Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Entry for November 25, 2008

Có vẻ ngược đời nhưng những tác giả mà mình thích đọc lại nhất lại là những tác giả ít khi mình thuộc được cả bài. Có một sự đồng cảm bất tận đâu đó được gợi ra để thỉnh thoảng muốn nhìn lại.
-----------
Những bạn khuân vác-Lưu Quang Vũ


Năm tôi mười bảy tuổi
Mẹ bảo tôi:
Mày lớn rồi phải tự sống đi thôi
Nhà nghèo đông em mẹ không nuôi hết được

Tôi đi nhờ tàu thuỷ từ Hòn Gai
Ra Hải Phòng tìm việc

Từ giã cây dâu da đầu dốc
Con đường trải đá răm
Những quyển sách tôi cất dưới ngăn bàn
Có giấc mộng về cánh buồm đỏ thắm
Từ giã những cô bạn học
Lưu luyến nhiều nhưng cũng chóng quên nhau

Hải Phòng đón tôi bằng sừng sững khói cao
Tiếng búa tiếng choang tiếng goòng ken két
Tiếng xô đá tiếng gò tôn tiếng bánh xe nghiến nát
Than bay bụi bay nắng cuồng nhiệt khắp nơi
Tất cả lấm đầu và nhễ nhại mồ hôi
Tôi ghi tên vào một đội khuân vác
Người đội trưởng lầm lì
Đặt lên vai tôi bao hàng to nặng
Tôi còng lưng thở rốc vác lên xe
Người khác ném cho tôi điếu thuốc
Không ai nói với tôi một lời
Đêm ấy về ê ẩm hai vai
Tôi nằm nhớ bóng dâu da tuổi nhỏ

Đội bốc vác bảy người
Một anh Hoa kiều mặt rỗ
Làm trên cảng từ đời ông đời cụ
Một người Cát Bà mắt sếch da nâu
Cha ngày xưa bị hải phỉ chặt đầu
Một bác thuỷ thủ già râu bạc
Từng lênh đênh An Giê, Băng Cốc
Một anh thương binh phục viên
Hay thầm thì kể chuyện
Cùng trung đoàn Ký Con về Phát Diệm
Cái năm nhà thờ giết cán bộ trôi sông...
Có anh cày hoang bao đồng ruộng mênh mông
Trốn nợ lưu lạc về đất cảng
Có anh ngực trổ đầy rồng rắn
Có anh mặt buồn mà hát rất hay
Vai nổi u tay đầy vết sẹo chai
Người không mẹ không cha người vợ con nheo nhóc
Ai cũng tựa hòn núi cao im lặng
Giấu trong lòng bao thác cuộn, suối trong
Sắc nhọn, cộc cằn
Bao la, nhỏ hẹp
U tối mà sáng suốt
Từng trải mà thơ ngây
Những người bốc vác
Mang trên vai cuộc đời
Dây tôi cách nhìn cách nghĩ
Trên cửa biển chói chang không chỗ nghỉ
Kiện hàng to thôi đè gập hai vai
Những bàn tay rộng lớn đỡ tay tôi
Không vật nặng nào không nhắc nổi
Không cơn bão nào làm sợ hãi
Những vệt chai quả cảm cứ đầy thêm
Tôi không nén nổi yêu thương
Mỗi lần nhìn các bạn tôi nằm ngủ
Nghe tiếng ngáy khàn, tiếng nói mê, nghe nhịp thở
Tôi nôn nao muốn ôm lấy từng người...
Những cuộc đời đáng hưởng mọi niềm vui
Trước họ tôi không thể nào dối trá
Vì họ tôi có thể làm tất cả
Họ khổ đau nhiều, lòng tôi chẳng phút yên

Tháng lương đầu tiên
Tôi mời mỗi người một vại bia sủi bọt
Còn bao nhiêu mua sách
Những quyển sách tuổi thơ yêu thích
Tôi đọc cho đội bốc vác cùng nghe
Có những điều ngày ấy say mê
Nay trên cảng bỗng thành nhợt nhạt
Cánh buồm đỏ không quyến lòng tôi được
Nhưng nỗi khát khao cuồng dại còn nguyên
Thành đám lửa loang dầu trong đêm
Tiếng hú cửa sông tiếng cây buồm kéo mạnh
Tiếng mưa gõ tường nhà tiếng còi vang lảnh
Muôn hồi chuông nghiêng ngả chào nhau
"Tay chúng ta sẽ kết một con tàu
Cặp bến đẹp của những ngày vui sướng..."

