Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Trên mặt bàn câu thơ xưa còn bóng gió...




1.
Hôm trước thế nào lại nhớ mấy câu thơ lâu lắc từ thời HHT mà có lần cô bạn học chép lên mặt bàn. Chỉ nhớ loáng thoáng mấy câu đầu, nhưng hề gì, google sẽ làm nốt phần còn lại.

Lớp xưa - Ngọc Anh



Có bao giờ anh về thăm lớp học ngày xưa.
Ô cửa sổ
và cơn mưa
bất chợt.
Giọt nắng diệu kỳ đưa ta qua mùa thi.

Ngăn bàn xưa anh dù có quên đi
Vẫn còn dấu một nhành hoa quen thuộc
Màu tím diệu kỳ gợi thương, gợi nhớ.
Trên mặt bàn, câu thơ xưa còn bóng gió.
Ta viết hôm nao
trong mắt nắng
chiều nghiêng.

Những điều xưa giờ trở thành thiêng liêng.
Suốt cả đời liệu có còn gặp lại?
Những bức tường lổ loang, khờ dại.
Màu mực nhoè tan trong cõi hư không.

Có bao giờ anh thấy phượng đơm bông?
Nghe day dứt nỗi buồn chiều tháng hạ.
Hành lang quen giờ lạ
Chờ bước chân lãng quên.
Anh hãy về lớp học xưa trong đêm
Anh sẽ thấy
Một ngôi sao
từ ngày xưa
còn sáng.
Ngôi sao của nỗi niềm thời trong trắng.
Nắng lung linh đang theo lối ta về.
*
Vẫn biết bây giờ anh đã chẳng còn mơ
Những giấc mơ ngày xưa anh xem là hạnh phúc.
Những giấc mơ chẳng bao giờ là thật
Khi anh quên lối về
lớp học
ngày xưa.


Còn nhớ sau đó có người hoạ lại một bài cũng dài có mấy câu cuối mình thích và nhớ:

"...Lớp xưa ai có tìm về
Em mười sáu tuổi tóc thề cho ai
Từ trong đồng vọng cảm hoài
Biết bao giờ mới nguôi ngoai một thời

Lặng im nhé, hỡi đơn côi
Nghe từ sâu thẳm mắt người rưng rưng"

Bây giờ đọc lại thấy những bài thơ như vậy cũng không khó viết lắm. Nhưng tìm đâu ra cái đồng cảm của tuổi mới lớn ngày nào mới thực là khó :)

2.
Nhân nhớ về những bài thơ thời HHT, còn 2 bài thơ nữa mình cũng nhớ rất rõ. Một bài của Lê Thanh Lương và một của Quỳnh Nga. Bài của LTL có lần lên thớt chờ bác sỹ chuẩn bị soi dạ dày mình còn cố lẩm nhẩm trong đầu cho đỡ căng thẳng.

"Hương giang yêu kiều trong đáy mắt trẻ thơ
Nhà anh bên nớ nhà bé bên ni...
...
Chiều tan học đạp xe trên nẻo vắng
Em không lỡ nhịp cầu vì chẳng có ai đưa
Từng nhịp cầu hỏi quan trạng đi đâu
Bỏ lại dạ sầu cho lá trạng nguyên

...Nắng bờ sông như màu trang vở cũ
Thuở học trò em làm khổ riêng ai...*"
-------
* Bây giờ mới biết 2 câu này láy lại theo ý thơ Nguyễn Tất Nhiên.
-------

Bài thơ của QN thì nhớ vì nó gắn với câu chuyện toàn những tình cờ. Nó được in trên một trang bìa HHT, vì muốn doạ thằng bạn mà mình đã cố thuộc nó trong vòng 1 lần đọc lướt.

"Ngồi một mình đây tưởng tượng tháng năm sau
Gió vẫn thổi như thuở nào mười sáu
Lối em qua như lạ như quen..."

Sẽ chẳng có gì để nhớ nếu như 5-6 năm sau một lần lang thang xem sách cũ tình cờ nhặt một cuốn HHT lên, tình cờ đọc một mẩu tin viết về cái chết bất ngờ của QN. Vậy là mãi mãi tuổi mười sáu như thể chỉ là tình cờ thật. Mấy vần thơ nao nao, nhè nhẹ của tuổi mới lớn, không ngờ 15 năm sau còn có người nhắc lại, kể cũng không phải là chuyện dễ tìm đấy chứ.

3.
Cô bạn cấp 2 ngày xưa đã lâu lắm rồi không gặp. Học xong phổ thông bạn đi làm công nhân quốc phòng trên trung du. Lấy chồng và đã có con. Nhà ở quê giờ không còn ai.

Tuổi học trò mình không nghĩ sẽ bao giờ làm thơ nên không có bài thơ nào về thời đó cả. Lục lại ghi chép cũ có mấy dòng về tuổi nhỏ, cũng post lên đây. Ông chủ quán là bố bạn. Đã mất vì ung thư từ ngày đó. Nhà bạn ngày xưa ở mé sông.

Cái vẻ mù mù và mô tuýp sáo mòn của dòng sông

Mình ưa những gì hàm chứa dấu ấn thời gian; những gì có thể kể cho mình nghe một câu chuyện thì thầm quá vãng…Hóa ra vì vậy mình không thích nghi lâu được những cái gì quá sạch sẽ, quá mới, quá ngăn nắp, chỉn chu.

Mỗi người là một thế giới riêng hao mòn. Thời gian chệnh choạng. Sự kiện vụt lướt qua. Kể lại chả ích gì cả. Cái đã xảy ra với anh sẽ không bao giờ giống cái sẽ kể - sẽ xảy ra với em. Trách chi cuộc sống ngày càng vụn ra, rời rã.

Ngày xưa mây trắng bay phiêu dật chân trời. Buổi chiều mùa hè. Nắng đầy chiều. Lũ trẻ đu mình trên cây xoan bên bờ mương, dõi nhìn phía bầu trời trên cánh đồng. Mây trắng hình gì ấy nhỉ? Thi xem ai tìm được nhiều hình nhé! Dịu nhẹ. Ký ức ấy rất nhẹ nhõm trong cõi lòng tôi vụn vặt.

