skip to main |
skip to sidebar
Xung quanh chuyện vụ tai nạn sập cầu Cần Thơ trong lúc đang thi công thấy có mấy điểm:
1- Thực ra thì đâu là sự khác biệt đáng kể giữa 1 nỗi đau khổ với 100 nỗi đau khổ? Có thế dễ dàng đi theo hướng khai thác ý tưởng về cộng đồng. 1 vụ tai nạn ảnh hưởng đến nhiều người thì bên cạnh lòng lân mẫn tức thời còn có cả sự lo ngại về xác suất rủi ro đến với mình. Nguyên tắc của tổ chức xã hội là giảm thiểu mọi mối nguy đối với cộng đồng đó. Một tội phạm có thể được miễn trách nhiệm nếu không bị phát hiện sau 20 năm-đấy là dựa trên nguyên tắc nguy cơ gây hại với cộng đồng đã được coi như không còn nữa. Chứ riêng đối với người bị hại trực tiếp thì làm gì có thời hạn? Điểm yếu của ý tưởng này là nó gây ra nguy cơ đảo ngược cái cơ sở của đạo đức là có tình thương trực tiếp, tức thời và vô ngã hiển nhiên ở con người. Nhưng cho dù nỗi đau khổ đối với người gánh chịu nó có khác biệt hay không trước 1 hay 100 tai hoạ đồng thời thì kẻ gây ra nhiều tai hoạ luôn luôn phải bị phán xét nghiêm khắc. Cái nếp gấp trong tư tưởng là ở chỗ: chúng ta chỉ biết định nghĩa hạnh phúc trong đau khổ nên chúng ta gặp khó khăn khi dùng hạnh phúc làm thước đo mọi sự.
2- Cái cách mà nhiều người đang xem xét sự kiện này phần đông là có vấn đề về thao tác tư duy mặc dù nó hoàn toàn không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành 1 chút nào. Dữ kiện đầu tiên là sự cố sập phần cầu đang thi công cùng với hệ giàn giáo trong lúc đang tháo dỡ (1 bộ phận nào đó) gây tai nạn cho rất nhiều người đang có mặt ở công trường. Có vẻ hầu hết mọi người chỉ tham chiếu qua loa cái sự kiện này để mắc nó vào với những định kiến có liên quan của mình (mặc dù phần nhiều có khi chả liên quan tẹo nào hoặc là xa lắc xa lơ). Nếu là mình khi muốn tìm hiểu sự việc này (chủ yếu để truy cứu trách nhiệm chẳng hạn) thì ít nhất mình sẽ tuân theo trình tự này:
- Tìm hiểu fact của nó. Cái gì đã đổ. Nó giống như việc quan niệm 1 hệ kín trước khi giải bất cứ 1 bài vật lý phổ thông nào mà ai cũng được học. Ví dụ như ở đây nhiều người (thường là không có chuyên môn) đã bị kẹt vào ý tưởng xung quanh cái giàn giáo và khối bê tông mà quên không xét đến các yếu tố khác: nền đất, địa chất thuỷ văn, khí hậu, thời gian và con người...Thậm chí có ý kiến chỉ tập trung xung quanh những điểm kiểu như: bê tông mới đổ 2 ngày (vậy là ngầm định 2 ngày ko được/trong khi cái cần xem xét là cường độ chịu lực của bê tông tại thời điểm đó), hoặc là quy kết cho hệ giàn giáo không đúng quy cách (bỏ qua xem xét bài toán chọn phương án thi công, nó có thể không tối ưu về kỹ thuật nhưng ít nhất đã được tính như là khả thi/phải tách bạch giữa cái sai từ nguyên tắc với cái sai có tính kỹ thuật). Trong 1 logic chặt chẽ không có chỗ cho cái chủ yếu với cái không chủ yếu. Vậy mới phải có cơ quan chuyên môn kiểm tra: người ta sẽ phải dựng lại được mô hình tại cả 3 thời điểm: 1. Hiện nay nó như thế nào? 2. Nó đã đổ như thế nào? 3. Trước đó nó như thế nào? Bản chất của KTXD là 1 kiểu khoa học thực nghiệm, nó sẽ rất phức tạp và có nhiều phương án giả thuyết khác nhau cho cùng 1 hiện tượng và không phải lúc nào bài toán cũng có lời giải. Nhưng nếu người ta vi phạm ngay từ khi xây dựng mô hình thì việc lựa chọn tham số sẽ càng theo cảm tính, thường là theo xu hướng tiện cho định kiến của mình.