Các bạn tôi ngồi lặng lắng nghe
Những khuôn mặt lầm lì
Bỗng nhoè nước mắt
Bãi sú rì rào
Môi tôi run lên cổ tôi nghẹn nấc
Như sắp nghĩ ra một bài hát khác
Thật và đẹp hơn mọi điều trong sách
Về những con tàu và các bạn của tôi.

(2-1971)

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

Entry for November 18, 2008




Bài viết cũ, post lại tặng những bạn mới :)
-------------------------
Cây trong vườn nhà ta


Một cơn bão mạnh ở quê nhà thì ở Hà Nội chỉ là những ngày dễ chịu với vài cơn mưa lớn. Trẻ con thì thích bão nhưng người lớn thì không. Bây giờ mỗi lần có bão lại lo không biết ở nhà có nhờ được ai tỉa cành cây xoài đi không. Mấy năm trước u định chặt cụt, mình kiên quyết không đồng ý. Trẻ con cần có 1 quê nhà để về thăm và cần có 1 khu vườn với những cây ăn quả để leo trèo hay đơn giản là mắc võng nằm dưới tán cây trong ngày hè. Lúc đầu u bảo là sợ cây to trong vườn vì các "ngài" hay ở đấy. Mình gạt đi, kể cho u nghe những vườn cây bạt ngàn trong Nam. U lại kể đến những ngày mưa bão, không có ai ở nhà để tỉa cành. Cây xoài 15 năm tuổi xum xuê sát bên cửa sổ sau ngôi nhà mái ngói lúc này trở thành mối nguy hiểm khôn lường. Hồi bà còn khoẻ thì bà nằm ở cái giường ngay cạnh cửa sổ này. Có lần cành cây quật vào mái nhà làm rơi mất mấy viên ngói. Bây giờ thì chỗ này để không, khi nào có khách thì mới dùng.

Nhưng mình không nỡ chặt đi những cây to như vậy. Phải mất bao nhiêu lâu mới có được 1 cây xanh to lớn xum xuê trong vườn nhà. Con người hình như có một mối giao cảm huyền bí với cây cối. Đứng dưới 1 gốc cây lớn, mạnh mẽ vươn lên cao, chúng ta cảm nhận được "một cái gì đó thân thiết hơn, mãnh liệt hơn, bao trùm hơn, tác động đến chúng ta ngay tức khắc. Một sức mạnh để đứng thẳng không cưỡng lại được, một áp lực sống bất tận và ngấm ngầm mà ta cho là cảm thấy được trong bản thân mình bằng giao cảm" (Luc Benoist).

Còn nhớ hồi đó mẹ mua về hai quả xoài rất ngon, ăn xong hai anh em mới bảo mẹ thử mang ra vườn trồng xem có lên được không. Vườn đằng sau nhà khá rộng và mới chỉ có một cây roi, một cây táo, một cây hồng xiêm nhỏ và khoảng 5-6 cây na. Đào đất xong 3 mẹ con mới ớ ra là không biết cho cái hạt xuống như thế nào là xuôi, thế nào là ngược. Thế là quyết định đào 2 cái hố ở 2 phía, 1 hột xuôi 1 hột ngược. Cuối cùng cũng mọc lên 1 cây xoài xanh ngắt và bé tí. Vậy cũng nhanh, thấm thoát đã 15 năm. Gốc cây xoài bây giờ đường kính đã được khoảng ba chục phân, thân vươn cao vượt khỏi mái nhà.