Ngày xưa, bờ sông là một thế giới lạ lẫm, nhiều hứa hẹn. Dòng sông là dấu vết của một nơi nào xa ngái. Dòng sông lớn hơn bây giờ. Nước sông đục ngầu màu nâu của bùn đất phù sa. Mặt sông cuộn lên những thớ nước như cơ bắp người khỏe mạnh. Con đường gập ghềnh là con đường to nhất tôi biết. Rất có thể tìm được những viên đá xanh to, có vân để mài bi. Mặt đường hứa hẹn thật nhiều…

Một buổi chiều mưa gió mùa đông. Lũ trẻ 5, 6 tuổi là tôi lang thang chơi ven đường. Đầu ngõ vào khu tập thể có cây bàng đã cỗi. Gốc bàng đỏ, đầy những cục u nổi lên. Rễ bàng xiên cả ra ngoài đất. Nhặt mấy cái rễ còn tươi mùi hăng hắc, nồng nồng, cảm giác như mình đang nắm giữ những bí mật về một vị thuôc lâu đời. Cái hàng hiên nhìn ra đường cái mà luôn luôn đóng kín cửa ấy là một nơi kín gió và ít mưa hắt vì nó có hai đầu hồi bị bịt kín bởi hai căn buồng. Mặt hiên lát gạch mộc. Thứ gạch đã cũ mèm. Mủn ra và bẩn thỉu. Hình như có một trò chơi dang dở về cô dâu chú rể. Cũng chẳng còn nhớ nữa có phải chú rể là mình không… Không phải là một ký ức tươi tắn rộn ràng của trẻ thơ mà là một ký ức mơ màng, ám ảnh da diết . Nó làm thu lòng lại.

Ông chủ quán gầy gò mắt trố hay ngồi thu lu, co cả hai chân lên ghế bên chén rượu, trong cái quán nước bên sông. Cười mãi điệu cười lành lành, tinh quái. Có những con thuyền thường cập bờ bên kia. Chở cát và những thứ tương tự. Ước ao của tuổi thơ tôi. Một nỗi ước ao thật riêng tư và thầm kín – được lên những con thuyền ấy mà xuôi ngược theo dòng sông. Biển cũng lạ lùng như đầm lầy trong rừng sâu vậy. Những buổi chiều mùa thu mù sương, khói đồng vảng vất. Con thuyền là nỗi nhớ nhung khôn nguôi. Ước mơ một lần nằm duỗi mình trên sàn thuyền, nhìn qua khe mà ngó những bàn chân trần dẫm dẫm dọc mạn thuyền...


Vỗ tay reo

Tiếng vang vang

Hò lơ


Gọi

khoang thuyền ngày xưa

Bàn chân trần lấm cát

Dẫm ván sàn chênh chao


Hò lơ

Rắc nắng rây vàng

Loang xanh

Thả gió

Cho ngày bình yên.


Vỗ tay reo

Tiếng vang vang...

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Tâm hồn cũng áy náy để ngang bằng với nó...




...Thế giới rộng thêm và bất giác, tâm hồn cũng áy náy để ngang bằng với nó: tâm hồn, cả nó nữa, cũng muốn lớn lao thêm, cũng muốn thâm nhập vào chiều sâu cuối cùng của thiện và ác: nó muốn khám phá và chinh phục; nó cần một ngôn ngữ mới, một sức mạnh mới.

...Mỗi cá nhân vừa là người của biển vừa là của đảo, như xứ sở anh ta.

...bây giờ hoà bình đặt sương mù lên trên xứ sở, mà những làn sóng gầm gào quanh đó. Những dân cư quen bão táp, còn muốn ở trên biển, muốn biết sự tấn công da diết của những biến cố với các nguy hiểm thường ngày và như vậy tạo ra cho mình những cảm xúc mới đầy kích thích và dữ dội, nhờ những trò chơi đẫm máu.

...Và chính lúc đó (...) làm nảy sinh một trò chơi lớn của các ham muốn nhân tính, sự lặp lại tất cả những cuộc phiêu lưu-những cuộc vượt biển đầy bão táp, nhưng bây giờ được tiến hành trên những biển bên trong của trái tim: cái vô tận mới, đại dương ở đó, ngự trị những thuỷ triều dục vọng, những chuyển động nổi sóng lừng của trí tuệ, đại dương mà trên làn sóng của nó, bị đu đưa và bị lay động một cách nguy hiểm tạo thành một niềm vui mới...
----------

Lục ghi chép cũ thấy mấy đoạn về văn chương.
Đoạn trên chép trong tập truyện của Stefan Zweig; một nhân vật bàn về kịch của W.Shakespeare.

Về giá trị luân lý của tác phẩm văn chương

...Một tác phẩm văn chương nào không phản lại tâm lý con người, nói lên được nỗi buồn đau tủi nhục của con người trước cuộc sống, sự cố gắng của con người, cái thiện chí của con người gìn giữ thuỷ chung giữa muôn vàn thay đổi, giúp người vượt cuộc sống bon chen, giao hoà cùng đất trời một niềm xót xa chung cho cuộc sống, tác phẩm văn chương ấy sẽ có giá trị luân lý sâu xa...


...Cái gì sẽ giúp cho thế nhân đông đảo rung động chân thành để hiểu đạo lý sâu xa bằng trực giác, và lựa nhập điều hoà giữa cuộc sống va chạm, đẩy xô? Tôi tưởng ấy là tác phẩm văn chương.

(Bùi Giáng-Một vài nhận xét về Truyện Kiều...)

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Sương bạc làm thinh khuya nín thở

Tặng tất cả các bà vợ








Đêm xuân, vợ nằm gối tay chồng thì thầm:

-
Anh viết thêm về đời sống gia đình như hôm trước nhé-hay lắm.