- Tìm hiểu những quy định của pháp luật liên quan đến quy trình đó. Cái này dễ, chỉ cần tra cứu 1 vài văn bản pháp luật là ra. Bắt đầu từ luật xây dựng sẽ tìm ra thông tư nghị định liên quan. Trước khi hiểu rõ nguyên nhân 1 cách chính thức sẽ rất hồ đồ để quy kết trách nhiệm (buồn cười là cái kiểu của 1 số bên liên quan cứ hồn nhiên "có lẽ nguyên nhân thế này...vậy bên XYZ kia phải chịu"-làm kỹ thuật kiểu xxx gì vậy?). Biết nguyên nhân nằm ở khâu nào rồi thì phải đối chiếu lại với quy trình pháp lý kia. 1 bộ phận tài liệu quan trọng nữa là các hồ sơ liên quan của công trình như hồ sơ thầu, các hợp đồng...vì nó sẽ quy định nhiêù chi tiết cụ thể.
- Bản thân việc xem xét quy trình pháp lý kia cũng phải ghép nó vào 1 hệ kín chứa nó. Ở đây là hiện thực pháp luật ở VN hiện nay.
- Xét riêng vấn đề về tổ chức cứu hộ cứu nạn. Đầu tiên cũng phải bắt đầu từ fact: mọi việc đang diễn ra thế nào. Các nhà báo hay mắc tật nhìn 1 góc rồi phán như là biết rồi. Chưa thấy có ai phỏng vấn người có trách nhiệm về toàn cảnh quy trình cứu hộ như thế nào. Nếu nó chưa chặt chẽ thì cũng phải định dạng được nó thì mới gửi ý kiến (thường là chửi) đến cho nó được chứ? Phải định lượng được các nguồn lực thì mới có lựa chọn được. Cũng có 1 vài ý kiến cụ thể cho việc này đáng đọc như của Huy Đức chẳng hạn. Nhưng bác này vẫn mắc bệnh đại khái-cái gì cũng kê trực thăng với quân đội vào. Các bác sỹ phải biết về việc cấp cứu hơn chúng ta? Nếu cứ kết luận chuyển hết về Sài Gòn thì là đã ngầm định rất nhiều thông số rồi đấy!
- Ở góc độ vĩ mô thì cũng cần cái nhìn tổng quát để nhận định có ích. Chuyện từ chức hay không nói vậy mà không phải vậy-chứ ông bộ trưởng từ chức thì ông thủ tướng phải làm sao? Nói đổ cho ông chuyên trách thì phải xét lại toàn bộ quy trình trước. Đưa ví dụ của các nước khác thì phải định nghĩa lại cái hệ thống của nó đã (mà ở đó sự khác biệt lớn nhất nằm ở khía cạnh chính trị). Cứ kiểu này có khi lại đổ mọi sự là tại cụ Hồ mất! Trong chuyện này cả 2 phe (phê và bị phê) đều có 1 điểm chung: tuyệt đối hoá vai trò của 1 người-gần giống như Tôn Ngộ Không vậy-trong khi cái cần quan tâm lại có tính hệ thống và phải tương tác theo luật của nó. Vấn đề hậu cứu hộ cũng nan giải và dài rộng. Hồi còn bé mình thường hay được đọc những tập sách mỏng mỏng mô tả các gương lãnh tụ cách mạng hoạt động trong phong trào công nhân vận động thế nào, lý luận thế nào...Bây giờ mình rất thắc mắc có bao nhiêu công nhân là Đảng viên nhỉ??? Bài toán thoát nghèo bao giờ cũng lòng vòng. Nếu mọi cái đều đúng chuẩn thì chẳng có mấy người đủ tiêu chuẩn làm công nhân cả nói rộng ra chả mấy công ty là công ty luôn. Cái này gọi là sai số của thế giới thứ 3 :(
Báo VNN dẫn lời cụ CT "không vì sập cầu mà làm chậm tiến độ thi công" - vậy có lẽ cụ đã biết là vụ sập cầu này không phải là bất khả kháng từ tự nhiên rồi-không phải yếu tố mới nào xuất hiện trong bài toán còn thiếu. Một bài toán chặt chẽ đầy đủ các thông số bây giờ trục trặc chắc chắn chỉ tại người làm ngủ gật thôi chứ còn gì!!!
Bây giờ phải làm sao - làm đúng như lý thuyết chứ còn làm sao nữa.