Năm ngoái bàn chuyện xây thêm phòng mới cho vợ chồng chú em mỗi lần về quê, lúc đầu u tính là chặt bỏ cây xoài, xây nối hình chữ L với nhà cũ thành 2 gian cho 2 anh em. Mình ngăn lại, bảo bà bây giờ ngoài 80 rồi, còn được bao lâu nữa đâu. Hai thằng thì đi cả năm may ra giỗ, Tết về được 1, 2 ngày thì chỉ cần xây thêm 1 phòng là đủ. U cứ sợ chúng mày không riêng tư, mất tự nhiên. Khổ, chúng con chả lớn lên ở đây thì ở đâu; chẳng lẽ lại quên cái cảnh nhà nông thôn, một gian kê mấy cái giường rồi à...Căn phòng mới xây thêm nối vào nhà cũ tạo thành 1 khu khép kín, 1 phía là giếng trời, 1 phía là cửa sổ và cửa đi phụ ra khoảng sân có cây xoài ngay sát bên. Sân cũng được láng xi măng cẩn thận sạch sẽ. Ngày hè, ngồi dưới bóng cây thấy khoan khoái nhẹ nhõm như ngày nào thơ ấu. U cũng thấy quý cây xoài hơn, không nói chuyện chặt cây to nữa. Còn bàn với mình xem trồng thêm mấy cây ăn quả nữa ở đâu. Cạnh ao đã có 2 cây nhãn, 1 cây mít, 1 cây sung già và một hàng cau rồi. Tính trồng thêm giữa vườn trước nhà cây bưởi. Ừ, mình thích có thêm một cây bưởi. Đêm sáng trăng ngoài hương hoa cau thêm mùi hương thoang thoảng của hoa bưởi nữa thì tuyệt. Những đêm khuya, đứng trong khoảng sân lát gạch mộc, nghe mùi đêm lững thững gần xa lẫn trong tiếng sóng biển ầm ào xa xăm thật lạ. Nách tường có một khóm thanh long bám vào cây núc lác già. Mỗi lần ra hoa đến mấy chục nụ. Hoa thanh long mau nở mau tàn cũng giống hệt hoa quỳnh. Bên cạnh khóm thanh long là 1 cây giao và 1 khóm hồng phai già nua nhưng vẫn ra hoa. Cây mai già đã bị chặt mất lúc mình không ở nhà, nhưng đã kịp chuyển 1 nhánh vào sát tường rào. Những khóm đồng tiền đơn, đồng tiền kép trồng trong bồn ngay cạnh 2 cây đinh lăng già lão kỷ lục vẫn ra hoa nhiều như hồi xưa. Hồi đấy trồng cùng với đồng tiền còn có 1 khóm nhài và 1 ít lưu ly xin của nhà hàng xóm về đem giâm ở góc tường hoa đầu ngõ. Lưu ly về sau tàn gần hết nhưng giống nhài sống dai lạ lùng. Đúng 1 lớp đất mỏng dính chưa đầy nửa mét vuông mà lúc nào cũng xanh ngăn ngắt và thi thoảng điểm những bông hoa trắng xinh thơm ngát. Mỗi lần từ nhà ra để bắt xe đi Hà Nội mình thường ngắt 1 bông, bỏ vào túi áo để nghe thoang thoảng mùi hương tuổi nhỏ...

Không hiểu sao cây hoa hoè cứ làm gợi đến mùa hè. Vì lá, vì cành hay vì hoa vì nắng. Cây hoè đầu ngõ đã ra biết bao nhiêu là hoa và bán được kha khá tiền so với thu nhập ở quê. Mùa hè thường có cảnh 1 đám hoa hoè được giàn ra sân gạch hay phơi trên nóc bể nước mưa mấy hôm liền. Nhưng năm ngoái cây hoè già cỗi quá bị chặt đi mất rồi. Bây giờ chỉ còn 1 cây nhỏ phía sát bờ ao. Bọn này cũng giống mấy cây đu đủ, mấy bụi chuối, chỉ được vài năm lại phải thay cây mới, không gắn bó lâu được như những cây to kia. Sau nhà u cũng mới giồng thêm khóm mía ngọt với 1 giàn mướp đắng. Trước nhà cạnh gốc mít gần bờ ao bây giờ thêm giàn thiên lý...

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2008

Entry for November 16, 2008

“- Tôi ơi, tôi từ đâu về đấy?

- Vâng, tôi vừa chạy mê bên những cánh đồng làng

Cùng chú chó con đuôi xoè như bím tóc

Tôi tìm tuổi thơ, đôi bàn chân xơ tướp

Chỉ gặp đồi hoang và những cánh diều

- Tôi ơi, hình như ai đang gọi?

- Ồ không, tôi đang hát với bạn bè tôi

Những dế mèn khúc lãng du lá cỏ

Ngày râu tóc lan man rêu thành cổ

Bóng tháp Chàm trầm mặc mấy mùa trăng

- Tôi ơi có ai vừa qua?

- Gió đấy thôi mùa thu và tiếng kẹt cửa

Trả tôi về hun hút một men sông

Tôi trong veo nhìn tôi ám bụi

Tôi bộn bề nhìn tôi rỗng không

- Tôi ơi về đâu thế?