-
(hắng giọng) Nhưng mà em ạ, phàm những bậc văn cao muốn viết hay thì phải tạo điều kiện cho người ta chơi nhiều vào...

-
(hừm hừm) Cao thì cao, chơi nhiều thế nào cũng có lúc phải ăn chửi...

-
Bình thường, thế em có biết chuyện ông Văn Cao bị vợ chửi nhảy sông tự tử không?

-
(hé hé) Là dư lào? Kể đi, kể đi...

-
Ngày xưa ông Văn Cao được vợ thả cho rong chơi tận những 30 năm...



--------






Lần ấy vào Huế, bằng hữu đưa hai vợ chồng ông Văn đi chơi thuyền đêm trên hồ (sông). Đêm khuya trăng sáng một dải giang hà, tri kỷ hội ngộ, thảy đều đã ngà ngà.

Người này nằm ngửa im lặng ngắm trăng suông.
Người kia tựa mạn gật gù lẩm bẩm.
HPNT vẫn đang thao thao miên man về Lý Bạch.

Duy chỉ nhạc sỹ còn ngồi vững, lim dim uống rượu, hết ly này đến ly khác. Vợ xót chồng mang bệnh can mấy lần đều không thấy nghe lời. Rốt cuộc bực mình giằng lấy ly rượu hắt toẹt xuống sông. Anh em hoảng vía im bặt. Ông lão lập cập trở mình "tao chết đây" rồi lăn tõm xuống nước.

Khỏi phải kể anh em mò vớt thế nào. Đưa vào viện cấp cứu rồi hỗ trợ phu nhân dỗ dành ra sao. Chuyện từ đấy thành giai thoại giang hồ luôn.
--------



Lần đầu nghe chuyện thì thấy ái ngại cho nhạc sỹ. Kể ra như phu nhân cũng đã là bậc tri kỷ của nhạc sỹ, nhưng tiếc thay lại chẳng phải tri âm.

Hỡi ôi, đã cùng nhau vượt những hoạn nạn gian khó ngập như sóng cả lút đầu, lại cùng nhau cười cái vụn vặt của thế nhân suốt mấy mươi năm mà rốt cuộc đến chỗ "chí tại non cao, lưu thuỷ"(*) thì đành lăn tõm xuống sông sâu! Lúc nghĩ đến cái lạnh đêm hôm ấy của nhạc sỹ mà người nghe cũng muốn lăn ra ốm bệt đến 3 tháng.

Nhưng hôm nay đọc lại Tây Sương Ký, đến đoạn Kim Thánh Thán kể những nỗi sướng khoái bình sinh mà ngẫm lại thì sự vụ năm xưa không còn thấy lạnh nữa. Nó thậm chí còn có màu hỉ hả.
----------






Đêm xuân cùng các tay hào uống đã nửa say, thôi đã khó thôi, thêm cũng khó thêm...Bên cạnh bỗng có một đứa trẻ hiểu ý, đưa vào hơn chục pháo chuột. Liền đứng dậy ra ngoài tiệc, lấy lửa đốt chơi! Mùi lưu hoàng xông từ mũi vào tận óc, khắp người khoan khoái, chẳng cũng sướng sao!


Kim Thánh Thán nói những chuyện sướng khoái để cho lòng đỡ bạo bực-trích Lời bình trong Tây Sương Ký-Nhượng Tống dịch.





----------

Bây giờ mới nghĩ, hẳn cái lúc đêm sáng trăng hôm nọ, các tay hào kia cũng đã vào cái cảnh "thôi khó thôi, thêm khó thêm" rồi. Thử hỏi không có bàn tay lanh lẹ của lão phu nhân thì phải làm sao? Thực là rất khó. Cũng mới thấy ông lão còn lanh lẹ, gọn gàng gấp mấy lần chẳng hết. Cùng cảnh với Lý Bạch mà lại hợp lẽ với đạo cả như trong Nam Hoa Kinh đã nhắc: cái sạch của sông biển tẩy mọi ưu phiền(**). Mới hay cái đạo "phu xướng phụ tuỳ" không phải một lần mà hiểu ngay được chỗ thâm sâu.


Nhưng cũng phải nói lại thế này: Băng đóng 3 xích đâu phải cái lạnh một ngày. Kể như phu nhân xuất xử cũng là hợp với bản tính. Có điều như Triêu Vân (***) hẳn nàng đã chọn cách khác. Sao không mệt mỏi tựa vào vai chàng để cả bọn kéo về trong khói sương tan. Một đằng ấm một đằng lạnh, cùng một nghiệp mà duyên khác sinh quả khác những bao nhiêu!
---------




(*): Nguy nguy hồ, chí tại cao sơn. Dương dương hồ, chí tại lưu thuỷ (@Tử Kỳ)

(**): Ngồi uống cả tối trên thuyền trong đêm trăng sáng vừa thanh vừa nhã, nhưng mà trộm nghĩ cũng có điều bất tiện không dám nói rõ ở đây :)

(***): Hồng nhan tri kỷ của Tô Đông Pha.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Entry for April 18, 2009

Trang diendan.org/ bị chặn trên mạng FPT mà lý do hẳn là có liên quan đến bức thư kiến nghị của các trí thức về Dự án Bô xít ở Tây nguyên. Cũng có thể giống như minhbien.org lần trước, đây chỉ có thể hiểu như 1 "trục trặc" nhỏ, lúc được lúc không-mỗi khi có những bài viết, chủ đề "nhạy cảm".

Thực ra trong thời đại google như hiện nay, việc chặn 1 trang web chỉ có tác dụng với những người nghiệp dư nên việc này có lẽ chỉ mang lại một tín hiệu của FPT sau đó là của CP VN về những chủ đề liên quan.

Có nên cho bọn FPT này out luôn không nhỉ?
Không biết có mạng nào tiến bộ hơn không?

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

Một tôi khác

Thế giới blog là thế giới ý niệm. Nó được chọn lựa và sắp xếp.