Kinh Kha là người nước Vệ, tổ tiên là người nước Tề.Kinh Kha di cư sang Vệ, người Vệ gọi là Khánh Khanh(6). Sau đó sang nước Yên, người nước Yên gọi là Kinh Khanh.Kinh Khanh thích đọc sách, đánh gươm, đem kiếm thuật nói với Vệ Nguyên Quân. Vệ Nguyên Quân không dùng. Sau đó Tần đánh Ngụy (năm 242 trước Công nguyên) đặt Đông Quận, dời họ hàng Vệ Nguyên Quân đến đất Dã Vương. Kinh Kha có lần qua chơi đất Du Thứ, bàn kiếm thuật với Cáp Nhiếp. Cáp Nhiếp giận, trợn mắt nhìn Kinh Kha đi ra. Có người nói muốn mời Kinh Kha, Cáp Nhiếp nói: - Lúc nãy ta bàn kiếm thuật với hắn. Có chỗ không vừa ý ta trợn mắt nhìn hắn. Thử đi mà xem, chắc hắn đi rồi không dám ở lại nữa. Sai người đến nhà trọ thì Kinh Khanh đã đi xe ngựa rời khỏi đất Du Thứ rồi. Người này về báo, Cáp Nhiếp nói: - Cố nhiên là hắn đi? Lúc nãy ta vừa lấy mắt dọa hắn. Kinh Kha đi chơi đến Hàm Đan. Lỗ Câu Tiễn cùng Kinh Kha đánh cờ, tranh nhau nước cờ. Lỗ Câu Tiễn giận mắng, Kinh Kha im lặng trốn đi, sau đó không gặp nhau nữa (7) Sau khi Kinh Kha đã đến Yên, làm bạn với người bán thịt chó và người giỏi gẩy đàn trúc(8) tên là Cao Tiệm Ly.Kinh Kha thích uống rượu, ngày ngày cùng anh bán thịt chó và Cao Tiệm Ly uống rượu ở chợ nước Yên. Sau khi chén rượu dở say, Cao Tiệm Ly gẩy đàn trúc, Kinh Kha họa theo mà hát vui với nhau ở giữa chợ. Sau đó lại cùng nhau khóc,xem như bên cạnh không có người(9), Kinh Kha tuy ở trong bọn bợm rượu, nhưng tính tình thâm trầm, thích đọc sách,khi du lịch các nước chư hầu, đến đâu cũng kết bạn với tất cả những người hiền, trưởng giả ở đấy. Khi sang nước Yên, xử sĩ nước Yên là Điền Quang tiên sinh cũng trọng đãi vì biết rằng Kha không phải là người tầm thường.Được ít lâu gặp lúc thái tử nước Yên là Đan làm con tin ở Tần trốn về. Thái tử Đan nước Yên đã có lần làm con tin ở Triệu mà vua Tần tên là Chính lại sinh ở Triệu, lúc nhỏ vẫn chơi thân với Đan. Đến khi Chính được lập làm vua, Đan làm con tin ở Tần, vì vua Tần đối đãi với thái tử Đan không tử tế cho nên Đan giận trốn về. Đan về tìm cách báo thù vua Tần, nhưng nước nhỏ, sức không làm nổi. Sau đó ngày ngày Tần đem binh ra miền Sơn Đông để đánh các nước Tề, Sở,Tam Tấn, dần dần tiêu diệt chư hầu như tằm ăn lá dâu, sắp đến nước Yên. Vua tôi nước Yên đều sợ họa sắp đến nơi. Thái tử Đan lo lắng hỏi thầy học là Cúc Võ. Cúc Võ nói: - Đất nước Tần bao khắp thiên hạ, uy hiếp các nước Hàn, Ngụy , Triệu, phía Bắc có Cam Tuyền, Cốc Khẩu là nơi hiểm trở, phía Nam có đất bên sông Kinh, sông Vị là nơi mầu mỡ, chiếm nguồn lợi đất Ba, đất Hán, bên phải có dãy núi đất Lũng, đất Thục, bên trái có nơi hiểm trở như Hàm Cốc quan, Hào Sơn. Dân đã đông, quân lại mạnh, khí giới có thừa. Nếu họ muốn đem quân ra thì từ Trường Thành xuống phía Nam, từ Dịch Thủy lên phía Bắc (lo) chưa biết ra sao!Tại sao chỉ vì cái oán bị khinh rẻ mà thái tử lại muốn động chạm đến cái vẩy ngược của con rồng(11) như thế? Đan nói: - Vậy thì làm sao? - Việc ấy xin suy nghĩ cho sâu. Được ít lâu tướng Tần là Phàn Ư Kỳ có tội với vua Tần, chạy trốn sang Yên, thái tử dung nạp cho ở. Cúc Võ can: - Không được! Nước Tần đã mạnh lại căm giận nước Yên, như thế cũng đủ đáng sợ lắm rồi. Huống chi nó lại nghe Phàn tướng quân ở đây. Như thế tức là “Ném thịt ra giữa lối đi của hùm đói”, cái tai vạ ấy không thể cứu