Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

Nào mình cùng lên xe buýt!!!




Chép lại "bài thơ"* này để kết thúc sự nghiệp blog bên Y360. Nói cho cùng chẳng phải cái blog này là 1 loại "thơ mở" con cóc bất tận sao?
-----------
(*): Bắt nguồn từ 1 trò chơi đùa của mọi người trên 1 diễn đàn. Mỗi người 1 đoạn. Mình hăng nhất. Phần nào mình viết hay ghép thì không viết nghiêng.
-----------

Tất cả những gì là lãng mạn

Trong phòng thí nghiệm, tôi theo dõi những tình cảm màu xanh trong những chiếc bình kim loại xem ở nhiệt độ nào chúng sẽ bật sôi và xì ra khói đỏ (HY)

Tôi muốn cười đến chết. Thế sao tôi vẫn buồn? (TG)


Con chuồn chuồn ớt vẫy vẫy cái đuôi màu đỏ
đậu trên lá khoai xanh
chắc cũng buồn như tôi.

thời lạm phát
thuốc nhuận tràng cũng 5 nghìn 1 gói giời ạ

chuồn chuồn cắn rốn thì biết bơi
mà không cần dở hơi.

Như ngày trước

Lầm lũi xuyên đêm chờ hửng sáng
Đỉnh cao gió hú
Buốt lạnh
đón mặt trời.
(Helios)

Chỉ giun dế kêu
Mà thảng thốt tưởng người bên cạnh. (TG)

Ầu ơ gió hát

Lá Khoai xanh
Xanh mát mắt
móng tay cắt
Cắt vòng tròn
Tóc còn son
Son như gấc...(Kh)

--------------



Mọi chuyện khá lãng mạn và...mù quáng - như cái tiền đề của người mở đầu bài thơ: bình kim loại thì biết thế đếch nào được cái gì là xanh với đỏ. Blog cũng vậy mà thôi.

Cá nhân mình, mời các bạn dùng blogspot. Yahoo đã dừng 1 lần thì còn có thể dừng nữa. Vả lại, đã nhắm mắt mơ xanh đỏ thì những cái bình kim loại không nên có quốc tịch.

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

Ban mai - Thơ của Nguyễn Bình Phương




Minh họa: Văn Nguyễn-theo http://60s.com.vn/index/2034084/29032009.aspx

Trong thời khắc cuối cùng của mùa đông
Anh giã từ chính mình thật khẽ khàng
Và anh là núi đồi mơ màng
Chưa lìa xa bóng tối

Ở bên kia lá từ từ rơi
Trên những nóc nhà nghiêng nghiêng trên cánh tay buông hờ sau rèm vải
Một người ngước nhìn quá khứ bằng cái nhìn thân ái
Người ấy chính là anh
Anh là núi đồi mơ màng

Những ánh sáng lặng im soi một phần quên lãng
Như lặng im chiếc cần câu chờ bí mật diệu kỳ vung lên từ nước
Như hình hài một con đường và anh, con đường đi ngược
Vang xa cùng dải ngân hà

Em thân yêu người làm anh nghiêng ngả
Sao bỗng nhiên em chẳng nói câu gì
Biển đã chết sau rất nhiều lo nghĩ
Biển trả cho đêm một ảo ảnh chòng chành
Trong sương sớm ban mai còn lại mình anh
Hình bóng cũ của trái tim bé nhỏ
Đập bâng quơ trên những dải mây mờ

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Thơ và tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương

Nhân entry trước nhắc đến NBP nên mới nhớ đến việc tìm đọc thơ của tác giả này. Phải nói NBP là tác giả VN của trong khoảng chục năm gần đây khiến tôi chú ý nhất và có ý thức theo dõi đọc toàn bộ các tác phẩm-như một cách thu thập chứng từ để phân tích hơn là sự hâm mộ phong cách. Tôi đã đọc các cuốn: Trí nhớ suy tàn, Thoạt Kỳ Thuỷ, Những đứa trẻ chết già, Vào cõi. Hình như cũng chỉ còn thiếu cuốn "Ngồi" là chưa đọc. Nhưng thơ của NBP thì tôi chưa đọc lần nào. Một phần vì trước đây chưa biết cách tìm trên mạng cũng như có lần tìm mà không thấy. Lần này thử tìm lại thì có rất nhiều kết quả. Tôi nghĩ nếu chưa đọc thơ của NBP thì chưa thể cảm và hiểu hết được tiểu thuyết của Nguyễn.