Có một sự nhập nhằng ở đây: phần nhiều các ý niệm được khơi lên trong lúc viết chứ không hẳn là sự toan tính từ đầu. Nhưng hiển nhiên blog không phải là tôi như tôi là lúc bạn tiếp xúc ngoài đời thực-nếu đủ lâu để không phải là 1 tình cờ. Diễn đạt một cách gần chính xác thì đó là những phương thức tồn tại khác nhau của một cái Tâm.

Vậy liệu blog có phải là một kiểu đạo đức giả? Không phải vậy trong bản chất. Mục đích thế nào thì nó là thế ấy. Nó là biểu hiện của 1 phương thức giao tiếp. Không hơn không kém. Miễn đừng đồng nhất nó với đời thực thì ổn. Điều này không đồng nghĩa với việc cự tuyệt những giao lưu trong đời thực. Nhưng phải tự giới hạn nó như khi chúng ta giải bài toán hộp đen trong vật lý-trước khi mở cái hộp bí ẩn ấy ra.

Không chờ đợi thì không hối tiếc. Không tưởng tượng thì không thất vọng.
--------------

Có lẽ tôi sẽ chuyển sang blogspot khi không thể tiếp tục dùng Y360. Bạn nào muốn giữ contact xin lưu lại link sau:

http://loanhquanh.blogspot.com/

Diên Hồng tư vấn

Các bác văn hoá cao tinh thông cả Nôm lẫn Hán xin tư vấn giúp em cái: Chủ đề "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam" năm nay là "Diên Hồng văn hoá" là dư lào?

Là ngữ pháp tiếng nước nào?

Tất nhiên nếu nói là "Hội nghị Diên Hồng về văn hoá" thì rõ rồi. Nhưng mà một hội nghị về văn hoá theo kiểu Hội nghị Diên Hồng thì sẽ thế nào nhỉ?


- Quyết tâm không để nước mình vô văn hoá!
- Vô văn hoá! Vô văn hóa! Vô văn hoá!!!

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

Entry for April 16, 2009

Cộng đồng là một tập hợp dân cư sinh sống trên cùng một lãnh thổ và do vậy họ thường có ý thức, tình cảm về sự thống nhất trong một địa phương và một khả năng tham gia những hoạt động mang tính tập thể vì quyền lợi của địa phương đó.

(cont)

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

Cuối tháng ba-Nguyễn Bính




Tháng ba trời nắng mới chang chang
Tu hú vừa kêu, vải đã vàng
Hoa gạo tàn đi, cho sắc đỏ
Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan.

Mặt hồ vừa đúc khối tiền sen
Bươm bướm đông như đám rước đèn
Ở bãi cỏ non mà lộng gió
Bắt đầu có những cánh diều lên.

Khoá hội chùa Hương đã đóng rồi,
Hội đền Hùng nữa, đám thôn tôi
Thôn tôi vào đám hai ngày chẵn
Chỉ có chèo không, nhưng cũng vui

Mọi làng đặt mã lễ kì yên
Mũ với hình nhân, ngựa với thuyền
Cho khỏi bà Nàng đi rắc đậu
Quan ôn bắt lính khổ dân hiền

Đường lên chợ tỉnh, xa tăm tắp...
Nắng mới ôi chao, cát bụi mù
Các chị trong làng đi bán lụa
Giắt đầu từng nắm lá hương nhu.

Tất cả mùa xuân rộn rã đi
Xa xôi người có nhớ thương gì?
Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả
Ta biết xuân nhau có một thì!

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

Phiếm

Hỏi: Cuộc sống là để làm gì và tại sao ta lại sống cơ chứ?

Đáp: Cuộc sống của mình là để tìm cách tự trả lời cho mình câu hỏi này. Còn cuộc sống của bác thì em không biết!

Bình: 9 điểm, vì cái tội không biết cuộc sống của người khác
.

Đoạn phiếm đàm nhân bàn về 1 cuốn triết học nhập môn trên không hẳn là vô vị. Bạn hỏi tại sao? Là vì:

- Câu hỏi kia là một kiểu nhại hỏi có hơi hướng hài hước-một vấn đề hệ trọng của nhân sinh cổ kim nhưng đã thành sáo rỗng trong ngôn ngữ đương đại-nhưng nó đẩy người ta vào chỗ khó xử kinh điển. Có mấy khả năng:

1-Trả lời bột phát theo kiểu triết lý tạm. Tức là thể hiện chưa bao giờ suy tư nghiêm mật về vấn đề này. Chỉ là những ý tưởng bột phát mang tính cảm xúc cá nhân.

2-Nếu quả thực đã từng suy nghĩ nghiêm túc về nó thì khó lòng thoát khỏi một trình bày dài dòng đầu đuôi về nó. Nhưng thường thì nó cũng sẽ chuội đi và tạo cơ hội vặn vẹo phản bác cho người hỏi. Chẳng phải thiên kinh vạn quyển cổ kim đều là vì nó?

3-Nếu có một xác tín trong kinh nghiệm thì thường sẽ chẳng có lý luận gì đi kèm thoả đáng. Cũng lại rơi vào bẫy của trò chơi ngôn ngữ luẩn quẩn.

4-Nếu đơn giản là lảng tránh nó hay là hoà theo tầm phào nó thì sẽ thú nhận một tình trạng mất phương hướng và 1 thái độ hời hợt thiếu trách nhiệm. Ngay cả hỏi ngược lại thì cũng cùng bản chất.

5-Im lặng vì biết trước những khả năng của tiến triển Hỏi-Đáp: một nhát xoáy sâu vào tính thoả hiệp âm thầm trong lòng mình. Thất bại hiển nhiên trước mục tiêu của người hỏi.


- Lời Đáp thoạt nhìn có vẻ chỉ là một trò chơi chữ vì chỉ xoay sở lại các mệnh đề. Nhưng cũng không hoàn toàn là như vậy.

