ chối theo phản xạ. Bạn có vẻ gì hơi rụt rè. Không biết bạn có phải sinh viên không nữa. Nếu là hồi năm nhất năm hai chắc hẳn mình cũng sẽ rất tự hào nếu như đấy là một việc làm thêm. Nhưng bây giờ thì...bạn làm mình nhớ đến câu chuyện mấy ngày nay ám mình mãi. "Bên lề xã hội" - thuật ngữ dành riêng cho nước Pháp, có lẽ cho những vùng ngoại ô. Không cùng khổ, nhưng ở bên lề của xã hội. Ở bên lề.

Bất giác mệt quá, mình muốn nằm xuống. Ờ nhỉ, tại sao không? Ôi chà, mắt không bị chắn tầm nhìn nữa thoải mái quá! Như đang nằm trong vườn xưa yên ắng. Lâu lắm rồi mới thanh thản chờ xem được những đám mây biến hình. Ô ngày xưa. Ngày xưa lít nhít chục đứa trèo cành xoan đầu hồi thi xem ai tìm được hình con gì giống nhất...

Toét! Toét! Thổi ai thì phải? Hoá ra chính là mình. Không được nằm trên ghế đá. Phải ngồi. Đây là trung tâm thành phố. Phải có quy tắc nào đó thôi. Thì thôi vậy.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2007

Đang mưa giã bão...




Mấy hôm trước vốn đã định sang Mễ tham gia trò Tag với các bạn quốc tế nhưng mà kẹt tiền mua vé nên thôi. Bây giờ thì tui sẽ nhiệt tình tham gia cùng các bạn :)

Bạn Daisy bảo blog tui đau đầu - ý là đọc xong hổng hỉu đây mà :( Thực ra tui cũng có hỉu đâu. Tui thấy mọi việc nó xảy ra thế nào thì tui kê ra thế đấy. Tui chỉ diễn tả cái gì đó chứ không diễn đạt quan niệm nào cả. Với lại tui cũng nghĩ hình như không có sự thật (@chị 246). "Paul nói với ta về Peter thì ta hiểu về Paul nhiều hơn". Lúc nào tui chả nói thật. Sở thích? Thề có mấy bạn thân thiết biết, tui mà biết tui thích gì (những 7 thứ) thì chả mất công lọ mọ blog bờ leo làm gì. Lời nói mà hiển ngôn thì được một bề, mất trăm bề. Thôi tui cứ nói đại 7 điều mà bình thường tui hổng nói vì sợ ngộ nhận, phí nhời tơi tả. Tui nói về bạn bè tui - những người bạn net thui. Tui lựa những bạn mà tui nghĩ cần bày tỏ thêm chút tình thân mến thân cho đỡ nhạt. Ai còn thiếu là chưa có dịp thích hợp nha


1. Bác Linh Xơ Mít: bác đi chơi cai nghiện blog làm tui thấy online kém hay. Blog của bác làm tui thấy giống như 1 đường cong mềm mại được phác dựng từ những nét kỷ hà vậy. Được, mất nằm cả trong đấy. Ưu điểm nổi bật là dễ gần :)

2. Bác Phá và các bạn VEN miền nam. Không hiểu sao tui rất quý sự điềm đạm và chân thành của các bạn. Nó có cái gì đó đến thẳng vào trọng tâm người khác.

3. Bác Chitto: thẳng băng "ruột ngựa" (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng :). Thích nhất sự vừa vặn. Phải rồi "vừa vặn" dùng cả cho các bạn số 2 nữa. Nhưng số 3 có chút gia vị "đanh đá" Bắc Kỳ :))

4. Đại bàng Văn Beo và bạn Poison. Thích nhất câu của bạn Beo "nỗi bùn triết học tức là hổng biết tại sao bùn".

5. Bạn Le. Nhân đang tình thân mến thân tui tặng bạn 3 chữ: "Hoằng, Viễn, Đại" :D

6. Moody.

7. Bật mí với em Cúc Hoa: "hồn nhiên như cô tiên"

Trên đây là 7 "sự thật" của tớ. Không tag ai hết. Ai thích tự đăng ký với
Spencer Tunick hoặc chủ động ra ngã 5 Khâm Thiên hay ngã tư Bảy Hiền xếp hàng: 7g sáng thứ 7 ngày 07/07/2007.



Thứ Ba, 3 tháng 7, 2007

Câu chuyện "Hô lai bất thượng thuyền"...




Hôm nay theo lý thì là một ngày cũng đặc biệt gì đấy với mình - nghé hôm qua đi thi, hôm nay nghé nghỉ hè - nhưng chắc là do quán tính nên nghé chả thấy gì đặc biệt cả. Thôi hôm nay mưa to nên nghé sẽ xoay xở với những cơn mưa vậy.