Trừ sự say mê có phần hơi dễ dàng với những loang đổ của tuổi 20s trong Trí nhớ suy tàn thì ở những cuốn tiểu thuyết về sau của tác giả này là từ sự ham thích truy tìm logic của cảm thức mà tôi đã bắt đầu với những giấc mơ. Ở mỗi cuốn sách tôi đều cảm nhận được hình như mình có thể thâm nhập vào logic riêng của nó, nhưng thú thực sự tò mò chưa lần nào át được chức trách của lối mòn cảm hứng thẩm mỹ cá nhân nên ý định làm một phân tích nhỏ về tiểu thuyết của NBP vẫn còn là...ý định. Một phần cũng còn là vì chưa tìm được tập thơ nào của tác giả này (cho đến tận lần này).

Theo cách phân chia dưới ảnh hưởng của khoa Ký hiệu học (hay xa hơn là từ Ngôn ngữ học của Saussure) thì "Thơ" và "Văn xuôi" nằm trong sự chi phối của hai hình thức tu từ đối lập nhau (*):

1-Trật tự Ẩn dụ: Thay thế biến hoá (paradigmatic substitution) liên quan đến một tri giác về sự tương đồng, từ đó sinh ra Ẩn dụ.

Những đặc trưng của nó là: "biến hoá", "thay thế", "lựa chọn"-xuất hiện trong đặc tính của: Thơ/Các bài hát trữ tình/Chủ nghĩa lãng mạn/Điện ảnh/Chủ nghĩa siêu thực.

2-Trật tự Hoán dụ: Tổ hợp cú pháp (Syntagmatic combination) liên quan đến một tri giác về tính tiếp cận (contiguity), từ đó sinh ra phép Hoán dụ (metonymy-dùng một thuộc tính hay một thứ "ăn theo" để gọi tên vật chính ta cần nói. VD "sân cỏ" để chỉ bóng đá), hay phép Cải Dung (synecdoche), lấy bộ phận để chỉ toàn thể (VD "ngọn buồm" để chỉ con tàu).

Những đặc trưng của nó là: "cú pháp", "tổ hợp", "tiếp cận"-xuất hiện trong đặc tính của: Văn xuôi/Sử thi, anh hùng ca/Chủ nghĩa hiện thực/Dựng phim(**)/Báo chí

(*)-dẫn theo cuốn Nhập môn Hậu Hiện Đại, tr63. Sự phân biệt này khác với quan niệm của khoa phê bình văn học truyền thống vốn cho rằng Ẩn dụ và Hoán dụ là những hình thức tu từ có liên quan với nhau. Nó dựa trên nhận thức rằng có 2 dạng hoạt động tâm thần đối lập "giật dây" trong việc sử dụng ẩn dụ hay hoán dụ.


(**)-Chưa hiểu rõ lắm việc phân biệt "điện ảnh" với "dựng phim"-có thể do vấn đề dịch, cũng có thể do tính tương đối của việc phân chia trên 1 vài tiêu chí phân tâm học
.