1-Ngữ cảnh là đang bàn về một cuốn Triết học nhập môn. Mục tiêu của nó không phải là giải quyết tất cả các vấn đề triết học mà là ở chỗ hướng người ta đến một lối ý thức về hiện sinh và những lối suy tư khả dĩ có ích. Câu hỏi có ý nhắm vào chỗ người đáp có nắm được mục đích của cuốn sách này không. Câu đáp cũng nhắm vào trình bày những chỗ tinh yếu khởi đầu của triết lý mà thôi.

2-Ý đầu tiên là sự phân biệt rõ ràng cuộc sống "của mình" với "của bác/người khác" và không đề cập gì đến "cuộc sống" nói chung. Vì hỏi ý nghĩa của "cuộc sống là để làm gì" là không có nội dung logic.

Đặc trưng nổi bật của tình thế hiện sinh là bất chợt người ta nhận ra mình có những thắc mắc cần giải quyết. Khởi nguồn của triết lý là một kinh nghiệm nhân sinh căn bản-một nhu cầu kinh điển: tự ý thức về bản ngã, đồng nghĩa với cảm thức phân ly, nhu cầu hiệp nhất với toàn thể, cảm nhận sự hữu hạn và hoài vọng cái siêu việt...Giống như phản xạ gương đánh dấu khả năng tự nhận thức sơ đẳng, con người triết lý bắt đầu với sự nhận ra tình thế phân ly và hoài nghi về cuộc sống của mình-hiện sinh của mình trong mối tương quan với những "cái khác".

Suy tư về cuộc sống một cách triết lý không bắt đầu bằng những suy luận logic như về "cuộc sống" nói chung mà nó bắt đầu từ một nghiệm sinh về hiện sinh của mình! Và do vậy, triết học có thể là cái học Công truyền nhưng triết lý là cái học Tâm truyền.

3-"Tự mình tìm cách...cho mình" xác định một tâm thế, đường lối suy tư cụ thể. Vì triết lý khởi đi từ nghiệm sinh của mình nên mục đích của triết lý không phải là một hiểu biết-connaissance- mà là một nhận thức-conscience-do đó nó hẳn nhiên tiên quyết phải do mình và cho mình. Tự mình còn nhắm tới cái ý hướng soi xét bản tâm, rõi theo từ căn nguyên: có thể là đặt lại nghi vấn về Bản thể học như M.H đã làm; có thể là những mối nghi đầu tiên như mệnh đề của R.D "Je pense donc Je suis"; có thể là phép quán, chỉ, định của Phật gia.

4-"Không biết" cuộc sống của người khác không hẳn là không biết. Nó trỏ vào cái tình thế phân ly của thực tại. Cái khởi đi là cái cảm giác "không biết", muốn biết người khác, cái khác. Nó cũng nhắc lại nghi vấn giữa tồn tại và ý thức chủ quan. Nó cũng nhắc đến cái thứ tự ưu tiên "từ mình, do mình, cho mình". Nó nhắc lại chuyện ẩn thân hàng chục năm của Huệ Khả, Huệ Năng sau chứng ngộ. Cái triệt để tiên quyết là biết mình đã trước khi định ấn chứng cho kẻ khác. Một dấu hiệu để nhận ra những nôn nóng của các "tà kiến" :)


- Lời Bình không hẳn là vô vị. Nó là một cú vớt vát hạng trung để tránh sự đơn giản hoá logic trao đổi. Nó nhắc chuyện "chót cùng đầu gậy trăm thước còn một bước nữa".

-------

Mỗi lần đưa ra một lần mới

Đề thi môn văn tuyển sinh đại học

Chuyện này hình như những năm trước cũng đã nhắc đến nhiều nhưng hôm nay nhân vào trang đài địch lại bắt gặp nên điểm lại ở đây.

http://vietnamese.cri.cn/85/2009/04/06/1s120449.htm

Trang Đài phát thanh quốc tế TQ có đăng bài văn được điểm tối đa của thí sinh Bắc Kinh-TQ trong kỳ thi tuyển sinh 2008. Ấn tượng là cách ra đề của họ cho thấy nền GD cũng đã có những tiến bộ hơn hẳn VN (xem đề thi so sánh).

"Đề bài 2008:
Trên lớp học thầy giáo nói: "Hôm nay, chúng ta cùng làm một thí nghiệm nhé." Sau đó, thầy lấy ra một chiếc bình thủy tinh cổ rộng đựng đầy đá sỏi đặt lên bục giảng, hỏi cả lớp: "Chiếc bình đã đầy chưa?" Cả lớp đều đồng thanh: "Đầy rồi." "Thật không?" Thầy lại mang ra một thùng cát, rồi từ từ giắc cát vào những khe trong chiếc bình đã đựng đầy đá sỏi, thầy lại hỏi: "Đã đầy chưa?" Các em học sinh còn đang ngẫm nghĩ. Thầy lại lấy một ấm nước rót vào cho đến khi nước ngập miệng bình. Thầy hỏi: " Thí nghiệm này nói lên điều gì?" Cả lớp nhộn nhịp hẳn lên. Một em học sinh nói: "Rất nhiều việc xem như đã đến giới hạn, nhưng thực ra còn rất nhiều không gian." Một học sinh khác nói: "Thứ tự cũng rất quan trọng, nếu bỏ cát vào trước, thì thể nào cũng không bỏ được nhiều sỏi đá như vậy". Một học sinh nói: "Đúng vậy, phải bỏ sỏi đá vào trước. Những thứ nặng phải được ưu tiên trước." Một học sinh nói: "Cũng không hẳn thế, chẳng lẽ bỏ cát và nước vào bình trước thì nhất định không được hay sao?"

... Làm bài theo tài liệu đã cho, mở rộng liên tưởng, tự xác định góc độ mà làm bài. Tự đặt đề bài, ngoài thơ ca ra có thể tự lựa chọn thể loại văn. Bài làm phải trên 800 chữ"


Đề bài so sánh của VN 2006:
1. Anh (chị) hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Nêu những đặc
sắc nghệ thuật của tác phẩm đó (đoạn trích được học).
2. Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Anh (chị) cảm nhận
được gì về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng này?
3. Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật miêu tả cây xà nu của nhà văn.
--------------

Có điều đọc toàn bài văn điểm tối đa kia thì thấy các bạn Tàu cũng mới đổi mới được tí ti thôi.