Ngày bé nhà nghé ở gần biển nên năm nào cũng thưởng thức đủ mấy cơn bão mạnh. Mà cũng như bao trẻ con khác nghé lại thích bão mới chết chứ lị. Sẽ nghỉ học, đương nhiên rồi. Người lớn sẽ tíu tít đi dọn dẹp, chằng buộc để phòng bão. Cả khu tập thể gồm 10 gian nhà cấp 4 sẽ xôn xao hơn mọi hôm. Cũng chả có gì nhiều, chủ yếu là ra vườn xem quả gì ăn được thì vặt mang vào nhà không thì hỏng mất. Chằng lại mấy tấm phên chắn gió ở cửa. Đôi khi có nhà còn đem tấm nilon ra đóng vào cho kín gió. Phạt bớt cành lá cây cối và thu dọn những đồ lặt vặt. Cuối cùng là các bà các mẹ chạy ra chợ mua cái gì về để ăn mấy ngày. Trẻ con thì thỉnh thoảng được sai vặt, không thì lại chạy từ nhà này sang nhà kia để hóng chuyện. Xong việc thể nào cũng có đám tụ tập ở nhà ai đó nghe người lớn kể chuyện bão mạnh thổi bay cối đá ngày xửa ngày xưa. Tối mùa hè thường có tụ tập đánh tú lơ khơ ở nhà nào đông con và dễ tính nhất. Bão thường sẽ đến vào lúc nửa đêm nên trẻ con đi ngủ cứ hồi hộp xem không biết lúc nào thì bắt đầu. Thường lúc gió đã vần vụ ngoài kia và mưa hắt ràn rạt vào mái ngói, bố mẹ lục tục dậy đi hứng dột thì nghé đã ngủ say rồi, chỉ lơ mơ biết là đang có bão ngoài kia. Sáng thì chính ra thường nghé lại là người dậy sớm nhất. Trong nhà tối thui, chả có đèn đóm gì. Người lớn cứ ngủ hoặc ở trong nhà nhưng nghé thì lại thích hé cửa chui ra ngoài đi lang thang dọc hàng hiên. Người lớn sẽ càu nhàu 1 chút nhưng cũng không sao. Mọi nhà đều đóng cửa im ỉm nhưng hình như sau mỗi cánh cửa là mỗi gia đình đang rúc rích chuyện trò hay chơi 1 trò chơi gì đấy. Riêng tư quá khác hẳn mọi ngày cửa để toang và nhà này chạy sang nhà kia suốt thành ra chả định chui vào nhà ai cả. Sẽ rất bất ngờ nếu phát hiện ra giàn mướp nhà hàng xóm đã bị sập. Nước mưa dâng ngập ao và lênh láng ngoài sân. Cả khu nhà thành 1 ốc đảo, ngoài kia vườn điền thanh rạp xuống trong gió. Nước oàm oạp trên cánh đồng bây giờ trắng xoá. Một cảm giác thú vị và se se ngọt. Nếu ngớt mưa thì có thể lội xuống sân, biết đâu lại thấy 1 con cá nào đấy. Nhưng chủ yếu là cua thôi và thường thì cũng không dám lội lâu vì sợ đỉa.

Chạy vào nhà kể cho người lớn nghe chuyện giàn mướp nhà hàng xóm bị sập thì lại bị nhắc không được ra ngoài không cành cây nó văng vào đầu cho. Nhưng phần hấp dẫn nhất lại là lúc bão bắt đầu đi qua: mưa giã bão. Những cơn mưa bất tận, miên man và ào ạt. Các nhà bắt đầu mở hé cửa ra và trẻ con ra ngoài hiên để bàn tán về cơn bão hoặc chỉ đơn giản là ngó mưa lạnh. Xoè tay hứng những dòng nước xối từ trên mái ngói cho nước bắn li ti hay tung toé là 1 thú vui dễ dàng. Chỉ mong trời mưa mãi, còn bé quá chưa dám tự tiện lấy áo mưa để phi ra ngoài lội nước-nước nhập đến đầu gối rồi, vui cực. Khi những trận mưa giã bão đã ngàn đi là cứ thấy tiêng tiếc. Tiếc cái cảm giác một mình hoà với mưa gió vần vũ bạo liệt, nghe cái lạnh lẳng lặng thấm vào sâu thẳm ký ức đến không ngờ...