Dựa vào những ý tưởng này tôi có nhận định rằng trong những tiểu thuyết của NBP thực tế đã chịu sự "giật dây" của một hoạt động tâm thần vốn dĩ dành ưu thế cho Thơ (***). Tôi thấy truyện của NBP tràn ngập những chi tiết/sự kiện/hình ảnh có tính chất gây ấn tượng mạnh trong cảm thức. Nó có điểm tương đồng với logic của những giấc mơ theo những phân tích của Erich Fromm trong "Ngôn ngữ bị lãng quên". Điều đó dẫn đến một logic chủ đạo khác trong cấu trúc tiểu thuyết của NBP: logic của cảm xúc và liên tưởng tự do. Vấn đề còn lại là tìm hiểu cấu trúc và văn phong của loạt tiểu thuyết là sẽ có một ý hướng khả thi cho việc tìm hiểu một tác giả khá khác biệt của văn học VN hiện nay.

(***)-khó mà có thể chờ tác giả giải thích tác phẩm nhưng tôi cho rằng kiểu chồng lớp và tái cấu trúc này hẳn là một việc làm có ý thức hơn là những sáng tạo tuỳ hứng. Do vậy việc cảm thụ và phân tích sẽ không đơn thuần là nhảy lùi sang bờ bên kia của đối lập-Thơ/văn xuôi-để phân tích là xong.

Nếu áp dụng kỹ thuật của Phân tâm học, tự nhiên sẽ còn một câu hỏi căn bản và thú vị về tiểu thuyết của NBP là "Vậy cái gì là tôtem trong những tiểu thuyết-giấc mơ kia?". Tôi nghĩ đây là chiếc chìa khoá quan trọng để hiểu vì sao từ những bài thơ dễ cảm lại chuyển sang bình diện của những "chuyện kể" oái oăm u uẩn kia.
-----------
Một bài thơ ngẫu nhiên của NBP

Chơi với con


e ò e ò e tí toe ngo ngoe vò vẹ
tôi đấu trán vào các đầu ngón chân
rồi lăn
óc ách tiếng gì chiều nay sót lại
một con suối hay cánh rừng tím tái?

lăn qua thuốc súng tôi rền vang tôi
tôi đánh rơi ở nơi không tìm thấy

hai đứa trẻ hai vì sao nhấm nháy
giòn và thơm trong đêm giữa hạ

tôi bị vướng vào thế giới ba tà
con voi bé nhỏ, con ve kềnh càng, con báo lù lì, con rùa vĩnh cửu
tôi xung phong làm cái chảo nấu ăn
hai đứa trẻ hai vì sao mằn mặn
vừa xào xáo vừa cười lơ cười lắc

khuất trong góc nhà tôi có cả ta cả giặc
bánh xe màu lục, viên đạn vô hình
khẩu súng ấy trắng bong như bột lọc
tôi bắn gục thời gian không thèm tiếc

trên đầu tôi hai vì sao lẫm liệt
hai đứa trẻ nhò nhè bé ti hi

tôi cù kì ku ki cũ kỹ
bình minh mọc lên một cái mào
thế là cù kì bỗng dưng thèm gáy
thèm thăng lên mấy chục tầng trời, thèm ngủ dưới mấy ngàn ngọn nước
và tôi lạc vào quyển sách của tôi
ai đó viết ra ở chân trời khác

tôi chạm tới buổi chiều nghệch ngạc
bập bềnh trôi bên cạnh những dấu trừ
một cái gì tròn vo như lạc thú
lim dim chờ cú sút
lao thẳng vào khung thành mù sương

hai đứa trẻ vò tai tôi sung sướng
ngân nga ba đứa ba quả chuông

NBP.

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009

Tự nhiên nghĩ đến phố Gầm Cầu




Chính xác thì chưa biết sẽ viết ra điều gì-(ảnh của bác 7X)

Bây giờ là 3g sáng và mình đang ngồi một mình ở văn phòng công ty bạn. Lý do chẳng lãng mạn gì: in nhờ cái luận văn cho nó tiết kiệm tiền in màu. Thôi tự nhủ với lương tâm phần thặng dư sẽ mời giám đốc vài ly rượu với gió Tây hồ đầu hạ.