Entry for April 10, 2009




Chúng tớ chúc mừng sinh nhật bạn Hoàng Thanh :D

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Entry for April 09, 2009




Từ tiết Thanh Minh-(trong sáng)- sẽ chuyển sang tiết Cốc Vũ-(mưa rào).
Ban mai nghe chim hót, ngang chiều ngóng mây trôi, nửa đêm nghe mưa tạt. Bất kể cái bệnh viêm mũi dị ứng, mình vẫn thích nhất đoạn giao mùa thú vị này của năm.

Hoa Loa kèn cắm trong nhà thì đẹp rồi. Mỗi tội là làm nhà lắm muỗi nên đành chịu nỗi tương tư cuối xuân đầu hạ vậy :)

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

"Thí chủ quả thật là bạn của hắn ư?"

http://damau.org/archives/5055

Vụ này đang hot.
Muốn suy nghĩ về những điều sau:

- Mối quan hệ giữa tác phẩm và tác giả. Mở rộng ra là cả với độc giả (tạm dùng thay cho khái niệm công chúng-đám đông vô nghĩa). Túm lại là cứu cánh của nghệ thuật-hay là nghệ thuật có cứu cánh không? (*)

- Một trường hợp cụ thể: bằng hữu trong nghệ thuật. Xướng hoạ. Nghĩ đến Kim Thánh Thán. Muốn nhắc đến lời đề tựa của Bùi Giáng trong tập "Rớt hột phiêu bồng" nhưng lại ko có sách ở đây. Cái gì mà "xin đừng nghe những chuyện kể của bạn hữu"...

- Liên tưởng đến Hùng Diệu Hoa tiên sinh. Bèn search "Cổ Long bằng hữu"-ra ngay một chương trong cuốn "Bích Huyết Tẩy Ngân Thương". Thấy có chút hữu ý nên trích ra đây cùng các bạn đọc chơi.

(*) Kể ra thì có 1 mạch thấy hứng thú hơn là: tại sao lại đọc? Đọc ai? Đọc cái gì? Đọc cách gì? Con chó có Phật tính không?

Về vụ này em xin bái bác NguyenQuyZen làm đại sư phụ: "Vấn đề của bác thì ăn nhằm gì đến em!"

--------------

http://music.vietfun.com/trview2.php?tap=21&ID=4013&cat=17

(...Chát-Bụp-Phụp...)