- Thì tôi về gieo gặt cánh đồng tôi

Nghe tiếng hạt cựa mình trong đất ẩm

Rồi thảng thốt, tôi nhìn tôi lạ lẫm

Rồi trong mơ tôi gặp những mùa vàng

- Kìa tôi ơi, gì lãng đãng như sương

- Là khói ấy, lá vườn hoang tôi đốt

Gọi chim về khơi một tiếng chuông ngân

Là tôi ấy, ánh ngày lơ đãng tắt

Chợt ngước nhìn, trước cửa một vầng trăng”.

(Hương Đình)

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Entry for November 15, 2008




Khách sạn nổi trên Hồ Tây
Hôm nay mới biết cái khách sạn này lại được xây hẳn ra ngoài mặt nước hồ Tây. Khách sạn thì đẹp rồi. Dân tình cũng thêm chỗ để cảm nhận vẻ đẹp hồ Tây-miễn là đủ tiền vào KS 5 sao! Có điều bình luận theo kiểu dân gian thì: không biết của đại gia nào mà dữ vậy?

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

Ngứa. Bỗng dưng muốn gãi.




1. Sến nó cũng giống như cái việc gãi ngứa. Nó cũng khoái nhưng mà không có lịch sự. Có điều ai cũng phải gãi nếu bị ngứa. Nhiều lúc chịu ngứa còn khó hơn chịu đau nữa. Có điều gãi nhiều thì có thể bị xước da, bị đau nên cũng không tốt. Vì thế người ta ít nói đến chủ đề gãi ngứa nhưng đấy còn vì nó là cái gì đó hết sức tự nhiên và cần thiết-tự nhiên đến nhạt nhoà. Khi bắt đầu chú ý (hoặc buộc phải chú ý) đến việc gãi ngứa thì thường là tình hình đã rất căng thẳng và khó coi. Ý kiến cá nhân của mình là việc sến-tức là nghe, nói, đọc, viết, xem...một cách sến-do đó, nên nhẹ nhàng, ý tứ và lờ lớ lơ chứ không nên cổ vũ ồn ào xôm tụ. Bạn nghĩ coi sao 1 đám đông quây quần hồ hởi đứng ngồi...gãi xoành xoạch một cách thân mật???

Bình thường mình rất khó chịu và khó hiểu tại sao các bà các cô lại có thể chăm chú hàng đêm xem những bộ phim miên man bất tận sến thô thiển hài vãi chưởng...mà không chán. Tuy nhiên nghĩ lại thì có khác gì việc mình ngồi coi phim chưởng đâu. Uỵch uỵch bụp chạt...chả có nghĩa lý gì. Xem xong là quên ngay. Nhưng vẫn cứ xem. Là vì xem không phải để hiểu hay nghĩ ngợi. Xem để...xem vậy thôi. Cho đầu óc buông thả-nó đem lại cảm giác dễ chịu tạm thời. Một kiểu tán tâm điển hình. Vì vậy để sến không khó: chỉ cần hai điều kiện. Một là buông xuôi. Hai là chấp nhận một quy ước ngầm có tính ước lệ với đối tượng-phong cách của một bộ phim chẳng hạn. Người ngoài thấy khó hiểu thường là vì thiếu mất điều kiện thứ hai này. Mà không có thoả ước này thì ngược lại cũng không buông xuôi được. Cho nên khi mà nhà mình chặt, phe đa số lại đang tập trung thưởng thức say sưa thì mình hoàn toàn cũng có thể enjoy bằng cách ngồi xuống mà...gãi cho hoà đồng. Cứ gãi đi rồi sẽ ngứa.

Như cái phim "Bỗng dưng muốn khóc" kia chẳng hạn. Xem 1 chặp thấy cũng hay. Có lẽ vì tiết tấu nhanh gọn, nội dung nhẹ nhàng vô hại. Xem rồi bỏ. Vậy mà tảng sáng qua tự nhiên tỉnh dậy, nghĩ nhớ mang máng cái hình ảnh người ta phá cái nhà hoang trong phim...lại làm mình bỗng dưng muốn nhớ! Là mình nhớ lại hồi nhà mình chuyển từ khu tập thể ra ở riêng. Cái khu tập thể cấp 4 xập xệ tiêu điều, mọi người bỏ đi gần hết. Vậy mà hai anh em mình đã bị mẹ mắng cho vì tội than thở mãi là tiếc nhà cũ. Trẻ con chưa biết sến là gì và cũng chưa biết rằng: Cái gì gắn bó với nhau lâu rồi cũng sinh ra đáng yêu, thân thiết. Và cần rất lâu sau để biết thêm rằng: Cái gì đến rồi cũng sẽ đi.
Thệ giả như tư phù, bất xá trú dạ
.