được đâu! Tuy có Quản Trọng, Án Anh(12) cũng không thể bày mưu cho ta. Thái tử phải mau mau cho Phàn tướng quân vào đất Hung Nô để khỏi tai tiếng, xin phía Tây ước hẹn với Tam Tần, phía Nam liên kết với nước Tề, nước Sở, phía Bắc hòa với Thiền Vu sau đó mới có thể lo toan được. . Thái tử nói: - Kế của thái phó tốn mất nhiều ngày giờ quá. Lòng tôi lo lắng ưu phiền, sợ không đợi được giây lát. Vả chăng, không phải như thế mà thôi, Phàn tướng quân là người cùng khốn, thiên hạ không ai dung, gửi thân ở Đan, dù sao Đan cũng không thể vì bị nước Tần mạnh bức bách mà bỏ rơi người bạn đáng thương, đưa ông ta sang Hung Nô, như thế thì Đan chết mất. Xin thái phó nghĩ cho cách khác. Cúc Võ nói: - Làm việc nguy mà muốn cầu được yên, gây họa mà muốn cầu được phúc; mưu kế thì cạn mà kết oán thì sâu; hên kết với một người mà không nghĩ đến cái hại lớn của nước nhà, tức là như người ta nói, thêm oán mà gieo họa vậy. Điều đó cũng như lấy nắm lông chim hồng mà đốt trên lò than, nhất định chẳng còn gì nữa. Nước Tần đã hung ác lại muốn làm hả cơn giận dữ thì chưa biết đến thế nào mà nói? Nước Yên có Điền Quang tiên sinh là người trí sâu mà dũng cảm thâm trầm, có thể bàn với ông ta được(14) Thái tử nói: - Muốn xin thái phó cho tôi được làm quen với Điền tiên sinh, có được không? Cúc Võ nói: - Xin vâng. Cúc Võ bèn đi tìm Điền Quang nói: -Thái tử muốn mưu việc nước với tiên sinh đấy. Điền Quang nói: -Xin vâng lời dạy. Bèn đến, thái từ ra đón, đi giật lùi để dẫn đường, quỳ xuống để trải chiếu. Điền Quang ngồi yên, xung quanh không có ai, thái tử dời khỏi chiếu nói: - Nước Yên và nước Tần không cùng sống, xin tiên sinh lưu ý cho. Điền Quang nói: - Tôi nghe nói ngựa kỳ, ngựa ký lúc đang mạnh thì ngày ruổi ngàn dặm, đến khi già rồi ngựa hèn vượt lên trước.Nay thái tử chỉ nghe thời Quang còn trai trẻ chứ không biết rằng tinh lực tôi đã hao mòn hết rồi. Nhưng mặc dù Quang không dám bàn việc nước, người bạn của tôi là Kinh Khanh có thể dùng được. Thái tử nói: -Tôi muốn nhờ tiên sinh cho tôi kết bạn với Kinh Khanh có được không?. -Thưa vâng. Điền Quang liền đứng dậy bước rảo ra ngoài. Thái tử tiễn đến cửa căn dặn: - Điền Đan trình bày, tiên sinh chỉ giáo, đều là việc lớn của nước, xin tiên sinh chớ tiết lộ. Điền Quang cúi đầu mỉm cười nói: - Vâng Điền Quang lom khom đến gặp Kinh Khanh(15) nói: - Quang và ông quen nhau, nước Yên ai cũng biết. Thái tử chỉ nghe Quang lúc còn khỏe mạnh không biết Quang này đã kém cỏi rồi. Thái tử lại dạy tôi rằng: “Nước Yên và nước Tần không cùng chung sống, xin tiên sinh lưu ý cho”. Quang trộm nghĩ rằng mình không nên đứng ra ngoài, nên tiến cử túc hạ với thái tử. Xin túc hạ quá bộ đến cung thái tử. Kinh Kha nói: - Xin vâng lời dạy. Điền Quang nói: - Tôi nghe nói kẻ trưởng giả làm việc không để cho người ta ngờ mình. Nay thái tử nói với Quang rằng: “Điều nói đó là việc lớn của nước, xin tiên sinh chớ tiết lộ”, như vậy là thái tử ngờ Quang. Phàm làm người để cho người ta ngờ mình, thì không phải là người nghĩa hiệp. Điền Quang muốn tự sát để khích lệ Kinh Kha, nói:. - Xin túc hạ đến gặp thái tử ngay, nói rằng Quang đã chết để chứng tỏ quang không nói với ai. Bèn tự đâm cổ mà chết. Kinh Kha vào yết kiến thái tử nói việc Điền Quang đã chết và kể lại lời của Quang. Thái tử lạy hai