Tuyệt Đại Sư vốn đã dợm đứng lên, lại từ từ ngồi xuống, lạnh lùng nhìn Thiết Chấn Thiên và Mã Như Long:
- Người này là ai ?
- Là một bằng hữu.
- Chẳng ngờ ngươi cũng còn có bằng hữu.
Thiết Chấn Thiên cất tiếng cười cuồng dại:
- Thiết mỗ tuy giết người không đếm xuể, kết thù vô số, nhưng bè bạn không ít hơn lão trọc ngươi đâu, loại bằng hữu như thế, lão chẳng có được lấy một người!
Tuyệt Đại Sư lạnh lùng trừng trừng nhìn y khá lâu, mới quay sang Mã Như Long, lúc này vừa đứng dậy:
- Thí chủ quả thật là bạn của hắn ư ?
- Phải!
- Thí chủ liều mạng vì hắn ?
Mã Như Long nói:
- Ta liều mạng của ta, ta còn một mạng có thể liều được.
Y không cố ý thay đổi giọng nói, nhưng thanh âm của y đã biến đổi.
Tuyệt Đại Sư không nhận ra giọng của Mã Như Long, thế nên lại hỏi:
- Thí chủ có biết vì sao bần tăng nhất định truy sát hắn chăng ?
Mã Như Long không biết.
Tuyệt Đại Sư lại hỏi:
- Thí chủ có biết Dương gia Tam Huynh Đệ có tiếng "huynh hữu đệ cung, hiếu nghĩa vô song" chăng ?
Mã Như Long chắc chắn biết. Ba anh em Dương gia thuộc võ lâm đại hào kiệt vùng Hà Đông, cả ba đều giống nhau, giàu có, nổi danh, tính tình hào sảng, nghĩa khí, hiếu thuận. Họ cùng ngụ tại một trang viện, luân lưu phụng dưỡng song thân.
Tuyệt Đại Sư thần sắc trầm trọng, lại nói:
- Thí chủ có biết là cả nhà Dương gia lớn nhỏ hai mươi chín nam nhân đều chết dưới đao của Thiết Chấn Thiên chăng ? Mười bảy nữ nhân đều bị hắn bán ra biên cương làm nô tỳ trong trại lính.
Thiết Toàn Nghĩa vụt kêu lớn:
- Lão có biết tại sao đại ca ta phải làm như vậy chăng ?
Giọng của y trở nên thê lương:
- Lão có biết ba anh em họ Dương đã dùng cách gì đối phó với cha mẹ vợ con của ta chăng ?
Tuyệt Đại Sư cười nhạt:
- Đó là báo ứng của ngươi!
Thiết Chấn Thiên chen vào:
- Đó cũng là báo ứng cho nhà họ Dương. Nam nhân nhà họ Dương do Thiết mỗ giết, nữ nhân do mỗ bán, không can dự đến người khác.
Y đưa tay chỉ những người theo Tuyệt Đại Sư đến đây, những người đang trợn mắt chờ đoạt mạng y:
- Đám người này đương nhiên là thân thích bằng hữu của Dương gia, đều biết ta đã bị trúng chưởng của lão, họ càng biết rõ là nếu giết được ta thì coi như họ đã làm được một việc nghĩa đáng hãnh diện. Còn lão không tranh với họ chỉ vì đã nổi danh đại hiệp, nên ra vẻ rộng rãi.
Tuyệt Đại Sư không phủ nhận.
Thiết Chấn Thiên gằn giọng nói tiếp:
- Nhưng Thiết mỗ chưa chết, bọn chúng muốn lấy mạng Thiết mỗ chẳng phải dễ, chí ít mỗ cũng lấy được thủ cấp của dăm ba mạng!
Tuyệt Đại Sư đáp:
- Họ chỉ muốn đòi lại công đạo, nếu vì bạn báo thù mà chết cũng không oán than, ta chẳng thể ngăn cản họ, cũng bất tất phải làm thế.
Thiết Chấn Thiên hỏi:
- Hòa thượng có muốn ta giúp bọn chúng toại nguyện chăng ?
Y đưa tay chỉ vào Mã Như Long:
- Việc ta làm không liên hệ đến người này, chỉ cần lão để cho y đi, thì tùy ý lão kêu ai đến lấy đầu ta, ta cũng không đánh trả.
Tuyệt Đại Sư lạnh lùng nhìn Thiết Chấn Thiên rất lâu, mới chuyển sang Mã Như Long:
- Trước ngày hôm nay, dường như bần tăng chưa từng gặp thí chủ, xem ra thí chủ không giống kẻ ác.
Mã Như Long chỉ nghe mà không nói gì, không hỏi cũng không phủ nhận.
- Thí chủ quen Thiết Chấn Thiên từ lúc nào ?
Mã Như Long đáp:
- Không lâu lắm.
- Không lâu là bao lâu ?
Thiết Chấn Thiên lại chen vào:
- Y quen Thiết mỗ chưa đến một ngày.
Tuyệt Đại Sư thở dài:
- Mới quen được chưa đầy một ngày mà dám liều mạng vì bạn, hạng người này thật không có nhiều.
Ông bỗng nhiên phất tay bảo Mã Như Long:
- Thí chủ đi đi.
Mã Như Long đứng đấy, không cử động. Tuyệt Đại Sư cũng chăm chú nhìn y một buổi, bèn hỏi:
- Thí chủ không đi ?
Mã Như Long nói chắc như đinh đóng cột:
- Ta không đi, nhất quyết không đi!
Thiết Chấn Thiên lại la lớn:
- Y đi mà, y sẽ đi liền.
Giọng nói Mã Như Long trở nên rất bình tĩnh, kiên quyết:
- Muốn ta đi chỉ có một cách, giết ta rồi khiên đi!
Tuyệt Đại Sư lạnh nhạt nói:
- Muốn giết thí chủ không khó, lúc nãy nếu không có người kéo thí chủ lại, thì bây giờ hẳn đã được khiên đi!
- Ta biết.
- Thí chủ nhất định muốn người khiên đi à ?
- Nhất định!
- Tại sao ?
- Chẳng vì sao cả!
Câu trả lời này không đúng lắm. Một người có thể muốn kết bạn "chẳng vì sao cả", chẳng tính toán lợi hại, không hỏi hậu quả, cũng không có mục đích. Tuy nhiên khi đã quen rồi, thì những gì mình làm cho bạn đã không còn là "chẳng vì sao cả", mà vì một tình cảm khó diễn tả được. Vì lòng can đảm và nghĩa khí, biết chuyện phải làm mà quyết không hối hận; vì lương tri của chính mình, để nửa đêm thức giấc không bị mất ngủ. Vì muốn sống sao cho tự vấn lương tâm không hổ thẹn, muốn chết cũng chết sao cho lòng không hối tiếc.
Chẳng vì sao à ? Vì cái gì ? Thành thì sao ? Bại thì sao ? Sống ra sao ? Chết thế nào ? Dù thành hoặc bại cũng không hối tiếc!
Sinh dã bất hồi đầu, tử dã bất hồi đầu!
Bất hồi đầu, cũng không cúi đầu!

-----------


P/s: Vốn tính đặt tựa "Chẳng ngờ ngươi cũng còn có bằng hữu" nhưng tự thấy sát ý cao quá nên đổi lại. Câu hỏi có tính tu từ-các thí chủ không cần để ý.

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009

Entry for April 04, 2009

Giang hồ

Giang hồ từ thuở ta thất thế
Chí lớn không thành thà ẩn cư
Viễn xứ. Ờ! Thôi thì viễn xứ
Hết đời phiêu bạt chốn quê xa

Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ
Đốt đồng khô khói phủ che trời
Hoàng hôn mỏi mắt. Chiều châu thổ
Vẳng tiếng kêu đò bên bến sông

Cha xưa cầm súng ra đánh trận
Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm
Lần đi đưa tiễn- tay chưa nắm
Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm

Em xưa kẹp tóc thề vội lớn
Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh
Tương tư xếp lá đôi bờ mộng
Mơ bóng trăng khuya- tiếng nguyệt cầm

Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống
Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về
Mộ bia hiu quạnh. Ngày dâu bể
Phách lạc đâu còn chỗ nương thân

Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng

Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Thầm hẹn mai này quy cố hương
Ta về làm bạn cùng chim chóc
Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông

Linh Phương

---------

Bài thơ này hay từng khúc.
Nhưng mà có những lúc vẫn muốn đọc ào đi như vậy.

Being a man

Done.

Người tri túc, trời không bắt nghèo được
Người vô cầu, trời không bắt hèn được.

Nguỵ Hy.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Entry for April 02, 2009

Cuối ngày, rồi cũng có 1 điều gì đó vọng lại.

Hình như là mười hai năm.



Lâu lâu thấy tên chị trên phần biên dịch một bộ phim mới thì chút cảm giác hoài niệm về một giai đoạn lại vương vất. Không biết một người như vậy bây giờ cuộc sống có ổn không. Chắc là ổn, mọi người đều nghĩ thế.





Có những điều vu vơ lại rất dễ trở nên đặc biệt, nhiều khi nhìn thoáng qua thì chẳng có lý do gì khả dĩ. Những ký ức hồi đó trở nên riêng biệt vì nó gắn với những ngày đầu bỡ ngỡ vào đời. Một làng ven đô. Một khu vườn rộng bên nhà thờ cổ và cả một cánh đồng. Mười năm dĩ vãng đã lên hương. Mỗi lần chạm lại ký ức này thường vọng lại trong tôi những câu thơ của thời đó-cho chính mình.