Mạnh mẽ xiết bao. Mưa. Mưa rộn rã của mùa hè trong những khu phố nhỏ. Nước mưa tung toé trên mặt đất, chảy thành rãnh. Tiếng nước đập rào rào trên mái tôn, tiếng giọt gianh lanh canh xuống xô, xuống chậu. Chạy. Lũ trẻ chạy trong những cơn mưa và reo hò. Chúng chẳng cần những bản thiết kế và làm ra những con thuyền. Những chiếc thuyền giấy chở những điều thần kỳ. Chúng trôi trên mặt nước. Phải té thì chúng mới ra xa được. Cẩn thận nhé kẻo nước làm chìm thuyền mất! Rồi thì chúng cũng chìm trong mưa. Chúng xẹp xuống, ướt đẫm và lấm bùn - ngập dưới làn nước. Nhưng bọn trẻ đã chạy đi tự lâu rồi. Chúng không bao giờ chịu chờ đợi cả. Không bao giờ chúng chờ đợi kết thúc. Không có kết thúc trong tim non ấy. Trong sạch và khát khao. Chiếc thuyền vẫn chìm trong nước mưa. Và mưa sắp tạnh rồi. Sẽ có vô khối cá rô nếu bây giờ là ở quê. Những con cá rô khoẻ mạnh, ram ráp quẫy mình theo lạch nước. Phải be bờ thôi. Hay thật! Cứ như là làm ao ấy. Bọn trẻ đã hoàn toàn quên những chiếc thuyền. Những chiếc thuyền ấy đã đi xa tít tắp. Xa tới tận những Đảo giấu vàng. Và thỉnh thoảng chúng ghé lại những hải cảng. Thuyền trưởng sẽ gặp những thống đốc hay ký kết một món gì đấy. Thuỷ thủ sẽ tới quán rượu Buốc-bin. Cũng có cái giờ là thuyền cướp biển. Vào bờ chúng sẽ hạ lá cờ đầu lâu xuống, nhưng rất dễ để nhận ra những gã cướp biển. Những tay can trường và bặm trợn ấy, chúng uống rượu Rom và hát be bét. Những bài hát về những con vẹt, thuốc súng, ống nhòm và cả những thằng cụt chân. Nếu nhiều quá những thằng cụt ấy thì sẽ quẳng bớt xuống biển – cho cá ăn. Cả bọn cười hô hố và ghẹo cô hầu bàn. Chúng chửi rủa ầm ĩ và tục tĩu. Chỉ có thuyền trưởng mới buộc chúng về tàu được. Chúng lại ra khơi. Những tàu cướp biển không bao giờ biến mất cả. Chúng cũng không chìm. Nếu cả bọn chết thì nó sẽ là một con tàu ma. Con tàu lầm lũi đi trong sương mù và bóng đêm. Bất chợt một ngày tạt sát những con tàu khác và mất hút - đột ngột. Lại có một con thuyền có cánh buồm màu đỏ thắm. Nó đi khơi đã rất lâu, rất lâu rồi. Chỉ nhớ, có một lần, nó xuôi theo một dòng sông. Đứng xa bờ sông một chút thì không thể thấy được thân tàu. Chỉ có màu đỏ thắm là thấp thoáng sau những lùm cây. Rồi nó lại ra khơi và bắt đầu một chuyến đi mới. Những chuyến đi không bao giờ là cuối cùng cả. Rồi mờ nhạt. Tất cả mờ nhạt đi.




--------------

Hồi trước đọc tập thơ đầu tiên là tập thơ Nguyễn Bính. Huế với mình là một xứ lạ, xa xôi. Biết là xứ Huế mưa dai dẳng trắng trời qua những câu thơ "Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày..." Bắt đầu thích cái cảm giác lữ thứ, thú thương đau của phiêu bạt giang hồ. Thích những câu thơ trong bài "Hành phương Nam", tưởng tượng như đâu đó trong một quán nhỏ giữa chợ vắng trong buổi chiều mưa trắng trời

Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên khắp bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi !

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại
Hát rằng phương Nam ta với ngươi
Ngươi ơi ! Ngươi ơi ! Hề ngươi ơi !
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi !

...

Có lẽ vì vậy mà những năm tháng sau này đến Huế làm mình thấy có gì hẫng hụt, nao nao. Vài ngày xô bồ chả bao giờ cho mình cảm giác đấy cả. Không phải Huế của năm tháng kia, không cả như "Tuổi thơ dữ dội" nữa. Biết là phải trong những ngày dài nào đó, nhạt nhoà, đơn bạc nơi góc phố cuối thôn, phải nhạt nhoà nữa nữa..mới gặp được những hư hao 1 thuở. Thuở ngầm ngậm buồn với cái xóm nhỏ xa xôi nào đó ngoài kia, mai này...