lạy, đi bằng đầu gối, nước mắt ròng ròng. Một lúc sau mới nói: -Đan này sở dĩ đặn Điền tiên sinh đừng nói là muốn mưu việc lớn thành công. Nay Điền tiên sinh lại lấy cái chết để chứng tỏ rằng mình không nói, thực có phải là bụng của Đan này đâu. Kinh Kha ngồi yên, thái tử đứng dậy cúi đầu nói: - Điền tiên sinh không biết rằng Đan này ngu dại cho Đan được đến trước mặt túc hạ mà bày tỏ. Đó là trời thương nước Yên mà không vứt bỏ đứa con mồ côi của nó. Nay nước Tần có bụng tham lợi, lòng tham không vừa, nếu không lấy tất cả đất đai trong thiên hạ nộp cho nó, bắt tất cả các vua trong thiên hạ làm tôi nó, thì ý nó chưa thoả mãn. Nay Tần đã bắt vua Hàn, lấy hết đất Hàn, lại đem binh về phía Nam đánh Sở, phía Bắc đánh Triệu. Vương Tiễn đem quân mấy mươi vạn chặn lấy đất Chương, đất Nghiệp, Lý Tín lại đem quân ra Thái Nguyên, Vân Trung. Nước Triệu không thể chống nổi Tần, thế nào cũng phải vào xưng thần; vào xưng thần thì tai họa đến nước Yên. Nước Yên nhỏ yếu, nhiều lần khổ vì chiến tranh, tính dốc cả sức trong nước cũng không đủ để chống cự với Tần, chư hầu sợ nước Tần, không ai dám hợp tung. Theo kế riêng của Đan, thì ngu này cho rằng nếu có một kẻ dũng sĩ trong thiên hạ đi sứ sang Tần, dùng lợi to để nhử nó. Tần Vương tham lam, thế nào ta cũng làm được điều mong muốn. Nếu có thể bắt tiếp được vua Tần buộc nó phải trả cho chư hầu những đất mà nó đã xâm chiếm, như Tào Mạt đã làm đối với Tề Hoàn Công thì thực là hay lắm, không được thế thì nhân đó đâm chết hắn đi. Đại tướng của nước Tần cầm quân ở ngoài mà trong nước lại có loạn thì vua tôi ngờ vực nhau, nhân thời cơ ấy chư hầu có thể hợp tung, thế nào cũng phá được nước Tần. Đó là điều mong mỏi nhất của Đan nhưng không biết ủy thác cho ai, xin Kinh Khanh lưu ý cho. Một hồi lâu, Kinh Kha đáp: - Đó là việc của nước lớn, thần hèn kém sợ không đáng sai khiến. Thái tử bước đến trước cúi đầu, khẩn khoản xin đừng từ chối, sau đó Kinh Kha mới nhận lời. Thái tử bèn tôn Kinh Kha làm thượng khanh ở nhà sang nhất. Thái tử ngày ngày đến trước cửa dâng cỗ thái lao, các vật lạ xe ngựa, gái đẹp tha hồ Kinh Kha muốn gì được nấy để làm chàng vừa lòng. Sau một thời gian, Kinh Kha vẫn chưa có ý đi. Tướng Tần là Vương Tiễn đã phá nước Triệu, cầm tù vua Triệu, lấy tất cả đất Triệu tiến quân về phía Bắc, cướp đất đến biên giới phía Nam nước Yên. Thái tử Đan lo sợ, cầu khẩn Kinh Kha: - Quân Tần nay mai sẽ vượt qua sông Dịch Thủy thì dù tôi muốn hầu túc hạ mãi cũng chẳng dễ mà được đâu? Kinh Kha nói: -Thái tử không nói, thì tôi cũng muốn yết kiến để bàn việc ấy. Nay đi mà không có gì làm tin thì khó lòng đến gần vua Tần. Vua Tần treo giải nghìn cân vàng, ấp muôn nhà để bắt Phàn tướng quân. Nếu quả được cái đầu của Phàn tướng quân và địa đồ đất Đốc Cáng của nước Yên để dâng lên vua Tần, thì vua Tần thế nào cũng vui lòng cho tôi yết kiến, bấy giờ tôi mới có cách để báo đáp thái tử. Thái tử nói: - Phàn tướng quân cùng khốn về với Đan, Đan này không nỡ vì việc riêng của mình làm hại đến người trưởng giả, xin túc hạ nghĩ cho cách khác. Kinh Kha biết thái tử không nỡ, bèn thân hành đến gặp Phàn Ư Kỳ nói: - Nước Tần đối đãi với tướng quân có thể gọi là quá thâm độc. Cha mẹ họ hàng đều bị giết, nay nghe nói họ mua cái đầu của tướng quân nghìn cân vàng, ấp vạn nhà, tướng