Bây giờ dựa gió xiêu xiêu

Thoảng xanh nhạt trắng men chiều bước đi



Căn nhà mà chúng tôi ở trọ rất rộng. Nó đủ cho gần hai mươi người thuê nhưng là kiểu nhà nông thôn chứ không phải loại nhà xây theo dãy. Chủ yếu là sinh viên, từ năm nhất năm hai cho đến những sinh viên đã chuẩn bị ra trường. Cũng có người đã đi làm. Cũng có anh bộ đội, chú thợ xây và bà giáo già đi buôn gạo. Do kiểu không gian sinh hoạt không quá chia tách nên mọi người sống với nhau chia sẻ và chan hoà như một gia đình lớn. Khi tôi chuyển đến thì mấy người bọn chị chuẩn bị ra trường đi làm. Quãng thời gian 6 tháng tuy không dài nhưng đủ để chiếm 1 đoạn quan trọng trong ký ức.



Chị học ngoại văn, đi làm thêm từ sớm. Phiên dịch triển lãm, gia sư cho người nước ngoài nên biết nhiều chỗ mà bình thường sinh viên như chúng tôi khó tự nhiên mà đến được. Một lần nhờ chị đưa vào bên trong khách sạn Daewoo để ngó nghiêng tôi phải đi mượn 3 chỗ cho đủ một bộ tham quan chỗ sang trọng! Lúc vào thang máy thấy trịnh trọng mà hồi hộp gì đâu :) Về rồi còn suy nghĩ bâng khuâng mãi-người nông dân phải làm gì, làm gì?



Anh chàng người nước ngoài mà chị dạy tiếng cho thuộc dạng rất quái. Hắn sang VN từ vài năm trước và trở thành một dạng thổ địa. Tự mày mò để mở thị trường trong mấy năm chứ cũng chẳng làm cho hãng nào. Hắn thích chị còn chị thì bảo "Thằng đấy nó quái lắm". Mô tả tính cách của chị trong vài dòng cũng khó, nhưng đó là một tuýp người mà càng va chạm cuộc sống nhiều ta sẽ càng cảm thấy quý mến: họ chân phương mà không đơn giản. Họ xử sự trực tiếp thẳng thắn mà lại có vẻ như không thực sự ý thức về những nguyên tắc hành xử của mình. Hình như là một kiểu người hành động. Tôi cũng không chắc lắm nhưng cảm giác về những người như chị là cảm giác thoải mái, có thể tin cậy và muốn giúp đỡ lại họ. Đa số bọn chúng tôi lúc đó cũng không thích anh chàng kia vì sợ hắn chỉ tìm cách "xây dựng cơ sở cách mạng" ở VN. Nhưng anh ta cũng chịu chơi và biết cách hoà đồng. Chạy xe MZ khuềnh khoàng và sẵn sàng ngồi đến cuối những cuộc rượu tào lao của sinh viên. Luôn biết cách nói chuyện thẳng thắn chia sẻ với chị và giao tiếp vừa thân thiết vừa chừng mực với những người xung quanh là chúng tôi - xét ra thì cũng chỉ là một bọn bàng quan thường xuyên thay đổi quan niệm tuỳ theo những thông tin thất thường thỉnh thoảng tiếp nhận được. Chuyện này cũng chưa bao giờ là chuyện chính yếu của khu nhà.



Cuối cùng thì thợ cưa cũng hoàn thành công cuộc phá rừng vĩ đại bằng một sự kiện lãng mạn kinh người. Nhà chủ luôn khoá cửa vào lúc 1og tối để đi ngủ nên mọi hoạt động lách luật của chúng tôi hồi đó chủ yếu là trèo rào. Nhưng rào rất khó trèo và phải có người hỗ trợ từ bên trong. Một tối mưa tầm tã, cả bọn đang đi xem bóng đá thì hắn phóng xe đến, say nhoè. Không còn giữ ý như mọi khi, hắn đập cổng ầm ầm gào toáng lên "T ơi, anh yêu em". Chủ nhà nhất quyết không thèm để ý còn hắn thì nhất quyết không đi đâu rồi lăn ra ngủ ngay dưới mái hiên hẹp ngoài cổng. Lúc chúng tôi về thấy hắn ngủ say như chết; chị thì kê ghế ngồi khoác chăn thu lu bên trong để canh chừng. Hẳn là sau vụ đó thì nghiệm thu công trình liên doanh này. Vài năm sau nghe nói chị cưới xong chủ yếu ở nhà trông con. Rồi thỉnh thoảng cộng tác biên dịch phim cho đài truyền hình. Cuộc sống như vậy coi như cũng ổn.





Lần đầu cầm tay con gái thì còn mãi sau này :) nhưng còn nhớ lần đầu đi chơi với con gái là "đi chơi" với...chị. Để trong ngoặc kép vì thực ra là làm xe đạp ôm chở chị đi việc gì đó lòng vòng gần hết 1 ngày. Buổi trưa ngồi nghỉ ở bờ hồ Gươm thì cũng tính là đi chơi hoành tráng rồi. Thời gian nghỉ vừa đủ để tôi dịch cho chị nghe lời bài "That's Why" của Micheal Learns To Rock.





Tại sao bây giờ lại hay nhớ lại chuyện này? Có lẽ là vì bây giờ thì những hoài bão, cao vọng tuyệt đối trong sáng nhưng chân thành một cách cởi mở cả tin đã có màu dĩ vãng. That's WHY!









but there is something left in my head

Entry for April 01, 2009

...

Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghi giữ ân tình trong cỏ nhặt
Mưa vi vu vì hẹn với truông ngàn

Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại
Thuở xưa kia… bờ nước ấy xưa kia
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời ai vẫn đợi đã chia lìa

...

bg