Xóm Ngự Viên

Lâu nay có một người du khách
Gió bụi mang về xóm Ngự Viên
Giậu để dây leo suồng sã quá
Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng

Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá
Xóm vắng rêu xanh những lối hèn
Khách du lần giở trang hoài cổ
Mơ lại thời xa xóm Ngự Viên

Có phải ngày xưa vườn ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Sớm đào, trưa lí, đêm hồng phấn
Tuyết hạnh, sương quỳnh, máu đỗ quyên

Đức vua một sớm đầu xuân ấy
Lòng đẹp theo giời, dạo Ngự Viên
Cung tần mĩ nữ ngời son phấn
Theo gót nhà vua nở gót sen

Hương đưa bát ngát ngoài trăm dặm
Cung nữ đa tình vua thiếu niên
Một đôi công chúa đều hay chữ
Hoàng hậu nhu mì không biết ghen

Đất rộng can chi mà đổi chác
Thời bình đâu dụng chước hoà Phiên
Mẫu đơn nở đỏ nhà vua nhớ
Câu chuyện: "Hô lai bất thượng thuyền". (1)
Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Gót sen bước nhẹ lầu tôn nữ
Ngựa bạch buông chùng áo trạng nguyên
Mười năm vay mượn vào kinh sử
Đã giả xong rồi nợ bút nghiên
Quan trạng tân khoa tàn tiệc yến
Đi xem hoa nở mấy hôm liền
Đường hoa, má phấn tranh nhau ngỏ
Nhạc ngựa vang lừng khắp bốn bên
Thắp hương tôn nữ xin trời phật
"Phù hộ cho con được phỉ nguyền"
Lòng trạng lâng lâng màu phú quí
Quả cầu nho nhỏ bói lương duyên
Tay ai ấy nhỉ gieo cầu đấy?
Nghiêng cả mùa xuân trạng ngước nhìn
Trạng bắt sai rồi lầu rủ sáo
Có người đêm ấy khóc giọng lên
Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc
Chẳng Tống Trân ư, cũng Nguyễn Hiền!
Khách du buồn mối buồn sông núi
Núi lở sông bồi cảnh biến thiên
Ngự viên ngày trước không còn nữa
Giời chỉ còn tên xóm Ngự Viên

Khoa cử bỏ rồi, thời hết trạng!
Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên
Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo
Dân thường qua lại lối đi quen
Nhà cửa xúm nhau thành một xóm
Cay nồng hơi thuốc lẫn hơn men
Mụ vợ Bắc Nam người tứ xứ
Anh chồng tay trắng lẫn tay đen
Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa
Khúc "hậu đình hoa" hát tự nhiên
Nhọc nhằn tiếng cú trong canh vắng
Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn...
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên.

Huế, tháng 9-1941
(1) Vua gọi tới những người đẹp (e thẹn) không chịu lên thuyền (Thơ cổ).

.........

Năm tháng qua đi, nhớ lại câu chuyện hồi 15 tuổi, cũng trong một ngày mưa gió nằm bó gối trong căn nhà trọ tận ngõ hẻm của thành phố xa lạ cũ kỹ, đã cãi một cách cả quyết và tin tưởng về những dự định tương lai sau này. Mình đã kể ước mơ của mình là đi-suốt đời làm một chuyến đi vô định, phiêu bạt chân trời góc bể. Một thằng bạn, một ông anh ngoài 20, họ đã cười lăn cười lóc vì cho là mình viển vông mơ hồ. 'Mày ăn bằng gì? Đi bằng gì?" Thì sẽ đi bộ chứ sao. Thiên mã hành không, độc vãng độc lai. "Mày có thấy ai không có tiền mà sống được không?". Rất ấm ức. Ấm ức không phải vì chứng cớ hay lý luận - họ đã phải công nhận là có thể như thế được khi mình dẫn ra (1 cách yếu ớt) 1 anh chàng người Pháp đi khắp 5 châu, viết sách rồi lại đi - mà là họ đã không thể chia sẻ niềm tin quyết liệt trong mình là mình có thể dành toàn bộ cuộc sống để theo đuổi 1 điều gì đó xa xôi, sâu thẳm. Đi là biểu hiện của sự kiện hoán đổi rằng sống không phải để làm duyên làm dáng mà sống là tận lực máu xương, là lựa chọn và chấp nhận.

Chiều hôm ấy, trong ánh sáng lờ mờ của ô cửa sổ dưới gác xép kia mình cũng lờ mờ nhận ra 1 sự thực rằng đôi khi chúng ta sẽ rất lẻ loi trong cuộc sống này như một thứ dị dạng, chập chập...chỉ để pha trò cho cuộc chơi khác. 1 thoáng se mình khép lòng lại. Như đứng trước cơn mưa giã bão đang ràn rạt ngoài kia. Lạnh lặng lẽ thấm vào thăm thẳm.


Ngày thứ 8 Chúa đã làm gì hả Jack? Là TV phải không nhỉ...
-----------

Viết cho bạn và tôi - tuổi trẻ.

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2007

Làm sao con khóc...




Nhà đang tiếp 3 cô tiên. "Ô hay nhỉ" của Nguyễn Bình Phương còn phải gọi bằng cụ! Sáng nay 3 cô tiên đi thăm Bác với lại vào Văn Miếu. Hy vọng các cô tiên tránh được mưa :D