2. Bài viết cũ.
Căn nhà, vườn điền thanh và ô cửa sổ.

Vậy mà quên mất thật nhiều điều. Lúc nãy tôi cố gắng nhớ lại căn hộ tập thể mà gia đình tôi đã ở đấy từ lúc tôi khoảng 3-4 tuổi đến tận 13 tuổi. Khu tập thể 1 tầng 10 căn nhưng căn đầu vốn là nhà trẻ sau đó để hoang. Còn lại là 9 gia đình. Mỗi gia đình ở trong 1 gian nhà rộng khoảng 3,5m sâu độ 10m. Bếp nằm phía sau, ở giữa có 1 giếng trời khoảng 2m. Đằng trước chỉ có 1 cái cửa 2 cánh ở chính giữa. Phía sau có cái cửa sổ mở ra giếng trời. Góc giếng trời có 1 cái bể nước có nắp khoảng 1m3. Hàng ngày phải gánh nước đổ vào bể. Cạnh bể nước, bên dưới cửa sổ để 2 cái xô. Trong bếp gần 1 nửa bên tay trái là chuồng lợn, phần còn lại gồm 1 chỗ để trấu và củi, 1 phần là bếp củi. Cũng có thời gian nhà đắp bếp lò nhưng ít thôi. Trước mỗi nhà là 1 khoảng sân có chiều rộng khoảng hơn 3m. Thường là làm giàn mướp ở bên trên. Mỗi nhà thường trồng 1 cây gì đó, phần nhiều là xoan để có thể kết hợp bắc giàn mướp. Tiếp theo nữa là 1 mảnh vườn dài, chia làm nhiều phần, gần nhà trồng rau, tiếp theo có thể trồng khoai lang. Tiếp nữa là mảnh đất trũng ngập nước thường để hoang hay trồng điền thanh. Khu tập thể nằm giữa vùng đất trống. Một phía là cánh đồng, 1 phía là phía sau bệnh viện, gần nhà xác. Hồi bé lũ trẻ con chúng tôi thường ra rình ở đấy để được xem người chết hay mổ pháp y. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi thường không biết sợ ma là gì cả. Sau này khoảng 16 tuổi (khi đã chuyển nhà) có 2 lần vào gần nửa đêm hôm rằm tháng 7 tôi một mình đi ra nghĩa địa giữa cánh đồng sau làng để xem có gặp ma không mà không thấy gì. Tôi đứng đó trong ánh trăng sáng tỏ, dưới hàng cây phi lao và gần như muốn gọi to lên xem ma có thấy tôi không. Kỳ cục thật, tôi không kể với ai về điều này nhưng tôi nghĩ là nếu có ma thì họ cũng sẽ làm bạn với tôi thôi. Bà tôi đi xem bói thường kể là họ bảo tôi có nhiều người quý mến, cả trần cả âm. Khi nào ốm nhiều là vì có người âm quý. Vậy chứng tỏ tôi hay chơi với người âm rồi :)

Trong nhà đồ đạc chẳng có gì nhiều, 2 cái giường đôi ở 2 đầu nhà, giữa là cái bàn uống nước, góc phải sát cửa có cái chạn, chỗ còn lại để tủ quần áo và để xe đạp. Cái giường phía trong nằm xuống có thể nhìn thấy 1 khoảng trời xanh ngăn ngắt. Không hiểu sao trong ký ức của tôi luôn nhớ hình ảnh này: năm đó chắc tôi khoảng học lớp 2-3, em tôi còn bé chưa đi học. Một lần hiếm hoi 3 mẹ con tôi rỗi rãi vào buổi trưa cùng chơi trên giường. Tôi nhớ tôi đã hỏi mẹ về câu ca dao mẹ đang đọc cho em tôi nghe

"Con cò bay lả bay la
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng"


Tôi hỏi về cổng phủ, tôi không biết nó là cái gì. Mẹ giải thích gì đó nhưng tôi chỉ nhớ cái cảm giác nằm lăn ra nhìn bầu trời xanh ngăn ngắt và tưởng tượng có con cò trắng đang bay ngang qua trong lúc mẹ đang nô với em. Tóc mẹ đen vừa mới gội bồ kết rất thơm. Trí óc tôi lưu giữ tất cả: buổi trưa, bầu trời và cánh cò, mẹ chơi với em và mình nằm bên cạnh, mái tóc mẹ đen, ướt và hình như có mùi bồ kết...



Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

Entry for November 08, 2008

1. Chỉ cần xem cái tên của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TW là đã thấy "LỤT" là vấn đề thiên tai hàng đầu của VN rồi. Người dân nội thành HN lao đao 1 thời gian vừa qua nhưng nhìn tổng thể thì có lẽ chính những người nông dân ngoại thành và nông thôn những vùng lụt lội mới là những người chịu ảnh hưởng lớn và lâu dài nhất. Họ ở xa những tiện ích đô thị hơn và quan trọng là lụt lội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mưu sinh của họ hơn những người dân trong nội thị.

2. Chuyện này làm mình nhớ 1 ý kiến của 1 chuyên gia đô thị trước đây có lần nói với mình. Bác cho rằng thay vì rất nhiều đại dự án không cần thiết, có 1 ý tưởng về việc đào 1 dòng sông dọc theo miền Trung VN có thể khắc phục được lâu dài vấn đề lũ lụt của toàn vùng. Nhưng những ý tưởng như vậy cần 1 tầm nhìn thật lớn, thật xa.

3. Những vụ tai nạn chết người như vụ em học sinh bị rơi xuống cống ở hồ Nam Đồng, HN vừa qua khiến mình thắc mắc nhiều về việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong những việc như thế? Có rất nhiều trường hợp tai nạn thương tâm tương tự như những vụ bị sa xuống hố cống không có nắp...Tắc trách của bên thi công? Trách nhiệm của giao thông công chính? Hay chính quyền địa phương? Và hơn hết là sau những vụ đó người ta có rút kinh nghiệm và đưa ra những biện pháp giải quyết triệt để? VD như ở hồ Nam Đồng đã ai quan tâm đến việc phải rào chỗ nguy hiểm đó lại? Lúc ngập lụt sau này ai là người có trách nhiệm theo dõi, đưa ra các cảnh báo? Tóm lại HN cần có thêm nhiều quy trình ứng phó sơ cấp hơn cho những việc như thế này (@ blog Đông A).

Entry for November 08, 2008

Thời hoa đỏ - Thanh Tùng

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng cho lòng ta yên

Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê của một thời thiếu nữ

Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa của một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu thương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh lùng
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim.

Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em

Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời hoa đỏ ngày xưa.

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2008

Chạy




http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/11/3BA08282/



Theo như bài trả lời phỏng vấn Vnexpress của ông Đào Ngọc Nghiêm (nguyên GĐ Sở KT&QH HN) thì kể ra định hướng quy hoạch thoát nước của Hà Nội cũ cũng đã thực hiện đúng quy trình: Số liệu quan trắc từ 1954 (không tính phần số liệu của Pháp trước đó cũng khoảng 50 năm nữa) đến 1998. Thường người ta tính tần suất lượng mưa khi chọn số liệu tính toán thoát nước đô thị là 5% (tần suất 20 năm), kiểm tra bằng tần suất 2% (50 năm). Dự án thoát nước năm 1998 lấy lượng mưa 310mm, tần suất 10 năm thì cũng chuẩn rồi. Nhưng vấn đề là không thấy ông Nghiêm đề cập đến giải pháp dự phòng cho trường hợp xuất hiện mưa vượt quá công suất thiết kế có trong Dự án hay không. Mình không trong nghề thoát nước nhưng theo logic thông thường thì chắc là cũng phải có một số biện pháp dự phòng. Có thể biện pháp này không được quan tâm tính toán tốt lắm. Chỉ cần xem dự án hồ điều hoà Yên Sở cũng thấy: dự tính 130ha thì không làm đủ; công suất 90m3/s thì chỉ đầu tư 1 nửa rồi chờ. Tức là một mặt người ta không lường được lại có trận mưa lớn như vừa rồi, một mặt có tư tưởng lụt 1 tý ở 1 số chỗ là không sao. Dẫu sao vẫn có thể đại lượng cho rằng về tổng thể thì QH thoát nước cũ không có vấn đề gì lớn (ngoại trừ việc không dự báo được lượng mưa cực đoan như vừa qua).