À đây rồi-ký ức. 3 g sáng làm mình nhớ thời sinh viên năm thứ 3 hồi còn ở Chùa Bộc. Chắc là cũng tầm này vì hồi đó còn nhớ là đang làm đồ án sinh viên về phố cổ. Hay là cuối hè nhỉ? Không chắc lắm nhưng nó là một ngày hè nóng nực-cho đến tận 3 g đêm.

Hồi đó lấy đêm làm ngày nên 3g đêm chỉ mới coi như vừa đủ lâu để chuẩn bị phóng xe đi uống nước chè bà cụ trên Đinh Tiên Hoàng. 5-6 anh em trần trùng trục ngồi trước màn hình máy tính và khói thuốc lá nghi ngút. Mình đã đi làm, đã "lăn vào cuộc sống" như vậy được chừng đâu hơn một năm. Lúc ấy đang dựng mặt đứng phố cổ-hình như là Hàng Buồm. Bất giác ngửa người ra sau nhìn chăm chú vào màn hình. Như thể tâm trí vụt thoát ra, lơ lửng trên trần nhà nhìn xuống mọi chuyện. Chuỗi liên tưởng bắt đầu từ ấn tượng cả một dãy phố cổ lơ lửng trong không trung-một không gian đen ngòm của giao diện Auto Cad.

Một con phố không có cây cối và không có người. Bình thường thì nó sẽ cứng và trơ ra. Nhưng khi zoom đủ xa để nhìn cả con phố lơ lửng trong vòm không gian đen ngòm tượng trưng kia thì cảm giác thật khác lạ. Lúc đó hình như mình đã đứng dậy đi tìm lại đoạn tản văn của Nguyễn Bình Phương mô tả mùi ngòn ngọt của phố Hàng Buồm trong cuốn "Trí nhớ suy tàn". Ồ, cô gái và chiếc áo xám. Bây giờ rốt cuộc tôi cũng đã đi quá tuổi trẻ của cô rồi. Hai mươi sáu hay là hai mươi tám thì cũng đã như đoàn tàu trùi trũi đi dấn về phương Nam từ mấy hôm trước.

Tôi thích Hà nội của NBP như vậy. Nó đã kịp lẫn vào ký ức dẫu bây giờ không thể cầm lại tập sách mỏng để đọc thêm một lượt. Nó là điều gì đó đã đi qua. Đã qua đi như thể bây giờ không còn thấy tự nhiên khi muốn rủ bạn phóng xe lang thang trong đêm mùa hè nữa. Sẽ có mùi của cây về đêm. Vị của gió sông Hồng và khoảng lãng đãng trôi qua đường Cổ Ngư.

Ngày đó chúng tôi có tuổi trẻ và sự ngổn ngang làm duyên dáng. Mọi bừa bộn hàm ý một dang dở. Nhưng cái dang dở ngày đó không có ý thức gì là nó sẽ bẽ bàng hay tức tưởi. Nó là một kiểu không thèm làm. Chưa thèm chiếm lấy. Một kiểu cho không của tuổi trẻ. Và tôi đã sống 5 năm như vậy. Lâu hơn tất cả những người bạn khác. 7 hay là 8 người đã từng ghé qua.

Ghé qua nghĩa là đã từng thức cả tuần để "cày" một con nhà dân hay cái trụ sở. Là một ngày 5-6 cữ cafe đen nóng không đường. Thỉnh thoảng tôi xin một lát chanh chấm ít muối trắng để ngẫm nghĩ vị the của cafe man mát xa xa. Là cùng nhau đi khám phá những quán mới, những ngóc ngách bất ngờ của Hà Nội-như một lần đi vào khu Liên Trì trong đêm để xem ánh đèn điện vàng đổ bóng xiêu vẹo lên những mảng tường cũ trong ngõ hẹp. Là cùng nhau phóng xe đi đón gió mùa đông bắc thổi tung người trên bờ đê lúc nửa đêm. Hay trèo lên sân thượng bình luận về các cô bạn gái (của thằng khác). Cũng có khi là ngồi cả tháng uống nước chè chị Nga điệu già như con ngan lâu năm, nhà mãi trên Phúc Xá dạt về CB bán nước chè đêm. Đêm nào cũng cắm một bình hoa và hình như có tô son.