quân nghĩ sao? Ư Kỳ ngửa mặt lên trời thở dài, sa nước mắt mà rằng: - Ư Kỳ mỗi khi ngh đến điều đó, thường đau đến tận xương tuỷ, nhưng không nghĩ ra kế gì. Kinh Kha nói: -Nay có một lời, có thể cứu nguy cho nước Yên, báo thù cho tướng quân. Tướng quân nghĩ thế nào? Ư Kỳ bèn tiến lên nói: - Làm thế nào bây giờ? Kinh Kha nói: - Tôi muốn xin cái dầu của tướng quân để hiến vua Tần, vua Tần thế nào cũng mừng rỡ tiếp kiến tôi. Tôi tay trái nắm lấy tay áo nó, tay phải đâm vào bụng nó như thế thì trả được thù cho tướng quân lại rửa được cái nhục bị khinh rẻ của nước Yên. Tướng quân có nghĩ như thế không? Phàn Ư Kỳ xắn ống tay áo tiến lên nói: - Đó là điều ngày đêm tôi nghiến răng nát ruột, đến nay mới được nghe chỉ giáo. Bèn tự đâm cổ chết(15). Thái tử biết vậy ruổi ngựa đến, nấp bên thây mà khóc hết sức thảm thương. Nhưng việc đã không làm sao được, nên bỏ đầu Phàn ư Kỳ vào hòm và niêm phong lại. Thái tử sai tìm trong thiên hạ được cái chuỳ thủ sắc của Từ phu nhân nước Triệu, mua mất trăm lạng vàng, sai thợ tẩm thuốc độc thử đâm vào người hễ máu chảy ra như sợi tơ là người chết ngay. Bèn chuẩn bị hành lý để cho Kinh Kha đi. Nước Yên có người dũng sĩ là Tần Vũ Dương, mười ba tuổi, giết người không ai dám trừng mắt nhìn. Bèn sai Tần Vũ Dương làm phó. Kinh Kha muốn đợi một người để cùng đi. Người ấy ở xa chưa tới, đã sắp sẵn hành lý cho anh ta. Đợi một thời gian chưa lên đường. Thái tử cho rằng quá chậm, ngờ Kinh Kha có đổi dạ chăng, bèn lại giục: - Ngày đã hết rồi. Kinh Kha có bằng lòng đi không, Đan xin cho Tần Vũ Dương đi trước. Kinh Kha giận mắng thái tử: -Tại sao thái tử lại làm thế? Đi mà không nên việc đó là phường con trẻ(17). cầm một cây chuỳ thủ, lọt vào nước Tần mạnh bất trắc, tôi sở dĩ ở lại là vì còn đợi người khách của tôi cùng đi. Nay thái tử cho là trễ, vậy xin chia tay ngay. Bèn ra đi. Thái tử và tân khách biết chuyện ấy đều mặc áo mũ trắng để tiễn. Đến trên sông Dịch Thủy, sau khi làm lễ tiễn hành, lên đường, Cao Tiệm Ly gầy đàn trúc, Kinh Kha theo nhịp mà hát theo điệu biến chủy(18), kẻ sĩ đều sụt sùi nức nở. Kinh Kha lại tiến lên hát: Gió hiu hắt, chừ, Dịch Thủy lạnh ghê! Tráng sĩ ra đi chừ không bao giờ về! Lại hát theo điệu vũ khảng khái, mọi người trợn mắt,tóc đều dựng đứng xiên lên mũ. Sau đó Kinh Kha lên xe đi, không hề nhìn ngoái lại(19). Kinh Kha đến Tần, đem lễ vật giá nghìn vàng đút cho viên quan trung thứ sử là Mộng Gia bầy tôi yêu của vua Tần. Gia nói trước với vua Tần: - Vua Yên thực sự sợ hãi uy thế của đại vương, không dám đem binh để đón đánh các tướng, muốn xin đem cả nước làm tôi nước Tần, đứng ở hàng chư hầu, chịu nộp cống, chịu nhận chức như một quận một huyện để được giữ tôn miếu của tiên vương. Họ sợ hãi không dám tự bày tỏ, đã chém đầu Phàn Ư Kỳ mềm phong bỏ vào hòm và dâng địa đồ xứ Đốc Càng. Vua Yên lạy trước sân sai sứ sang tâu với đại vương, xin đại vương phán cho như thế nào! Vua Tần nghe nói cả mừng bèn mặc áo chầu, đặt lễ cửu tân(20), tiếp kiến sứ giả nước Yên ở cung Hàm Dương. Kinh Kha bưng đầu Phàn ư Kỳ, còn Tần Vũ Dương bưng tráp đựng địa đồ, lần lượt dâng lên. Đến bệ, Tần Vũ Dương run sợ biến sắc mặt, các quan lấy làm lạ. Kinh Kha quay lại cười Tần Vũ Dương, tiến lên xin lỗi, nói: - Nó là kẻ mọi rợ ở phương Bắc, chưa hề trông thấy thiên