Theo những gì mình thấy thì vấn đề quá tải của hệ thống thoát nước có thể tập trung vào những vấn đề quản lý cái QH kia nhiều hơn. Các tiểu dự án QHĐT mọc lên tràn lan một mặt vốn đã nhiều cái phát sinh ngoài QH một mặt lại thường có kiểu tính toán lấy được cho mình không quan tâm đến tổng thể và khi thực hiện lại luôn tìm cách lấn chỉ tiêu, bớt đầu tư. Ngoài ra phải kể đến việc quản lý lỏng lẻo những chỉ số khác như hệ số thấm bề mặt đô thị bị giảm đáng kể, việc lấn chiếm, san lấp, chuyển đổi chức năng của 1 phần lớn các mặt nước đô thị có chức năng điều hoà, việc chậm đầu tư cho hạ tầng thoát nước...Những vấn đề này không phải là không có những chuyên gia giỏi nhìn nhận ra mà vấn đề là những ý kiến không được lắng nghe và cũng không có 1 cơ chế phản biện hữu hiệu nào với những vấn đề lớn như vậy và cả sự thiếu tầm nhìn của những người đứng đầu.


http://www.imv-hanoi.com/vi-VN/News/tracuu.aspx


Về việc các dự án QHĐT mới làm manh mún cốt chiếm lợi trước mắt mà không quan tâm (hoặc dốt) tính tới các vấn đề tổng thể thì có thể kể ngay dự án Tây Hồ Tây làm ví dụ. Mọi người có thể theo link này load phần phản biện của dự án IMV (là dự án hợp tác giữa vùng thủ đô Paris và Thành phố Hà nội về chuyển giao chuyên môn quản lý đô thị cho chính quyền HN). Một ví dụ điển hình về 1 khu ĐT mới cóp nhặt đặt chèn lên 1 cánh đồng và không có quan hệ gì với các làng xóm lân cận. (Cá nhân mình rất dị ứng với các dự án gần đây của bọn Hàn Quốc. Bọn này chuyên gia bỏ ra vài triệu đô đi lobby dự án, tô son màu mè, tán nhăng cuội rồi khi có được dự án là bán ngay trên giấy). Khu vực xung quanh hồ Yên Sở là vùng trũng nhất thành phố HN cũng bị lấp đầy các dự án ĐTM. Hậu quả dễ nhìn thấy là người ta lấp đất trũng hay ao hồ để san nền cho khu ĐT. Ngay cả hồ Yên Sở là hồ điều hoà của thành phố vốn có quy hoạch làm công viên cây xanh cũng bị các nhà đầu tư ve vãn sửa sang bổ sung các chức năng tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng thương mại...và đã được giao cho chủ đầu tư nước ngoài. Không biết sau vụ này các bạn còn định làm khách sạn 5 sao ở đấy nữa không?


Vài năm vừa rồi rộ lên phong trào chạy các dự án cống hoá khi có chủ trương của Sở GTCC Hà nội bê tông hoá, cống hoá nhiều kênh mương trong nội đô. Hầu hết các con mương có dự án bị cống hoá đều tập trung ở các khu vực trũng của thành phố. Hiện có 2 dự án đã thực hiện xong chính là đường mới ở khu Hoàng Cầu và con đường Trần Đại Nghĩa đi xuyên qua khu Bách Khoa vốn là mương Sét xuyên qua các vùng trũng của quận Hai Bà và Hoàng Mai như Trương Định, Tân Mai...Khỏi nhắc mọi người cũng biết 2 khu này vừa ngập như thế nào. Thậm chí giờ vẫn ngập! Mấy dự án còn lại mà mình biết đều tương tự như thế đều ở các vùng trũng cả như dự án mương Thái Hà, mương Nguyên Hồng (dọc khu Thành Công đấy ạ), và 1 con mương dài 4km chạy xuyên qua Hai Bà và Hoàng Mai nữa. Có cái đã có chủ, có cái còn dở dang nhưng tựu trung đều là những dự án đem lại lợi nhuận cao vì bỏ tiền ra thì ít thu lợi thì nhiều từ những mặt đường hay diện tích mới ngay giữa trung tâm. Vấn đề là ai chạy được thôi.



P/s: Ngay trước hôm mưa to mình vừa đi qua khu kè Liên Trì, Đan Phượng xong. May là hôm đấy chứ lúc mưa to như thế này thì vấn đề cũng chỉ là ai chạy được/kịp thôi :D