Bây giờ nhớ lại, hầu như những ước mơ ngày đó của chúng tôi, mọi người đều đã chạm đến ít nhiều. Vậy mà lại không thấy yên ổn. Ngày đó hình như ước mơ lớn nhất của mình là có một cái tủ lạnh con con để ở đầu giường. Giúi vào đấy mấy chai bia, nhất thiết một chai vodka, một ít bánh mì. Thế thôi, mà cũng chỉ 2 năm sau là mua được một cái tủ lạnh Xa ra tốp cũ rích rồi. Nhưng bia thì thỉnh thoảng mới có và cho gì vào tủ lạnh là cả một vấn đề.

Hơn mười năm nhìn lại, hầu như cuộc sống của mỗi người cũng không có nhiều bất ngờ lắm so với tính cách của họ. Mình cũng vậy và mình đang ngầm ngậm chán nó.

Thơ thẩn chỉ là đống rác to đùng...
------------


Quán cà phê dưới gầm xe lửa
Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ
Ngón tay dài trong bóng tối run run
Lá đầu thu xao xác bên đường
Trời chuyển gió sắp quay cuồng bão lớn
Điều tôi nói phải chăng là quá muộn
Em u buồn em có nhận hay không?

Em gầy như huệ trắng xanh
Ngọn lửa nhỏ giữa hai vực thẳm
Em tê dại, em âm thầm kiêu hãnh
Em cô đơn như biển, lạ lùng ơi!
Đi tìm nhau suốt đời
Sao bây giờ mới gặp?
Khi mặt đất mênh mông đầy biến loạn
Khi bước chân lầm lạc
Khi con người giết nhau
Những lá thư không biết gửi về đâu
Những hải cảng không có tàu cặp bến
Quen thất vọng, tôi hồ nghi mọi chuyện
Tìm trong mắt em náo động những chân trời.
Ngõ phố dài hôm ấy mưa rơi
Đã xa vắng trên mặt đường ướt lạnh,
Tóc em rối và áo em đỏ thắm
Những bức tranh nổi gió ở trên tường
Hoa cúc vàng nỗi nhớ của hoàng hôn
Những dãy phố, những con thuyền phiêu bạt
Những người con gái con trai im lặng
Mắt mở to trong nắng thẳm mong chờ.

Thế giới xanh xao những sự thật gầy gò
Em đã đập vỡ ra từng mảnh.
Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh
Em đi tìm thế giới của riêng em,
Tình yêu và nỗi khổ của riêng em,
Niềm tin lớn giữa cuộc đời vô lý.

Nghĩ về em bao buổi chiều lặng lẽ
Tìm trong em bao khát vọng không ngờ
Môi tôi run những lời nói dại khờ
Em ẩn hiện sao còn xa lạ thế
Tôi ảo tưởng quá nhiều ư? Có lẽ...
Em cần gì gió lốc của đời tôi!

Mai em đi, mùa hạ cũng qua rồi
Tôi ở lại một mình trên phố vắng.
Hoa cúc rồi chiều xuân nào tôi đến
Chẳng gặp em chỉ màu hoa vàng rực
Đêm nay về đốt lửa giữa hồn tôi
Đêm phòng không tiếng nổ vỡ khắp trời
Thời đau khổ chung quanh đều đổ nát
Nỗi cô đơn đen ngòm như miệng vực
Tôi muốn đi tới đích cùng em.
Tôi phải đi tới đích cùng em!

Lòng tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành
Em nhận lấy, em đừng e ngại mãi
Tôi tan nát, kinh hoàng, sợ hãi
Em cô đơn rồ dại của tôi ơi
!
-----------

Không ăn thua rồi.

"Mắt chó vàng như trăng"


Cúc với chả queo.

Ế ồ.