tử, cho nên run sợ. Xin đại vương tha thứ cho, để cho nó được làm tròn phận sự một sứ thần trước mặt thiên tử. Vua Tần bảo Kinh Kha: - Đưa địa đồ Vũ Dương cầm đó lên đây. Kinh Kha liền cầm địa đồ dâng lên. Vua Tần mở địa đồ. Giở hết địa đồ thì cái chuỳ thủ hiện ra. Kinh Kha liền tay trái nắm lấy tay áo vua Tần, tay phải cầm chuỳ thủ chĩa vào người. Đao chưa đến người, vua Tần sợ hãi vùng đứng dậy. Ống áo đứt, Vua Tần tuốt kiếm, kiếm dài, vua nắm lấy bao kiếm. Lúc bấy giờ hoảng hốt, kiếm lại chặt nên không tuốt được ngay. Kinh Kha đuổi theo vua Tần, vua Tần chạy quanh cột trụ, các quan luống cuống, gặp lúc hoảng hốt, đều mất cả vẻ mặt lúc bình thường. Theo phép của nước Tần các quan chầu chực ở trên điện không được cầm một tấc binh khí. Các lang trung cầm binh khí đều đứng sắp hàng ở dưới điện, nếu không có chiếu chỉ gọi thì không được lên. Bấy giờ đang lúc gấp, không kịp gọi những người cầm binh khí ở dưới. Vì vậy Kinh Kha đuổi vua Tần, các quan vẫn cuống quít không có gì để đánh trả lại chỉ lấy tay mà đánh Kinh Kha. Lúc bấy giờ viên thầy thuốc đứng hầu tên là Hạ Vô Thư lấy túi thuốc cầm trong tay ném Kinh Kha. Vua Tần đang chạy quanh cột vẫn cuống quít chưa biết làm thế nào. Tả hữu kêu lên: - Nhà vua mang kiếm sau lưng. Vua Tần đưa tay ra sau lưng, tuốt kiếm đánh Kinh Kha, chặt đứt bắp vế bên trái. Kinh Kha què bèn cầm chuỳ thủ ném vua Tần. Ném không trúng, trúng cái cột đồng. Vua Tần lại đánh Kinh Kha, Kinh Kha bị tám vết thương tự biết công việc không xong bèn tựa vào cột mà cười, ngồi xổm mà mắng: - Việc này không xong chỉ vì ta muốn để cho nó sống mà uy hiếp nó lấy cho được giấy cam kết để đưa cho thái tử(21). Lúc bấy giờ tả hữu tiến lên giết Kinh Kha. Vua Tần hoảng hốt một hồi lâu, sau đó bàn công lao thưởng các quan và trị tội theo thứ bực, cấp cho Hạ Vô Thư hai trăm cân vàng, nói: - Vô Thư yêu ta nên cầm túi thuốc ném Kinh Kha. Vua Tần bèn cả giận cho thêm quân sang Triệu, ra lệnh cho Vương Tiễn đem quân đánh Yên. Tháng mười, lấy được thành Kế, vua Yên là Hỷ, thái tử Đan đều đem tất cả tinh binh sang phía Đông cầm cự ở Liêu Đông. Tướng Tần là Lý Tín đuổi đánh vua Yên gấp, vua nước Đại là Gia bèn đưa cho vua Yên là Hỷ bức thư nói: “Nước Tần sở dĩ đuổi đánh nước Yên ráo riết hơn cả là vì thái tử Đan. Nếu nhà vua giết Đan dâng cho vua Tần thì vua Tần có thể giải hòa, còn có hy vọng nền xã tắc được cúng tế lâu dài ”. Sau đó Lý Tín đuổi Đan. Đan nấp ở vùng sông Diễn Thủy. Vua Yên bèn sai người chém thái tử Đan, dâng đầu cho vua Tần. Tẩn lại đem binh đánh. Năm năm sau (năm 222 trước Công nguyên) nước Tần diệt nước Yên, bắt vua Yên là Hỷ. Sang năm sau, Tần lấy tất cả thiên hạ xưng hiệu là hoàng đế. Tần bèn lùng bắt bạn bè của thái tử Đan và Kinh Kha. Họ đều bỏ trốn. Cao Tiệm Ly đổi họ tên làm thuê cho người ta, nương náu ở huyện Tống Tử. Được ít lâu, làm việc khó nhọc, nghe ở trên thềm có khách chơi đàn trúc, bàng hoàng không sao bỏ đi được. Thường nói: người này gảy khá, người kia gảy kém. Bọn đầy tớ nói với chủ: . - Người làm thuê kia biết âm nhạc, bàn trộm người hay kẻ dở. Chủ nhà gọi đến gảy đàn trúc, mọi người đều khen hay,cho rượu uống. Cao Tiệm Ly nghĩ mình cứ lén lút rụt rè mãi bao giờ cho cùng, bèn trở lui, lấy cái đàn trúc và quần áo đẹp trong hòm ra thay đổi dung mạo bước lên. Tất cả khách ngồi ở đấy đều kinh ngạc bước xuống làm lễ, tôn làm thượng khách bảo gảy đàn trúc và hát. Mọi người đều sa nước mắt mà bỏ về. Trong vùng Tống Tử, các nhà lần lượt mời Cao Tiệm Ly đến làm khách. Việc đến tai Tần Thủy Hoàng. Thủy Hoàng gọi vào chầu. Có người biết, nói: - Đó là Cao Tiệm Ly. Tần Thủy Hoàng tiếc chàng giỏi gảy đàn trúc, nên đặc cách tha chết, làm cho đui cả hai con mắt của Ly. Sai gảy đàn trúc: lần nào cũng khen hay. Dần dần vua Tần lại ngồi gần, Cao Tiệm Ly đổ chì vào ống đàn trúc, vua lại gần hơn,Cao Tiệm Ly giơ đàn đánh Tần Thủy Hoàng. Đánh không trúng, nhà vua bèn giết Cao Tiệm Ly, suốt đời không gần gũi người các nước chư hầu nữa. Lỗ Câu Tiễn sau khi nghe tin Kinh Kha đâm vua Tần, nói riêng một mình: - Than ôi! Tiếc thay hắn không thạo về phép đánh gươm! Ta thật không biết người quá nỗi! Xưa kia ta quát hắn, chắc hắn không cho ta là người cùng chí(22). (6). Khánh có lẽ là họ của Kinh Kha. Khanh danh từ dùng để gọi những người mình tôn trọng.
(7). Tác giả dùng phép ức dương: trước khi nói đến sự dũng cảm của Kinh Kha thì kể một chuyện làm người đọc tưởng rằng Kinh Kha lần đầu hèn nhát, rồi lần thứ hai cũng lại hèn nhát.
(8). Đàn trúc cũng giống đàn cầm, nhưng lấy trúc mà gấy.
(9). Chi tiết này chứng tỏ Kinh Kha và Cao Tiệm Ly có tâm sự u uất không thể thổ lộ cùng ai. Tư Mã Thiên có một phương pháp tự sự độc đáo làm thành một phong cách riêng: khi kể chuyện về một nhân vật thường đưa ra những giai thoại rất ngắn chỉ 4, 5 câu có thể vụn vặt, nhưng những chi tiết ấy lại rất điển hình làm cho nhân vật rất sống.
(10). Đây chỉ địa phận nước Yên.
(11). Hàn Phi nói, dưới cổ con rồng có cái vẩy ngược ai động đến thì nó giết ngay.
(12). Những nhà chính trị giỏi thời Xuân Thu.
(13). ý muốn hợp tung chống Tần.
(14). ý Cúc Võ đã muốn nói đến kế dùng thích khách cho nên nói đến chữ dũng cảm thâm trầm.
(15). Hai chữ lom khom đủ để lột tả Điền Quang là ngựa ký về già.
(16). Phàn Ư Kỳ lại là một hiệp sĩ. Người thứ hai chết mong giục Kinh Kha báo thù.
(17). ý Kinh Kha muốn đợi người cùng đi cho chắc chắn. Chỉ có bọn trẻ con ngu ngốc mới làm việc xốc nổi không xem xét trước sau sao cho nên việc.
(18). Nhạc cổ theo âm luật cao thấp chia ra cung, thương, giốc, chuỳ, vũ gọi là năm cung.
(19). Chỉ thêm mấy chữ "Không hề nhìn ngoái lại" mà khí phách anh hùng của Kinh Kha nổi bật.
(20). Xem chú thích ở Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện.
(21). Tất cả đoạn này không nhắc một chữ đến Tần Vũ Dương càng làm người ta nhớ đến “người bạn Kinh Kha chờ để cùng đi”.
(22). Kết luận sinh động. Lỗ Câu Tiễn hôi tiếc không dạy cho Kinh Kha cách đánh gươm đến nỗi việc lớn thất bại và tự thẹn về chỗ Kinh Kha bỏ mình ra đi: Câu này cắt nghĩa Kinh Kha muốn chơi với người cùng chí hướng, thấy ai không cùng chí nguyện thì bỏ đi chứ không phải hèn nhát. Nhân vật Kinh Kha lôi cuốn người ta không chỉ vì là hiệp sĩ mà là một người có tâm sự kín đáo, không mấy người hiểu. Trong những con người không hiểu đó có cả thái tử Đan.
Sử Ký-Tư Mã Thiên. Phan Ngọc dịch.
Con phải thành danh
Rượu uống phải say
Say rồi nói chuyện
Nói lời hay. (*)
(*) Nhặt trong "Đại địa phi ưng" của Cổ Long, theo đó thì đây là lời 1 bài hát dân ca Tây Tạng.
Sông lặng lẽ như đời
Triều dâng
Ôi, khát vọng.